Đôi mắt của bà mẹ 111 tuổi đã mờ đục vì khóc thương hai con liệt sĩ nhưng ký ức vẫn còn khắc sâu hình ảnh cũng như nỗi đau mất mát.
Gia đình kháng chiến
Cụ Ngoan từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất năm 1998 và Bảng vàng danh dự năm 1994. Cụ sinh được bốn người con, hai trai, hai gái nhưng cả hai người con trai đã ra đi mãi mãi không quay trở về. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Tuế (hy sinh năm 1947) và Nguyễn Văn Hóa (hy sinh năm 1972).
Khi biết chúng tôi đến nhà, cụ Ngoan gọi chị Hạnh (cháu nội) đỡ dậy khỏi chiếc giường, dò dẫm từng bước chân run rẩy, nhọc nhằn đến gần bàn uống nước để tiếp đón khách. Những năm tháng vất vả cùng với nỗi đau mất con càng khiến mái tóc cụ bạc trắng, gương mặt gầy guộc, nước da nhăn nhúm và xạm đen lại. Chị Hạnh chia sẻ: “Dạo này thời tiết oi bức nên cụ mệt mỏi nằm cả ngày. Hơn một tuần nay cụ chưa dậy được."
Cụ Ngoan xem lại những tấm huy chương nhà nước trao tặng cho cụ và gia đình.
Phía sau lưng cụ ngồi, bức tường vôi màu xanh nhạt treo chi chít trướng, bằng Tổ quốc ghi công, Bảng vàng danh dự, bằng mừng thượng thọ… Tất cả là gia tài của một gia đình sau bao năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Cụ móm mém hỏi chúng tôi: “Các con có phải là sinh viên tình nguyện không. Mẹ đã hơn một trăm mười tuổi rồi nên đôi mắt mẹ giờ mờ lắm chẳng thể nhìn rõ nữa. Các con về thăm mẹ, mẹ vui lắm.”
Rồi cụ bồi hồi nhớ lại quá khứ, hai dòng nước mắt cứ trào ra: “Thằng Tuế nghe theo tiếng gọi của Đảng, của tình yêu nước nó đã nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1947 và cũng năm đó nó hy sinh khi chưa lập gia đình ”.
Mất đi đứa con trai đầu cụ đã khóc không biết bao nhiêu đêm, tưởng chừng nước mắt đã cạn vì anh Tuế, nhưng đâu ngờ kháng chiến chống Pháp kết thúc được vài năm đất nước lại lâm vào tình trạng chia cắt. Người con thứ hai là anh Nguyễn Văn Hóa cũng lên đường nhập ngũ chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên và hy sinh năm 1972, bỏ lại người vợ là bà Bùi Thị Phận cùng đứa con gái 5 tuổi là chị Nguyễn Thị Hạnh. Đau thương nối tiếp đau thương khi hai người con trai lần lượt ngã xuống.
Chị Hạnh bùi ngùi nhớ lại: “Năm bố tôi đi chiến trường tôi còn rất bé. Nhớ mãi buổi tiễn bố đi, mẹ thì khóc còn tôi thì được bố bế nên cứ ghì lấy túm cổ áo đòi đi theo. Bố tôi cũng rớm nước mắt. Vì lúc ấy còn nhỏ nên không hiểu sao bố mẹ lại khóc, chỉ nhớ mãi câu nói “Bố đi cứu nước con ở nhà nhớ nghe lời mẹ. Khi nào về sẽ có quà cho con”. Vậy mà bố tôi ra đi mãi mãi”.
Nỗi nhớ khuôn nguôi
Cụ kể hồi đó khi hai đứa ra đi cũng chẳng để lại tấm hình nào, nhưng mẹ vẫn nhớ cái dáng gầy guộc, nụ cười hóm má lúm đồng tiền của thằng Tuế. Còn thằng Hóa thì cái trán cao, cái mũi to giống y đúc bố nó. Nói đến đây, cổ họng cụ nghẹn lại, nước mắt giàn ra. Cụ nhìn lên bàn thờ hai người con mà cất lên những dòng thơ mộc mạc nhưng sâu lắng đến lạ kỳ. Nhìn cụ nước mắt rơi, miệng thì đọc thơ với giọng trầm ngâm đôi lúc nghẹn lại vì cảm xúc, làm chúng tôi không khỏi ngậm ngùi:
Chị Hạnh kể đã mấy chục năm nay rồi ngày nào cụ cũng thắp hương, đứng trước bàn thờ rất lâu và đọc thơ. Mấy hôm nay ốm, chị đưa cụ sang nhà để tiện chăm sóc nhưng cụ cứ luôn miệng đòi về thắp hương cho chồng và hai con, nếu chị không đưa, cụ lại tự chống gậy đi sang.
Đã bao năm qua, người mẹ ấy giờ đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm. Một trăm mười một năm nhưng có đến hai phần ba cuộc đời tran đầy nước mắt vì nhớ thương những đứa con ra đi mà vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Đôi mắt cụ giờ đây đã trắng đục, nước mắt không còn nhiều.
Hai phần ba cuộc đời, cụ khóc thương chồng con nên đôi mắt mờ đi nhiều, nhưng nỗi nhớ con vẫn đau đáu. Nhiều đêm cụ nằm mơ thấy các con về, giật mình tỉnh giấc, không thấy ai, lòng lại quặn đau trở về với thực tại.
Thời gian có thể xoa dịu mọi thứ, nhưng nỗi đau mất con sẽ không bao giờ mờ nhạt trong tâm trí mỗi người mẹ. Cụ Ngoan cả đời mình hy sinh cho kháng chiến, cho Tổ quốc. Những người con mãi ra đi để lại cho mẹ một khoảng trống mênh mông và một nỗi nhớ khôn nguôi. Nhưng Cụ luôn tự hào, những người con hy sinh vì quê hương, tổ quốc, vì ngày mai tự do, độc lập.