(Baonghean) - Hai người lính đặc công Hải quân ấy từng chiến đấu anh dũng khiến kẻ thù khiếp sợ, góp phần nhỏ làm nên những chiến công vang dội. Trở về với cuộc sống đời thường, ký ức về thời “hoa lửa” và nghĩa tình đồng đội vẫn luôn tỏa sáng.

Tù binh ngoan cố ở đảo Phú Quốc
 
Năm nay, ông Cao Ngọc Sơn (Phường Trung Đô, TP.Vinh) bước sang tuổi 74, những di chứng của chiến tranh đã khiến ông phải đi lại chậm chạp, đầu luôn đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời. Bởi trong cơ thể người lính Hải quân ấy vẫn còn những mảnh đạn, và dấu tích của những trận đòn roi năm xưa. Thế nhưng, khi được hỏi về những ngày tháng chiến đấu, ông như khỏe hẳn, cặp mắt sáng lên niềm tự hào.
 
Ông Cao Ngọc Sơn sinh ra ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, là quê hương của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. 
 
images1201082_dsc_3.jpgÔng Cao Ngọc Sơn và con gái đầu Cao Thị Hương.
Lớn lên, Cao Ngọc Sơn tích cực tham gia hoạt động Đoàn- Đội, là một trong những “thủ lĩnh” của phong trào thanh- thiếu niên ở địa phương. Năm 1964, cuộc đối đầu với đế quốc Mỹ bắt đầu vào giai đoạn ác liệt, người thanh niên đất Thông Lạng tình nguyện đăng ký lên đường nhập ngũ và được tuyển chọn vào đơn vị đặc công Hải quân. Gần 2 năm huấn luyện gian khổ, “nếm mật nằm gai” ở hậu phương miền Bắc, đơn vị của ông được điều vào chiến đấu ở khắp các chiến trường miền Nam. Riêng Cao Ngọc Sơn, từng tham gia chiến đấu ở Cửa Việt (Quảng Trị) và vùng ven biển Quảng - Đà. Những năm chiến đấu ở vùng đất đầy khói lửa này, ông và các đồng đội đã không ít lần tấn công và làm nổ tung các kho, tàu chứa vũ khí của địch, khiến chúng nhiều phen phải kinh hồn, bạt vía. Mỗi trận đánh là một kỷ niệm, nhiều niềm vui nhưng không ít nỗi buồn. Vui khi hoàn thành nhiệm vụ, bản thân và đồng đội an toàn trở về trọn vẹn. Buồn khi kế hoạch thực hiện không thành, bị địch phát hiện, đồng đội có người hy sinh hoặc bị thương. 
 
Đã gần 50 năm trôi qua nhưng người lính đặc công Hải quân năm xưa vẫn nhớ tên tuổi, quê quán của những đồng đội cùng tham gia chiến đấu, nhớ rõ từng trận chiến cam go, ở đó ranh giới giữa sự sống và cái chết rất đỗi mong manh. Và ký ức về trận chiến ở kho xăng Liên Chiểu (Đà Nẵng) năm 1969 vẫn thường hiển hiện trước mắt ông như thể mới ngày hôm qua, hôm kia thôi, bởi ở đó ông thấm thía về tình đồng chí, đồng đội.
 
Hôm ấy, ông Sơn và 2 đồng đội được cấp trên giao nhiệm vụ tiềm nhập và đánh nổ tung kho xăng của địch ở Liên Chiểu, không để địch chi viện xăng dầu cho các chiến trường. Theo tàu đánh cá của ngư dân ra khơi, rồi từ đây lặn vào bờ, hướng về phía kho xăng. Địch bố phòng hết sức cẩn mật, phải qua nhiều lớp hàng rào, chưa kể điểm gác dày chi chít. Phải hết sức vất vả mới tiếp cận được mục tiêu nhưng chẳng may bị địch phát hiện và bắn xối xả. Ông Sơn đi trước, lập tức hai người đồng đội là Lê Xuân Chất và Trương Văn Luy tiến lên trước để “đỡ đạn” và đẩy ông lùi về phía sau. Đồng đội ngã xuống, không một lời dặn dò, trăng trối, Cao Ngọc Sơn cũng bị địch bắn bị thương rồi ngất lịm. Tỉnh dậy, ông biết mình đang nằm trong nhà thương của địch, chúng tiến đến dụ dỗ mong lấy được những thông tin quý giá từ người tù binh. Nhưng ngay từ đầu, người lính ấy xác định giữ trọn lòng trung thành với đồng chí, đồng đội, với đất nước, nhân dân. Cũng từ đó, ông bị chuyển hết nhà lao này đến nhà lao khác, và điểm cuối cùng là nhà tù Phú Quốc, nơi được xem là “địa ngục trần gian”. Tại đây, địch liệt ông vào hạng tù binh ngoan cố và dùng mọi nhục hình để tra tấn, đánh đập, nhốt vào “chuồng cọp” hòng làm lung lay ý chí của người tù cộng sản. Nhưng, với ý chí và bản lĩnh đã được tôi rèn, người tù ấy không khai dù chỉ một lời. 
 
Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), Cao Ngọc Sơn được trao trả và ra Bắc an dưỡng. Tại Đoàn an dưỡng 595, người thương binh gặp nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Diên (SN 1945), quê ở Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Hàng ngày tiếp xúc, hai người cảm mến, rồi yêu thương nhau và quyết định thành vợ, thành chồng. Vào một ngày cuối năm 1973, đám cưới của họ được tổ chức khá đơn sơ, chỉ mấy gói bánh và mấy ấm chè xanh nhưng vô cùng ấm áp và hạnh phúc. Bà Diên từng tham gia lực lượng TNXP hoạt động ở núi rừng Trường Sơn, rồi chuyển sang bộ đội Đoàn 559, được cử đi học lớp y sỹ quân y và trở về làm cán bộ điều dưỡng tại Đoàn 595. Đầu năm 1975, nghĩa là hơn 1 năm sau ngày cưới, bà Diên sinh con gái đầu lòng và đặt tên là Cao Thị Hương. Về sau, ông bà có thêm 2 người con trai, các con đều ngoan hiền, chăm chỉ và thành đạt. Vợ chồng ông Sơn chọn Thành phố Vinh làm nơi an dưỡng tuổi già, vì theo ông nơi đây - dưới chân núi Quyết, bên dòng sông Lam rất đỗi yên bình, lại không xa quê hương Thông Lạng. 
 
Những ngày lễ, tết, ông Cao Ngọc Sơn thường lập một bàn thờ giữa sân để hương khói cho 2 đồng đội đã ngã xuống trong trận đánh kho xăng Liên Chiểu năm xưa. Bởi theo ông, họ đã ngã xuống để mình được sống và có cơ hội trở về với quê hương, gia đình. Không biết hai đồng đội đã được đơn vị và gia đình quy tập hài cốt hay đã bị địch ném xuống biển? Đó chính là nỗi day dứt hàng chục năm nay của người lính đặc công Hải quân. 
 
Ông Sơn chia sẻ: “Làm người lính đặc công, được trở về từ chiến trường là một may mắn. Giờ đây, tôi đã thỏa nguyện khi được các con đưa vào thăm lại nhà tù Phú Quốc và thăm lại chiến trường xưa, nơi diễn ra trận đánh kho xăng Liên Chiểu. Các con tôi đã hiểu được những mất mát, hy sinh và ý chí quật cường của thế hệ đi trước và nâng niu, quý trọng hơn những ngày tháng hôm nay”. 
 
Người đi giải phóng Trường Sa
 
Ở xóm 4, xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) có người đàn ông sống một mình trong căn nhà nhỏ. Có mấy ai biết được, người lính ấy đã chiến thắng những gian khó đời thường bởi niềm tự hào là người lính đặc công Hải quân, cùng đồng đội lập nên những chiến công vang dội, đặc biệt ông vinh dự có mặt trong đội quân vượt biển ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Ông là cựu chiến binh Trần Công Đôn.
 
Ông Trần Công Đôn (giữa) tự hào là lính đặc công hải quân.
Sinh ra và lớn lên ở làng quê vùng biển, có tài bơi lội, sớm quen với sóng gió biển khơi, lại có vóc dáng cao lớn nên Trần Công Đôn được tuyển chọn vào Đoàn đặc công Hải quân 126. Trải qua những tháng ngày huấn luyện gian khổ, suốt ngày dầm mình trong nước, giữa sình lầy và trên cát bỏng, người lính trẻ ấy được biên chế vào Đại đội 1 (thuộc Tiểu đoàn 1) và tiến thẳng vào mặt trận Quảng - Đà tham gia chiến đấu. Trong chiến dịch Huế -  Đà Nẵng, đơn vị của Trần Công Đôn được giao nhiệm vụ giải phóng bán đảo Sơn Trà. Những trận đánh diễn ra ác liệt, hai bên giành nhau từng tấc chiến hào, từng ngả đường, góc phố. Trước khí thế và sức mạnh chiến đấu của quân đội ta, các phòng tuyến của địch lần lượt thất thủ, tan vỡ, quân địch phải ra hàng hoặc bỏ chạy tán loạn. Đơn vị nhanh chóng làm chủ thế trận và hoàn thành nhiệm vụ giải phóng bán đảo Sơn Trà. 
 
CCB Trần Công Đôn kể lại: “Đang làm nhiệm vụ tại Sơn Trà, khoảng 20h30 ngày 13/4/1975, Đại đội 1 chúng tội nhận được lệnh của cấp trên khẩn trương lên đường ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Đêm đó, đại đội chúng tôi do đồng chí Mai Năng (sau này là Thiếu tướng, Tư lệnh đặc công) chỉ huy lên 3 chiếc tàu của Đoàn 125 thẳng tiến ra vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc với một khí thế và quyết tâm cao độ”. Những chiếc tàu của Đoàn 125 được ngụy trang thành những tàu cá với đầy đủ các loại ngư cụ, phía trên cắm cờ quốc tế. Những người lính chiến đấu và các loại vũ khí được bố trí nằm trong khoang tàu, đảm bảo sự bí mật tuyệt đối. Sóng gió biển khơi khiến con tàu lắc lư, chao đảo, những người lính đặc công bám chặt thành khoang. Sắp sửa đối mặt với gian khổ và hiểm nguy nhưng trái tim những người lính hòa cùng nhịp đập của biển khơi, ý chí cùng hướng về phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Khoảng 1 ngày, 2 đêm lênh đênh trên biển, những con tàu chở các chiến sỹ đặc công đã ra đến vùng biển Trường Sa. Ở phía trước, đảo Song Tử Tây rất gần, và nhiệm vụ của Trần Công Đôn và đồng đội là tìm cách đổ bộ lên giải phóng đảo. Từ khoang tàu bước ra, các chiến sỹ lần lượt lên xuồng cao su (mỗi xuồng 3 người) bơi vào phía đảo. Khi cách đảo chừng 50m nhận được lệnh lội bộ lên đảo để nổ súng tấn công. Từ trong các công sự, đối phương bắn trả quyết liệt, vô số đường đạn đỏ lừ xé toạc màn đêm. Được huấn luyện kỹ càng để chiến đấu trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, kinh nghiệm chiến đấu lại dạn dày nên những người lính đặc công hải quân đã nhanh chóng gây nên nỗi hoang mang cho phía bên kia chiến tuyến. Sau khoảng 1 giờ chiến đấu, Trần Công Đôn và đồng đội đã làm chủ được đảo Song Tử Tây, nhiệm vụ đầu tiên đã hoàn thành xuất sắc. Lúc ấy, người chiến sỹ trẻ mới nhận ra bình minh đang tỏa ánh đỏ rực trên nhấp nhô sóng xanh, sóng trắng của biển cả bao la...
 
Giải phóng  đảo Song Tử Tây, đơn vị tiếp tục giải phóng đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết và Trường Sa Lớn. Lúc này, đối phương đã thực sự hoang mang nên nhanh chóng đầu hàng hoặc rút lui trước khi quân ta tiến lên đảo. Những ngày làm nhiệm vụ chiến đấu và tiếp quản ở Trường Sa, hay tin quân ta đã tiến vào Sài Gòn, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước đã thống nhất, những người lính đặc công sung sướng hò reo, ôm chầm lấy nhau, lòng xúc động và tự hào... 
 
Năm 1978, ông Trần Công Đôn xuất ngũ, trở về quê hương và lập gia đình với bà Phan Thị Vè. Bà Vè quê Thanh Hóa, là chiến sỹ quân y của Binh trạm 12 (Đoàn 559). Hai người gặp gỡ và yêu nhau từ hồi ông còn huấn luyện ở miền Bắc, rồi cùng vào chiến trường và bặt tin nhau. Chiến tranh kết thúc, họ tìm lại được nhau và nên duyên vợ chồng. Những năm tháng tuổi trẻ ở núi rừng Trường Sơn, bà Vè đã nhiễm phải chất độc màu da cam nên sức khỏe yếu, 5 lần sinh nở chỉ nuôi được 2. Bà đã mất cách đây 5 năm, 2 con gái đã đi lấy chồng, giờ căn nhà nhỏ chỉ còn một mình ông Đôn. Người lính đặc công năm xưa vẫn cần mẫn với ruộng vườn và công tác xã hội, ông Đôn đang làm Chi hội trưởng CCB xóm 4. Ông luôn được các hội viên và bà con lối xóm quý trọng và chia sẻ những khó khăn của cuộc sống đời thường.
 
Công Kiên