(Baonghean) - Gần 200 người Nghệ An đang sống, học tập và làm việc tại Hà Giang quả là một con số không nhỏ, và càng tự hào hơn khi nhiều người trong số họ đang giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, đơn vị như: Giám đốc sở, giám đốc doanh nghiệp, hiệu trưởng, trưởng phòng, chủ tịch, bí thư phường, xã... và có nhiều người trẻ tuổi tiếp tục nối bước cha anh, không quản ngại khó khăn tiếp tục lên cống hiến sức mình nơi địa đầu Tổ quốc.
Trong số những người Nghệ An đang sinh sống tại Hà Giang, có nhiều người lên đây từ những năm 1959, là bộ đội chuyển ngành, có những người lên Hà Giang trong chiến tranh biên giới năm 1979 để bảo vệ Tổ quốc, rồi họ bén duyên và bám trụ lại với mảnh đất này cho đến ngày hôm nay. Lại có những người lên Hà Giang để xây dựng vùng kinh tế mới và cả nhiều người trẻ tuổi hôm nay, lên Hà Giang không chỉ với một niềm mong mỏi là để khám phá mảnh đất tươi đẹp của đất nước, nơi có Công viên Địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn, có chợ tình Khau Vai nổi tiếng, có di tích Quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, bãi đá cổ Nấm Dẩn cổ tích và huyền thoại cùng với Thác Tiên, Đèo Gió say đắm lòng người, mà họ lên Hà Giang với ước nguyện trải nghiệm và được cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho cuộc sống của mọi người.
Câu chuyện bên bàn trà với ông Nguyễn Khâm vợi (quê ở Thanh Chương), một trong những người Nghệ có mặt lâu nhất ở Hà Giang (từ năm 1959), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về nghị lực vượt lên khó khăn của những người Nghệ An nơi đây. “Những năm chiến tranh biên giới, người Nghệ An lên đây đi bộ đội nhiều lắm, ai cũng anh dũng, quả cảm đến mức nghe danh bộ đội Nghệ An là mọi người thán phục, bọn thổ phỉ phải dè chừng. Trong số đó cũng có nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại xương máu của mình canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc. Sau ngày hết chiến tranh, nhiều người ở lại đây lập nghiệp với hai bàn tay trắng, thiếu ăn, thiếu đói cũng nhiều, nhưng mọi người cùng động viên nhau cố gắng...”.
Thăm cột cờ Lũng Cú (Hà Giang)
Từ trong gian khó ấy, với năng lực và sự quyết tâm của mình, nhiều người đã thành đạt và giữ các chức vụ quan trọng. Câu chuyện hồi hương giữa những người cùng cảnh ngộ xa quê bỗng dưng bị kéo chùng xuống khi ông Vợi tiếp lời: “Chúng tôi là những thế hệ đã già, hơn nửa cuộc đời sống xa quê, nhưng lúc nào cũng đau đáu nhớ về quê hương, chỉ cần nghe đâu đó có giọng nói của người Nghệ, dù không quen biết nhưng cứ như người một nhà, thân thiết và gần gũi lắm”.
Mỗi khi có dịp, họ lại gặp gỡ nhau, cùng nhau ôn lại tuổi thơ đong đầy những kỷ niệm ở quê nhà với con đê, giếng làng, dòng Lam xanh mát, và bãi biển Cửa Lò vỗ sóng mỗi chiều hôm. Chị Đặng Thị Phương Hoa, Trưởng Phòng bạn đọc, Báo Hà Giang (quê ở Diễn Châu) cho biết: “Tôi thuộc thế hệ thứ hai của người xứ Nghệ trên đất Hà Giang, tôi không sinh ra ở quê nhưng tôi tự hào mình là người Nghệ. Đã lâu tôi không có dịp về quê, như một người con đi xa không về thăm nhà được, ngoài nỗi nhớ mong, tôi luôn mang trong lòng nỗi niềm của một người có lỗi với quê hương...”
Trong số tám bạn trẻ gia nhập Hội đồng hương Nghệ Tĩnh trên đất Hà Giang đầu Xuân Nhâm Thìn vừa qua, có những người tuổi đời còn rất trẻ, nhưng vẫn quyết tâm, dũng cảm để đến với mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc này. Trong không khí háo hức, vui tươi của ngày đầu năm mới, mọi người bận rộn với sự quấn quýt, hỏi thăm nhau.
Những mẩu đối thoại giữa họ chắp nối hòa lẫn trong tiếng nhạc, tiếng hát của những giai điệu quê hương ngọt ngào lại vang lên từ chính những “ca sỹ” được sinh ra trên mảnh đất xứ Nghệ ân tình. Con người Nghệ An, dù đi đâu vẫn giữ mãi cái chân chất, mộc mạc nhưng sâu nặng nghĩa tình. Sống đoàn kết, thương yêu và chia sẻ với nhau, dù có gặp hoàn cảnh khó khăn vẫn vươn lên để bám trụ cuộc sống.
Sau bữa gặp mặt, tôi có dịp ghé thăm nhà một số người quê Nghệ. Có những ngôi nhà to, đẹp án ngự ngay trung tâm thành phố, cũng có những ngôi nhà nhỏ bé, lẩn khuất về phía núi. Và có một quán bánh mướt nép mình bên vệ đường, đã hơn 10 năm nay, nó giúp gia đình chị vượt qua bao khó khăn, cơ cực trong cuộc sống. Đó là quán bánh của chị Nguyễn Thị Chính (quê ở Đô Lương). Chị có mặt ở Hà Giang vì sợi tơ duyên của bà Nguyệt lão, lấy chồng rồi theo chồng và đằng đẵng xa quê, bám trụ lại với mảnh đất nghèo khó này. Hai vợ chồng lao động suốt ngày cũng chỉ đủ qua bữa và lo cho 2 đứa con học hành. Không có nghề, chị đã mở một quán bánh mướt Nghệ An để mưu sinh, quán của chị đã hơn mười năm nay lúc nào cũng đông khách. Nhiều người Hà Giang đã được thưởng thức món đặc sản xứ Lường ấy qua đôi bàn tay khéo léo của chị.
Gần 200 con người, có người thành đạt, có người gặp hoàn cảnh khó khăn như thế, nhưng vượt lên tất cả là sự cố gắng vươn lên để làm chủ cuộc sống. Đó mới là tính cách của người Nghệ vẫn ăn sâu vào mỗi con người Nghệ An, như lời tâm sự đùa vui của ông Mợi, “đó chính là tinh thần Xô Viết...”.