(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “1-6 không dành cho người lớn” của CTV Hải Triều đăng trên báo Nghệ An Cuối tuần số ra ngày 31/5 nhận được số phiếu bình chọn bài hay cao. Bài viết đặt ra một vấn đề xã hội sâu sắc: Những người lớn không chịu trưởng thành. Sau đây là lời bình dành cho bài viết…
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đàm Quang Minh, Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam cho rằng: “Thanh niên Việt Nam bắt đầu tự lực và lập nghiệp muộn so với thanh niên thế giới. Hiện nay ở Việt Nam tồn tại không ít những “người lớn” 30 tuổi vẫn xin tiền bố mẹ để… nuôi con mình. Nhiều bậc phụ huynh con tốt nghiệp đại học vẫn coi như con nít. Nhiều bạn trẻ được bố mẹ dẫn đi xin việc. Đó là sự chậm tiến. Thanh niên cần tự lập càng sớm càng tốt. Có thể va vấp nhiều, nhưng vấp xong sẽ trưởng thành. Thanh niên nên ra đời sớm. Ổn định rồi, lúc đó bạn có thể chậm lại, nếu muốn”.
Và ông cho rằng, hiện trong xã hội đang có nguy cơ hình thành tầng lớp “người lớn chưa trưởng thành”. Cùng bàn về vấn đề này, tác giả Hải Triều, dưới con mắt của “người lớn đã trưởng thành” có một cách nhìn nhận khác. Bắt đầu, tác giả dẫn chuyện một cậu bạn “Lớn tướng rồi mà vẫn nghiện chơi game. Lịch sinh hoạt hàng ngày của cậu chàng là: Sáng 12h dậy, chiều đi học, tối đi làm thêm, về nhà ăn uống qua quýt rồi "cày" game đến 4, 5 giờ sáng”.
Và với kiểu sống của anh chàng này thì bạn bè đều “lắc đầu, lè lưỡi” vì không thể “bắt bóng” kịp nhịp sống kiểu trẻ con của anh chàng này. Đồng ý đó là sở thích cá nhân, nhưng “Vấn đề là ở chỗ, sở thích cá nhân cũng có giới hạn lứa tuổi. Tuy nhiên chúng ta thường nghĩ đến giới hạn độ tuổi này theo một chiều, tức là giới hạn bọn nhóc chứ chưa từng nghĩ cần có giới hạn cho cả người lớn”. Chơi game là sở thích, là đam mê của trẻ nhỏ,bởi khi đó, nghĩa vụ của bạn chỉ đơn thuần là “học và chơi”, bạn đang là “búp trên cành” nên chỉ cần “Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan". Còn khi đã đủ 18 tuổi, đã là người lớn, thì mọi suy nghĩ, hành động phải chín chắn hơn, thời gian đó, phải giành cho những việc có ích. Và đến khi, bạn lập gia đình, lúc đó, bạn trở thành những ông bố, bà mẹ, bạn phải nêu gương trong ăn nói, trong ứng xử, trong công việc, để con bạn “nhìn vào, noi theo”. Nếu lúc đó, “tất cả những gì bạn dạy cho con là phải phá đảo game như thế nào, chơi chọi gà ra làm sao, chẳng hoá ra bạn không phải là chồng mà là đứa con thứ 2 của vợ bạn hay sao?”. Chắc hẳn là không thể như vậy được, vì bạn không thể biến mình thành “tấm gương mờ”.
Con người nếu không trưởng thành thì thật kinh khủng, nó không khác nào cây không ra trái. Trong Kinh Thánh, chúa Jê-su có nói với các môn đệ rằng nếu cây không ra trái, người ta sẽ chặt nó đi, và ném nó vào lửa? Vì nó vô ích và vô sinh, vô nghĩa, không tạo ra gì hết, nó lớn lên mà không trưởng thành, nó to xác mà không khác gì hạt giống, nên phải bị chặt để lấy chỗ trồng một mầm cây mới. Tất nhiên “Sự hồn nhiên, vô tư và tâm hồn phong phú của trẻ con thật tuyệt. Nếu bạn giữ lại được một góc của tuổi thơ đâu đó trong tâm hồn bạn, có lẽ sẽ là liều thuốc thần kì cho những vấn đề đau đầu của người lớn. Nhưng nếu cứ mãi vô tư, vô lo, vô nghĩ như thế, tức là ta mãi không lớn lên. Đó là điều này là không thể - bạn cần chấp nhận sự thật là mình phải lớn lên”.
Lớn lên - trưởng thành - đó chắc hẳn là hành trình của lý trí, bởi vì chỉ có lý trí mới có thể nhận biết sự tiến bộ - tiến lên từng bước của mình. Lớn lên ở đây không phải về thể xác mà về tư duy, trí tuệ, trách nhiệm, lối sống. Lớn lên là biết nói không với những thú vui hấp dẫn nhưng phù phiếm để làm những điều buồn chán nhưng hữu ích. Lớn lên là nghĩ đến trách nhiệm và nghĩa vụ trước khi nghĩ đến quyền lợi và hưởng thụ. Do đó, trẻ con muốn làm người lớn là điều thường thấy và cũng thuận với lẽ tự nhiên. Người lớn muốn làm trẻ con là lối sống đớn hèn và vô dụng. Bởi như tác giả phân tích thì “Nếu chúng ta không chịu lớn lên mà cứ muốn làm trẻ con mãi, sẽ để vuột mất những điều tốt đẹp sẽ đến trên con đường trưởng thành, có phải không?”. Vậy nên, xin đừng làm “những người lớn không trưởng thành”
Người xây dựng