(Baonghean) - Có hiệu lực từ 1/3, Nghị định 05 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, trong đó quy định xử phạt doanh nghiệp chậm trả lương quá 15 ngày đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện; tuy nhiên, theo đánh giá chung thì để đạt được kết quả như kỳ vọng còn nhiều vấn đề phải quan tâm.

Tình trạng chậm trả lương, nợ lương người lao động tại các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức đang diễn ra, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử phạt. Để quy định này đi vào cuộc sống, trước hết chính người lao động phải tự lên tiếng và các tổ chức Công đoàn phải thể hiện đúng vai trò của mình trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi bị xâm phạm.
 
image_8882581.jpgCổ đông và người lao động của Công ty CP xây dựng cầu đường Nghệ An lên tiếng đòi quyền lợi
 
Thực tế tại Nghệ An, tình trạng chậm lương, nợ lương của người lao động tại các doanh nghiệp xảy ra nhiều năm nay. Thế nhưng, gần như chưa doanh nghiệp nào bị xử phạt. Tình trạng chậm lương, nợ lương diễn ra phổ biến là tại các doanh nghiệp trong các lĩnh vực giao thông, xây dựng, thủy lợi. Đặc thù của các doanh nghiệp này là trả lương cho người lao động theo quý, theo từng công trình hoặc theo từng đợt thanh quyết toán. Một giám đốc trong ngành xây dựng cho biết: Có những dự án xây dựng lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, vay ngân hàng, đã hoàn thành rồi, nhưng khách hàng không đóng tiền nên công ty không có tiền trả cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp vay tiền ngân hàng, nên khi tiền về tài khoản thì bị ngân hàng khấu trừ luôn, không có tiền trả lương cho người người lao động.  
 
Những năm qua, thị trường bất động sản có chững lại, việc cắt giảm đầu tư công đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, thủy lợi, giao thông. Mỗi năm, có hàng trăm doanh nghiệp bị phá sản, giải thể dẫn đến việc người lao động mất việc làm, nợ lương kéo dài. Những doanh nghiệp còn cầm cự được thì hầu hết tài sản đã cầm cố trong ngân hàng để vay vốn, lợi nhuận thấp, nên không có đủ kinh phí để trả lương cho người lao động. Hầu hết những doanh nghiệp nợ lương thì đều nợ BHXH, thuế kéo dài, không có khả năng chi trả.
 
Điển hình như Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An hiện đang nợ BHXH hơn 3,2 tỷ đồng, nợ thuế 15 tỷ đồng, hiện còn 138 lao động vẫn chưa được chốt sổ BHXH. Hàng trăm người lao động phải nghỉ việc, nợ lương nhưng khó có khả năng đòi được. Hay như Công ty CP Vinaconex 16 hiện đang nợ BHXH hơn 4,7 tỷ đồng, nợ thuế hơn 15,6 tỷ đồng và hiện có hàng trăm lao động đang bị nợ lương, chưa được chốt sổ BHXH. Theo bà Hoàng Thị Hường, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh thì trong 12 doanh nghiệp có số nợ đọng BHXH, nợ thuế lớn thì tình trạng nợ lương của người lao động diễn ra từ 4-7 tháng. Đến nay, một số công ty như Công ty Xây dựng thủy lợi 24, Công ty Xây dựng dầu khí Anh Sơn, Công ty CP Cầu đường Nghệ An mới chỉ trả lương cho người lao động đến tháng 2/2014.
 
Người lao động của Công ty CP Xây dựng cầu đường Nghệ An trao đổi với PV Báo Nghệ An.
 
Mặc dù tình trạng nợ lương, chậm lương đang diễn ra nhưng các cơ quan chức năng chưa có một thống kê, tổng hợp cụ thể doanh nghiệp nào nợ lương, nợ bao nhiêu, nợ bao lâu? Và từ đó có những giải pháp cụ thể, phù hợp. Theo ông Phạm Minh Hoài, Phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TBXH, thì từ trước tới nay thanh tra Sở LĐ-TB&XH chưa có một chuyên đề thanh tra riêng về vấn đề tiền lương tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, từ trước đến nay thanh tra Sở cũng chưa nhận được một phản hồi, đơn thư phản ánh về vấn đề nợ lương của người lao động gửi đến.
 
Tại Liên đoàn Lao động tỉnh, qua trao đổi, ông Nguyễn Chí Công, Trưởng Ban chính sách pháp luật khi được hỏi về tình trạng nợ lương, chậm lương người lao động, thì ông cho biết cũng chưa nắm được. Và trong thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng chưa nhận được phản ánh của người lao động về tình trạng nợ lương, chậm lương. Từ đây, có thể thấy rằng, sự quan tâm, nắm bắt của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện đầy đủ. Và bản thân người lao động cũng chưa thực hiện quyền lợi của mình. Muốn xử lý doanh nghiệp chậm trả lương, nợ lương, trước hết người lao động, công đoàn cơ sở phải chủ động có ý kiến. Trong khi hầu hết các tổ chức công đoàn hoạt động yếu kém, người lao động nhiều khi lại “mủi lòng” trước khó khăn của doanh nghiệp nên mới không kiến nghị. Mà không kiến nghị thì cơ quan chức năng không thể nắm bắt để xử lý.
 
Trở lại với quy định xử phạt doanh nghiệp chậm trả lương, nợ lương theo Nghị định 05 của Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng để triển khai quy định này còn nhiều điều đáng bàn. Theo quy định, doanh nghiệp chậm trả lương, nợ lương sẽ bị xử phạt phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương. Như vậy, nếu bị chậm trả lương 15 ngày thì 1 lao động có mức lương 5 triệu đồng chỉ nhận được 3.000 đồng tiền lãi. Số tiền này là quá nhỏ, trong khi hậu quả của việc chậm lương đối với người lao động là rất lớn. Nếu ngành chức năng làm hết  trách nhiệm, mạnh tay hơn thì có thể được xem là giải pháp giúp người lao động bảo vệ quyền lợi cho mình. Tuy nhiên tính khả thi của nó là vô cùng khó, bởi việc kiểm tra, xử phạt không dễ. Nhất là với những doanh nghiệp "thoi thóp đợi phá sản” thì biện pháp này chỉ mang tính chất "xoa dịu”.
 
Nghị định mới hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương trong Bộ luật Lao động cũng quy định cụ thể: Khi xảy ra tình trạng chậm lương, người lao động có quyền có ý kiến, khiếu nại, tố cáo. Người lao động có quyền ủy quyền cho công đoàn, để công đoàn cơ sở đòi quyền lợi cho người lao động. Nếu người lao động và công đoàn không đòi thì đương nhiên số tiền đó thuộc về doanh nghiệp, còn tiền bị phạt sẽ được bổ sung ngân sách nhà nước.
 
Trong thực tế, việc yêu cầu doanh nghiệp trả  lương cho người  lao động đã khó thì việc đòi doanh nghiệp phải trả lãi khi chậm lương cho người lao động không phải là vấn đề đơn giản. Bên cạnh đó, đối với những người lao động bị nợ lương tại các doanh nghiệp đã phá sản hoặc đang ở bờ vực phá sản thì việc đòi lương còn khó khăn hơn. Cùng với nội dung này, vào năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2010/NĐ-CP,  quy định xử phạt hành chính về vi phạm pháp luật lao động, hành vi không trả lương đầy đủ, đúng thời hạn cho người lao động hoặc trả chậm lương nhưng không đền bù có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng, đồng thời, phải trả lương và các chế độ khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
 
Người lao động có thể yêu cầu thanh tra chuyên ngành về lao động hoặc UBND cấp huyện, nơi doanh nghiệp hoạt động xử lý hành vi vi phạm. Thế nhưng, quy định này dường như rơi vào quên lãng bởi rất ít được nhắc đến... Tiếp đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 95/2013/NĐ-CP “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, có hiệu lực từ ngày 10/10/2013; theo đó, doanh nghiệp, cơ quan chậm trả lương cho người lao động có thể bị phạt từ 5-50 triệu đồng.
 
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 05 một lần nữa cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, do chưa có thông tư hướng dẫn nên hiện nay các cơ quan chức năng triển khai còn lúng túng, nhất là  về việc quy định trách nhiệm của từng cơ quan cụ thể. Vì vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành phải sớm ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các địa phương sớm triển khai thực hiện có hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật cho người lao động. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các tổ chức Công đoàn. Bởi đây là tổ chức gần gũi với người lao động, thường xuyên thực hiện chức năng giám sát, bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi bị doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi.
 
Bên cạnh việc xử phạt bằng tiền lãi, thì cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Khi đó mới đủ sức răn đe và ngăn chặn tình trạng những doanh nghiệp cố tình nợ lương, chậm trả lương của người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp nếu có nợ lương, chậm lương của người lao động đều là do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn trong một giai đoạn nhất định và được sự thỏa thuận, chia sẻ của người lao động. Vì vậy, để Nghị định trên thực sự đi vào cuộc sống không chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn cần cả sự lên tiếng của người lao động và sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, có như vậy mới bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
 
Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: Người sử dụng lao động trả lương chậm từ 15 ngày trở lên phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương. Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 1 tháng.
Phạm Bằng