(Baonghean) - Theo dự báo, Nghệ An là một trong những địa phương nằm trong vùng đặc thù chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Đây là những thách thức đòi hỏi sự vào cuộc hành động của các cấp, ngành và mỗi người dân để đảm bảo phát triển bền vững, ổn định cuộc sống. Đó cũng là thông điệp được Bộ Tài nguyên - Môi trường phát động nhân Ngày Khí tượng thế giới năm 2015 với chủ đề “Khí hậu - Nhận thức và hành động”.
Thời tiết ngày càng cực đoan
BĐKH là sự thay đổi cực đoan của thời tiết. Biểu hiện rõ nhất của BĐKH là trái đất nóng lên, nước biển dâng, hiện tượng xâm thực mặn vào sâu đất liền và nắng nóng, mưa bão, thiên tai biến chuyển bất thường. Mấy năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan đó liên tục xuất hiện, tác động trực tiếp đến con người và sự sống khác trong môi trường.
Tại xã Nghi Tiến - một xã ven biển của huyện Nghi Lộc với 6,3 km bờ biển, theo nhiều người cao tuổi trong xã trong những năm gần đây mực nước biển dâng cao hơn so với trước, nhất là khi triều cường hoặc có giông bão. Điều này đang đe dọa đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Đặc biệt hiện tượng xâm thực mặn biểu hiện ngày càng rõ rệt.
Ông Trần Công Oanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Do địa bàn xã Nghi Tiến ở cuối nguồn nước ngọt và đầu nguồn nước mặn, cho nên khi vào vụ sản xuất hè thu mực nước trên sông Cấm xuống thấp thì nước mặn từ ngoài biển xâm thực với nồng độ mặn vượt mức cho phép không thể sản xuất được. Trong tổng 230 ha diện tích canh tác của xã thì có 150 ha diện tích bị xâm mặn, năm sản xuất được, năm không sản xuất được, trong đó có 40 ha nuôi trồng thủy sản bấp bênh.
Ở xã Nghi Tiến, BĐKH không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động đến những người làm nghề biển. Anh Lưu Đình Tuấn, xóm 2, chia sẻ: “Chưa có điều kiện để đánh bắt xa bờ nên chỉ đánh bắt gần bờ, nhưng mấy năm gần đây lượng hải sản ở gần bờ cũng ngày càng ít đi, khiến cho ngư dân như chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống”. Giải thích về lý do này theo các nhà khoa học thì do nhiệt độ nước biển tăng làm hệ sinh thái biển bị tổn thương, các rạn san hô là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển bị suy thoái.
Tình trạng xâm nhập mặn vào sâu đất liền không chỉ diễn ra ở xã Nghi Tiến mà theo ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, còn diễn ra ở hầu hết các xã nằm dọc bờ biển của Nghi Lộc như Nghi Quang, Nghi Yên, Nghi Thiết, Phúc Thọ. Ở các xã này do nồng độ mặn trên đồng ruộng cao dẫn đến có những diện tích đất nông nghiệp sản xuất bấp bênh, nhất là vụ hè thu bị bỏ hoang, gồm Nghi Quang 80 ha, Nghi Thiết 70 ha, Nghi Yên 50.
Qua tìm hiểu các địa phương theo tuyến 82 km bờ biển của Nghệ An thì hiện tượng xâm thực mặn đã, đang diễn ra ở một số xã Quỳnh Lương, Sơn Hải, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu); các xã Diễn Thành, Diễn Trung, Diễn Hùng, Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Hải (huyện Diễn Châu). Tình trạng xâm nhập mặn không chỉ gia tăng ở các địa phương ven biển mà theo ghi nhận của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, trong năm 2010, trên sông Cấm, xâm nhập mặn hay còn gọi là nêm mặn đã kéo dài vào đến gần xã Nghi Vạn (Nghi Lộc). Cũng trong năm 2010, trên sông Lam, tình trạng nêm mặn kéo dài lên tận xã Hưng Xuân (Hưng Nguyên).
Nếu như các địa phương ven biển với biểu hiện rõ mực nước biển dâng và xâm nhập mặn thì ở vùng miền Tây Nghệ An, ngày càng cảm nhận rõ hơn sự nóng lên của thời tiết và thời gian nắng nóng kéo dài hơn. Có thời điểm ở các huyện Quỳ Châu, Tương Dương, Thái Hòa, nhiệt độ đã lên tới 40 - 43 độ C. Cũng ở vùng này đã xuất hiện rét đậm, rét hại và xuất hiện nhiều trận mưa lũ bất thường, gây ra lũ ống, lũ quét.
Ông Tăng Văn An, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, cho biết: Qua theo dõi diễn biến biến thời tiết trong vòng chu kỳ 10 năm trở lại đây trên địa bàn vùng Bắc Trung bộ nói chung và Nghệ An nói riêng, cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn. Mặc dù số lượng cơn bão xảy ra trong năm không thay đổi nhưng cường độ bão lớn hơn rất nhiều, có cả siêu bão. Về mưa không kéo dài nhưng cường độ lớn hơn. Nếu như trước đây mưa đạt khoảng 300mm kéo dài 2 - 3 ngày thì gần đây chỉ trong 3 giờ đồng hồ lượng mưa cũng đã đạt 300mm. Điều này dẫn đến gây ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi. Đó còn là số ngày nắng nóng tăng lên, phản ánh đúng xu thế tăng nhiệt độ của thời tiết, gây ra hạn hán, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trên diện rộng ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh...
Chủ động các giải pháp ứng phó
BĐKH đang đe dọa đến sự sống, điều đó, đòi hỏi chúng ta phải hành động để thích ứng, chủ động ứng phó có hiệu quả. Trên cơ sở Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2015, có tính đến 2020 do UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1395/QĐ-UBND.ĐC ngày 27/4/2011, thời gian qua các ngành, các cấp trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch lồng ghép việc ứng phó BĐKH vào các chương trình, kế hoạch của đơn vị mình để triển khai. Hoạt động được ưu tiên tập trung là tu bổ, nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, hồ đập, các cống ngăn mặn, giữ ngọt...
Theo ông Nguyễn Trường Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh thì Nghệ An là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành được chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa, trong đó có thống kê, đánh giá tình hình hồ đập, đưa ra lộ trình nâng cấp, sửa chữa nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Tính từ năm 2012 - 2014, ngành Nông nghiệp đã triển khai duy tu, sửa chữa 224 hạng mục công trình hồ đập với tổng số tiền gần 90 tỷ đồng. Cùng với đó chương trình kiên cố hóa kênh mương tiếp tục được đẩy mạnh; một số chương trình ngăn mặn, giữ ngọt được triển khai trên sông Cấm và đang làm các thủ tục để triển khai trên sông Lam, đảm bảo tích nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, hạn chế sự xâm nhập mặn vào sâu đất liền.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng đã chủ động chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi theo mùa vụ, nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp. Từ những thay đổi của thời tiết buộc phải thay đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng để thích ứng. Mấy năm gần đây, do lượng mưa ít, nắng gay gắt, cho nên nhiều diện tích trồng vừng và rau màu hè thu trước đây nay chuyển sang trồng ngô và đậu đỗ các loại. Lúa hè thu cũng giảm diện tích và tăng vào vụ mùa; đồng thời tổ chức làm sớm vụ đông và đưa các loại cây trồng ngắn ngày vào trồng để chạy lũ. Cũng liên quan đến ngành Nông nghiệp, công tác trồng rừng được đẩy mạnh, kể cả rừng ngập mặn. Trong vòng 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm tỉnh ta trồng mới được 15.000 ha rừng, góp phần nâng che phủ rừng cuối năm 2014 của tỉnh đạt 54,6%.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Theo ông Hoàng Văn Diện, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An, triển khai chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm của Chính phủ và UBND tỉnh; công tác tuyên truyền gắn với triển khai nhiều mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Nhờ đó nhận thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của người dân và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng nâng lên.
Chỉ riêng lĩnh vực điện năng, theo báo cáo của Công ty Điện lực Nghệ An, năm 2014 toàn tỉnh tiết kiệm được hơn 42 triệu KWh điện, đạt 103% so với kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Bắc giao. Song song với đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục và cải thiện môi trường, chương trình mục tiêu quốc gia về thích ứng BĐKH, kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên - môi trường theo hướng bền vững, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cũng được các cấp, các ngành triển khai.
Ông Nguyễn Ngọc Võ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, khẳng định: Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ứng phó với BĐKH đã từng bước được cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách trên địa bàn tỉnh, trở thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Nhận thức về biến đổi khí hậu của cộng đồng ngày càng được nâng cao, đầu tư cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu từng bước được cải thiện; yếu tố biến đổi khí hậu từng bước được lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các cấp.
Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế về nguồn lực đầu tư cho BĐKH còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Các chính sách về ứng phó với BĐKH cơ bản đã phù hợp và đầy đủ nhưng quá trình thực hiện còn lúng túng do đây là vấn đề mới, tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, trong khi đó nhận thức về BĐKH của các ngành, các cấp và người dân còn nhiều hạn chế. Công tác chủ động hành động ứng phó với BĐKH trong cộng đồng chưa cao. Hành động để phòng chống BĐKH vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phức tạp và liên quan đến tất cả các ngành, các cấp và mỗi con người. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương và mỗi người dân cần tiếp tục triển khai các giải pháp, kế hoạch bằng những hành động cụ thể, thiết thực nâng cao năng lực, khả năng ứng phó với BĐKH, góp phần phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của người dân.
Minh Chi