(Baonghean) - Được triển khai từ đầu năm 2009, đến nay, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)  góp phần không nhỏ trong việc giúp người lao động (NLĐ) tạm ổn định cuộc sống khi chẳng may bị mất việc làm. Nhờ đó họ an tâm, chủ động tìm công việc mới phù hợp với khả năng của mình. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, thực hiện theo Luật Việc làm mới, việc triển khai  BHTN gặp một số khó khăn, vướng mắc. 

Chị Nguyễn Thị Nhàn (SN 1994) ở xã Phúc Thọ (Nghi Lộc), trước đây làm việc cho một công ty may ở tỉnh Bình Dương. Cách đây 1 năm, công ty này giải thể khiến chị và hơn 20 lao động khác bị thất nghiệp. May mắn cho chị Nhàn là trước đó, doanh nghiệp đã đóng BHTN cho NLĐ nên chị được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 6 tháng. Dù mỗi tháng chỉ được 3 triệu đồng, nhưng cũng giúp chị trang trải được một phần sinh hoạt phí của gia đình. Chị Nhàn cho biết: “Nhờ có tiền trợ cấp thất nghiệp nên tôi đã mở được một quầy tạp hóa và cho thu nhập tạm ổn”. 
 
images1200982_lao___ng___n_l_m_h__s__bhtn_t_i_trung_t_m_d_ch_v__vi_c_l_m_t_nh.jpgLao động làm thủ tục nhận BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh.
Chị Nhàn chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp do trước đó, doanh nghiệp nơi họ làm việc đã chấp hành tốt việc tham gia BHTN cho NLĐ. 
 
Chương trình BHTN chính thức được thực hiện từ đầu năm 2009. Tuy nhiên, trước đó, khi Luật BHXH và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện BHTN cho NLĐ ban hành, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với BHXH tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến NLĐ và các đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn rà soát đơn vị sử dụng lao động thuộc diện phải tham gia BHTN, từ đó hướng dẫn các đơn vị về thủ tục hồ sơ, quy trình đóng BHTN cho NLĐ. Việc hỗ trợ cho NLĐ tham gia BHTN cũng được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Năm 2014, toàn tỉnh có 8.399 người nộp hồ sơ đăng ký BHTN, trong đó có 7.906 người được chi trả với tổng số tiền hơn 66 tỷ 502 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2015, trong tổng số 4.478 lao động nộp hồ sơ đăng ký BHTN, có 4.171 lao động được chi trả BHTN với số tiền hơn 31 tỷ 208 triệu đồng. 
 
Mặc dù vậy, việc triển khai BHTN gặp một số khó khăn khi Luật Việc làm chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Trước đây, đối tượng tham gia BHTN là những lao động có hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc hợp đồng không xác định thời hạn. Còn đơn vị tham gia BHTN cho NLĐ là đơn vị phải sử dụng từ 10 lao động trở lên. Nhưng nay, theo Luật Việc làm, đối tượng tham gia BHTN được mở rộng. Đó là NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Còn người sử dụng thuộc đối tượng bắt buộc tham gia BHTN là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc HĐLĐ... Như vậy, số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh phải tham gia BHTN chiếm số lượng không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhận thức của các đơn vị sử dụng lao động về thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với người lao động trong vấn đề BHTN còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHTN. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tình trạng nợ BHXH, BHTN, BHYT diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng. Các trường hợp nợ BHXH, BHYT bị xử lý theo Luật BHXH nhưng riêng với BHTN lại chưa có quy định xử lý vi phạm và tính lãi với số tiền chậm đóng. Trước đây, BHTN được quy định trong Luật BHXH và việc xử phạt, tính lãi chậm đóng BHTN được tính như với BHXH. Khi Luật Việc làm ra đời, quy định về BHTN được chuyển sang Luật Việc làm (có hiệu lực từ 1/1/2015). Tuy nhiên, luật này lại không quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử lý vi phạm và tính lãi chậm đóng với BHTN, vì vậy, rất nhiều đơn vị sử dụng lao động đã trốn đóng BHTN cho NLĐ. Theo số liệu của BHXH tỉnh, 6 tháng đầu năm 2015, các đơn vị nợ BHTN với số tiền 6,032 tỷ đồng. 
 
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Việc làm lại gây khó khăn cho người tham gia BHTN. Chẳng hạn như quy định trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng  NLĐ phải trực tiếp thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm; nếu không sẽ bị cắt trợ cấp thất nghiệp. Điều này gây khó khăn cho NLĐ trong việc đi lại, bởi hiện nay Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh  mới chỉ có một điểm giao dịch duy nhất ở TP. Vinh.  Hơn nữa, thủ tục phức tạp với nhiều loại biểu mẫu, tờ khai. Ngoài ra, Luật Việc làm cũng quy định: Nếu 2 lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm nơi NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng, NLĐ cũng bị cắt trợ cấp thất nghiệp. Anh Lê Văn Thế ở xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu), vừa nghỉ việc ở một công ty giày da ở tỉnh Đồng Nai, thắc mắc: “Đây là quy định bất lợi cho lao động nếu không được hướng dẫn rõ thế nào là không có lý do chính đáng. Nếu việc làm không phù hợp với năng lực hoặc đi làm quá xa, tôi không thể đáp ứng được thì có được xem là chính đáng không?”.
 
Theo Quy định trước đây về BHTN, khi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nếu tìm được việc làm mới sẽ được chi trả một lần cho toàn bộ số tiền trợ cấp còn lại chưa hưởng và thời gian tham gia BHTN được xóa bỏ. Nhưng theo quy định tại Luật Việc làm, khi người lao động tìm được việc làm mới sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần, thời gian đã tham gia BHTN nhưng chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu và tính cộng dồn. Nhưng trên thực tế, đã không ít trường hợp người lao động tìm được việc làm mới nhưng không thông báo dừng việc chi trả BHTN. Chị Lâm Thị Quế - Trưởng phòng BHTN (Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh) cho biết: “Hàng tháng, Trung tâm dịch vụ việc làm gửi danh sách những người có đủ hồ sơ sang BHXH để rà soát nhằm phát hiện những trường hợp cùng lúc vừa làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, vừa tham gia đóng BHXH. Từ đầu năm đến nay, qua rà soát đã phát hiện 10 trường hợp có hành vi trục lợi BHTN. Nhưng đó là những trường hợp tham gia đóng BHXH, còn đối với những trường hợp tìm được việc làm mới nhưng đơn vị sử dụng lao động trốn đóng BHXH thì Trung tâm đành…bó tay”. 
 
Do vậy, để chính sách BHTN thực sự là một chính sách an sinh xã hội hiệu quả đối với người lao động, các cơ quan liên quan cần có những kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản quy định về các hành vi và hình thức xử lý vi phạm đóng BHTN.  Cùng với đó, cần có sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương ngay từ cấp xã trong công tác rà soát, vận động, đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh... trong việc đóng BHXH, BHTN cho người lao động.  Bởi, hơn ai hết, các địa phương mới nắm chắc được địa bàn mình có những đơn vị, hộ gia đình nào có sử dụng lao động. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động để NLĐ thấy rõ lợi ích của bản thân khi tham gia BHXH, BHTN, từ đó họ mới vào cuộc cùng giám sát, đôn đốc đơn vị nơi họ làm việc chấp hành đúng quy định của pháp luật về Luật BHXH, Luật Việc làm, trong đó có việc tham gia BHTN. 
 
Minh Quân