(Baonghean) - Chị là nông dân chính hiệu. Thuở trẻ cứ một mình một trâu, con trâu dù khỏe, dù dữ dằn đến mấy, vào tay bà chị là ngoan hết. Có những khi đang cày, trâu phá bĩnh tháo chạy, bà chị vác cày nhảy qua mương chứ không chịu bỏ. Ông chồng thì làm anh công nhân nhì nhằng. Ấy vậy mà cứ nuôi năm đứa con, đứa nào đứa ấy vạm vỡ như lực điền, lại vẫn xây dựng được cơ ngơi nhà ngói sân gạch ngon lành. Năm nào chị cũng “bưng” được cái danh hiệu xã viên xuất sắc nữa chứ.
 
Đùng một cái ông anh nghỉ hưu, chị đóng cửa cái cơ ngơi ngon lành ấy, kéo tuốt cả đàn  lớn bé lên thành phố. Cả một lũ lực điền chui vào cái “hòm” hơn chục mét vuông tiêu chuẩn của thời bao cấp ông anh được thành phố phân cho. Cái lý của ông anh là “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố”. Rồi ông anh tính, thành phố có lắm người giàu, mình ngồi vỉa hè bơm xe, kiếm đồng tiền lẻ của họ cũng đủ “rung rinh”, còn hơn chán vạn ở quê chân đất mắt toét, bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
 
Thì cứ thử tính đi: cả nhà được năm sào ruộng, gọi là mát tay chăm bón, giống má phân tro, thuốc sâu, diệt cỏ, diệt chuột đầy đủ thì một năm thu hoạch hai vụ  được hai tấn thóc, giá cao thì được hơn chục triệu. Ấy là chưa trừ vốn liếng giống má, mà cũng là nói thế, gọi là hạch toán cho oai thôi chứ bán đi thì có mà cả lũ treo niêu, mốc mồm. Chưa nói gì đến chuyện trăm thứ phải chi, vạn thứ phải tiêu, nào ma chay hiếu hỉ, nào bệnh tật ốm đau, nào con cái học hành… Tất tật những thứ bà rằn ấy, nhìn vào đâu ?
 
images1201092_minh_hoa.jpgMinh họa: Hồng Toại
Cứ lên phố mà dựa cột đèn bơm vá xe ngày hơn bù ngày kém chia ra cũng được đôi trăm ngàn, vị chi là mỗi tháng cũng năm sáu triệu ngọt xoét. Thằng nào ngại lê la bơm vá thì làm cái xe máy nhàng nhàng ngày quất mấy cuốc cũng cứ đút túi đôi ba trăm, mà lại còn vi vu luồn lách phố xá, biết đủ chuyện trên trời dưới đất. Nhàn nhã mà ngon xơi là dắt lưng bộ dao kéo, kiếm chỗ “đắc địa” ngoắc cái gương lên tường rào, ngày vít hai chục cái đầu, mỗi cái đầu lượm ba chục ngàn không phải là mỗi tháng ẵm hơn chục triệu à?
 
Bài bản bố tính kỹ rồi, cứ thế là hành quân nhằm hướng phố mà tiến. Thời gian đầu chân ướt chân ráo lên thành phố chị chả biết làm gì, thôi thì đi bới rác bán cho hàng phế liệu vậy. Cứ ba giờ sáng là chị dậy lọ mọ đi đến bãi rác, chọn nhặt những thứ mà người ta mua phế thải, sáu giờ người phố đi làm là chị đã xong cái việc của một ngày. Chị tuyệt đối không cho ai biết việc mình làm, kể cả bạn bè hay anh em trong nhà, thanh danh mà, chẳng lẽ để người ta coi thường cái đồ nhặt rác.
 
Lại nói chuyện cả lũ “lực điền” kia, nhốt tất vào cái “hộp” hơn chục mét vuông. Một suất lương hưu công nhân và một suất bới rác sao đủ “rót” cho bảy, tám cái “tàu há mồm”. Thế là mỗi đứa mỗi kiểu “nhặt tiền lẻ”, triệt để theo cái lý của ông bố. Đứa thì chạy xe ôm, đứa thì cắt tóc...
 
Ki ki cóp cóp, góp góp nhặt nhặt mãi, rồi thì chị cũng “lên” được gánh la- ghim, ngồi ngay tại cổng nhà. Thôi thì đủ thứ, từ cái kim sợi chỉ cho đến bát cà bát dưa, củ hành củ tỏi... Nhặt tiền lẻ mà. Cũng đến lúc mấy ông lực điền trong nhà nhân đôi hộ khẩu. Làm sao đây? Đứa nào cũng thấm nhuần “đường lối” của ông bố rồi, cứ phải tận thu tiền lẻ, mà tiền lẻ thì bao giờ mới tậu được cái chỗ chui ra chui vào. Thế là nát óc nghĩ cách ngăn thưng, che chắn, bàn lôi ghế gấp, cơi nới chùm hụp... Chưa phải lúc bàn đến xấu đẹp tiện nghi, miễn sao cả bốn cái gia đình nằm được, đẻ được là ngon rồi. Quan trọng cái “thương hiệu” mình là người thành phố.
 
Đã là người thành phố thì cái gì cũng phải ăn đứt nhà quê. Đàn bà thì tóc tai cũng phải tỉa tót, uốn éo cho nó xoăn như chùm nhãn, mặt mũi cũng phải tuốt tí phấn tí son. Đàn ông tệ cũng phải sơ mi cắm thùng, đôi bàn chân chưa phai hết màu phèn lội ruộng thì cũng cố mà úp đôi giày dù rẻ như tiền lẻ nhưng nó phong cách, chứ cứ sục đôi dép lê tổ ong bằng nhựa tái sinh vàng vàng đỏ đỏ như cái màu gạch cua thì khác gì quê lại hoàn quê.
 
Mỗi khi có dịp về quê là chị tôi lại xúng xính khoác bộ áo dài, quần nhung tuyết bóng, mùa hè nóng vãi mỡ mà vẫn khoác hờ thêm quả khăn len, đeo cái chuỗi vòng hạt nhựa, được cái nó là nhựa xịn cho nên dân nhà quê trầm trồ “ngọc trai”, tóc tai mặt mũi thì đương nhiên là phải tuốt kỹ rồi, rất chi là dáng mợ. Cả nhà cứ là thuê riêng hẳn một xe ô tô cho đạt độ oách. Về đến đầu làng, việc đầu tiên là phải nhắc bác tài: “Dân nhà quê nó đi lại lộn xộn lắm đấy, bác cứ phải còi mạnh vào nhá.” Chỉ khổ mấy ông bà già nhà quê, nghe tiếng còi ô tô hét như thần sấm, dạt vội vào bụi tre. Bước xuống xe, chị tôi khoan thai lắm, bước nào hỏng là bước lại, vẻ mặt cứ là mặt hàng phố, có ai chào thì cũng chỉ thả đôi lời và nhếch mép kiêu sa, chứ không như ngày xưa đi cày gặp ai cũng phớ lớ, lóe xóe. Như thế thì còn gì là người thành phố nữa.
 
Ngày giỗ bố, cỗ đã sắp xong thì cái đoàn quân thành phố mới đĩnh đạc, khoan thai nhằm hướng bàn thờ. Sắp mấy quả lê, quả táo cung kính và bài bản lắm, hương thẻ dâng lên, hít hà suỵt soạt một hồi. Người thành phố mà,  khấn vái cũng phải ra bài ra bản, chứ cứ xuề xòa qua quýt như nhà quê thì có mà các cụ quở chết. Đến cái đoạn ngồi vào mâm, chị “lục vấn” kỹ càng, nào là thịt cá mua ở đâu, nấu nướng  thế nào, mấy món rau dưa cua ốc thì chị bĩu môi “nấu nướng chêm nếm thế nào mà tanh như ngóe”, rồi thì “đĩa thịt, đĩa xôi phải xếp thế này, thế này...”. Món nào chị cũng vừa bêu vừa giảng giải, kỹ càng văn hoa, ra điều người thành phố đương nhiên phải thế.
 
Trong câu chuyện chị cứ luôn ỉ ôi rằng thì là mà, cái nhà sao mà nó tối, nó hôi, cái chăn cái chiếu sao nó nặng mùi, cả đêm chả ngủ được. Ở trên phố á, tôi cứ ngả  mình là chả biết giời đất gì nữa, về quê mới thấy sao mà khổ thế, chiều nay sớm muộn cũng phải lên chứ ở thêm đêm nữa khéo tôi ốm mất! Cơm nước xong xuôi, đứa cháu mang tăm mang nước mời các bác. Cầm cái lọ tăm gí vào mũi khịt khịt chau mày, chị  nói  như con hát xướng danh, để bác gọi nó mang lọ tăm quế đem trên phố về, chứ tăm này hôi quá. Rõ khổ, cái đứa cháu sao mà đoảng, sao nó lại không biết bác nó là người thành phố nhỉ?
 
Ngày chị ngã bệnh tai biến mạch máu não, đi lại khó khăn, anh em họ mạc khuyên nên thu xếp về quê, nhà cao cửa rộng, nghỉ ngơi cho nó an lành, yên tĩnh, bệnh tình có khi cũng vì thê mà thuyên giảm. Nhưng chị dứt khoát không chịu hoàn hương. Bao năm ra phố, học mãi làm người phố, giờ bảo về quê làm người nhà quê, thì phí cái công chị quá.  Nhưng rồi mệnh trời khó cưỡng, chị không qua nổi. Bệnh tật một khi nó đã thăm hỏi nhiệt tình, vèo một cái là nó cướp đi phận người, chả thèm đếm xỉa giàu hay nghèo, nhà quê hay thành phố.
 
Chị,  sống thì là người thành phố, một đêm đắp chiếu ở quê cũng khó ngủ rồi, nhưng khi chết, chị vẫn về nằm giữa cánh đồng lộng gió, mồ yên mả đẹp.
 
Mẹ chết, bố thì đau ốm thường xuyên, có “cái hòm” hơn chục mét vuông ở khu tập thể cũ nát, tối tăm, gặp thời giá cả trên trời, mấy ông lực điền trong nhà chia chác không thành, đứa nào cũng một đồng không chịu, phồng mang trợn mắt, ban ngày ban mặt vác dao lùa nhau như cướp chợ. Đến cái bát hương của mẹ chưa đủ bảy tuần mà chả thằng nào chịu ôm phần cúng giỗ. Cãi cọ chán, ông cả nổi máu yêng hùng, vác cả bát hương ra sông vãi hương hồn chị theo dòng lưu lạc.
 
Đến bây giờ con cháu chị họa hoằn giỗ chạp mới gặp nhau thôi. Dù mặt mũi có hằm hè, nhưng chúng vẫn có chung một niềm tự hào như bố mẹ chúng: đều là người thành phố./.
 
Truyện ngắn của Đinh Nam Nghị