Tình yêu và gắn bó với nghề rừng
Trong đời cầm bút, tôi là người may mắn được tiếp xúc nhiều và biết rõ về Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài. Trước đây, tôi đã về thăm Lâm trường Con Cuông khi ông đang giữ chức giám đốc và chuẩn bị được phong tặng Anh hùng lần thứ hai, theo ông đi thực tế để hiểu kỹ về "rừng nhác, rừng siêng", hiểu kỹ về một giám đốc "tự phạt mình" và luôn "tập trung cho xây dựng vốn rừng"(những cụm từ này chỉ có riêng ở Lâm trường Con Cuông). Tôi hay với bất kỳ ai khi đến tìm hiểu, ông Lài đều đích thân dẫn đi rừng, để thay cho báo cáo trung thực, chính xác nhất.
Xe của giám đốc chỉ là chiếc xe u-oát già nua đại tu lại. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của ông: "Mình chưa thể đi xe sang, mà xe sang cũng chỉ để giải quyết khâu oai chứ không thể phục vụ cho công việc đi rừng của mình được. Mình không thể làm oai khi công nhân còn thiếu thốn, chưa no đủ...". Và trên cánh cửa chiếc xe rất "đặc chủng" của Giám đốc Lài có câu khẩu hiệu "Tập trung cho sự nghiệp xây dựng vốn rừng". Và từ Văn phòng Lâm trường đến văn phòng của các đội cũng đều đồng loạt các câu khẩu hiệu do ông khởi xướng "Tất cả cho xây dựng vốn rừng".
Nói về Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài người ta thường đùa vui về sự đối lập của hai lần đón nhận phần thưởng cao quý của ông: Anh hùng Lao động lần thứ nhất là Anh hùng "phá rừng"; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới là Anh hùng trồng rừng.
Anh hùng Nguyễn Ngọc Lài, sinh năm 1938, quê xã Thanh Bình, huyện Thanh Chương. Ông mồ côi từ nhỏ, chính vùng quê có truyền thống với nghề sơn tràng ấy đã gieo mầm trong ông tình yêu và gắn bó với nghề rừng.
Năm 1961, ông rời quê trở thành công nhân Lâm trường Con Cuông. Ba năm sau ông trở thành tổ trưởng sản xuất, 5 năm liền tổ được công nhận là Tổ Lao động XHCN. Năm 1968, Đội khai thác gỗ Trung Chính do ông làm đội trưởng đã có nhiều cải tiến hình thức khai thác gỗ từ "dao tạ" sang "cưa xăng"; sáng kiến cải tiến "đường xai" (một loại đường dốc, hai bên là núi đá sống trâu, người không kéo được, phải dùng sức voi lao gỗ xuống) bằng cách mở thêm đường "triềng" bên sườn núi thoai thoải chênh chếch đi xuống lòng khe...
Từ những sáng kiến trên, Đội Trung Chính trở thành nòng cốt của Lâm trường Con Cuông về hoàn thành chỉ tiêu khai thác gỗ hằng năm. Với nhiều thành tích đưa kế hoạch Lâm trường về đích sớm, năm 1985, ông vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Người hồi sinh rừng
Năm 1988, ông được đề bạt làm Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Giám đốc Lâm trường. Năm 1991, ông chính thức giữ chức vụ giám đốc, đây là giai đoạn chuyển đổi cũng là kết thúc thời kỳ "phá rừng". Rừng giàu gỗ đã khai thác gần như cạn kiệt, trong lúc vốn của Lâm trường Con Cuông chỉ còn 40 triệu đồng. Ông Lài như mang nợ vì "phá rừng".
Như người trôi sông vớ được bè, từ Chương trình 317, ông Lài đã chỉ đạo Lâm trường Con Cuông nhanh chóng phục hồi, tái tạo vốn rừng. Đất trống, đồi núi trọc và trong lâm phần của Lâm trường được phủ xanh. Trong bước ngoặt của ông để trở thành Anh hùng lần thứ hai chính từ những suy nghĩ tìm tòi của ông rồi trở thành câu khẩu hiệu hành động cho lâm trường thực hiện hiệu quả đó là: Cải tạo cồn vệ; cải tạo khe chọ; cải tạo đồi núi và chế biến sản phẩm. Ông giải thích, cải tạo cồn vệ là lấy nông nghiệp làm nền tảng cho an cư lập nghiệp, là điều kiện phát triển lâm nghiệp bền vững. Cải tạo cồn vệ là khai hoang phục hóa đất gò đồi, đất bằng, đất vệ, khai thác hết tiềm năng đất hiện có...
Đi hết các cánh rừng của "ông Lài" ở khe Xộc, khe Luông..., bên thác Kèm, vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát mới thấy hết vẻ đẹp hùng vĩ của một đại ngàn xanh giá trị nhiều trăm tỷ đồng mới hiểu hết ý nghĩa của cụm từ biến "rừng nhác"(rừng nghèo) thành "rừng siêng" (rừng giá trị kinh tế).
Và hình như từ đây, ông cũng vơi bớt món nợ với những cánh rừng do ông cùng công nhân một thời triệt hạ nay đã trở thành rừng có giá trị kinh tế cao, để rồi được ghi nhận là cánh chim đầu đàn trong ngành Lâm nghiệp Nghệ An.
Không chỉ nổi tiếng là người hồi sinh rừng với hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, ông còn được biết đến với vai trò là người đại biểu nhân dân gương mẫu, tận tụy trong 4 khóa Quốc hội IV, V, VII, VIII. Với những đóng góp trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, phát triển vốn rừng và nhiều lĩnh vực khác, năm 2000, Lâm trường Con Cuông được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2005. Giám đốc Nguyễn Ngọc Lài vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động lần thứ hai vào năm 2002. Hơn 50 năm tuổi Đảng, hơn 41 năm gắn bó với lâm trường Con Cuông, năm 2002, ông được nghỉ hưu.
Nhắc lại những kỷ niệm về ông, vẫn không quên “giám đốc tự phạt mình”. Ngày còn đương chức, ông và tập thể lâm trường ra quy chế, nếu bộ phận nào không hoàn thành tốt nhiệm vụ qua xếp loại hằng tháng, hằng quý thì tổ đó phải nhận cờ xanh, tốt lên mới được thay cờ đỏ và đội trưởng cho đến giám đốc cũng phải chịu trách nhiệm liên đới bằng hình thức xử phạt bằng ngày lương tùy theo mức xếp loại. Tận mắt thấy trong sổ danh sách trừ lương của tài vụ thấy tên giám đốc mới tin. Có lẽ trong đời cầm bút, tôi chỉ thấy “giám đốc tự phạt mình” duy nhất ở Việt Nam là Anh hùng Nguyễn Ngọc Lài.
Vào đầu tháng 12 năm 2020, khi có giấy mời, Anh hùng Lao động Nguyễn Ngọc Lài vẫn có mặt trong dịp Kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Lâm nghiệp Việt Nam do Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Nghệ An. Không ngờ rằng đây là lần cuối cùng ông được ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Lâm nghiệp mà ông là một trong những người có công lớn đóng góp.
Như một định mệnh, ông đột ngột ra đi ở tuổi 83 vào hồi 11 giờ 15 phút ngày 22/12/2020. Có lẽ trước lúc chia xa, ông vẫn luôn canh cánh làm sao giữ và phát triển được rừng!
“Cha một đời gắn bó xây dựng và phát triển rừng, các con cháu hãy làm hết sức mình để giữ rừng...”. Thế hệ mai sau luôn nhớ, ông đã để lại “con đường mang tên ông Lài”, “rừng ông Lài”... Xin nhắc lại những kỷ niệm bằng sự kính trọng như một nén tâm nhang trước hương hồn người Anh hùng!