Ngày 16/11, Vườn quốc gia Pù Mát phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã (Save Vietnam’s Wildlife – SVW) tổ chức hội thảo “Thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế và nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã”.

Hội thảo nhằm mục đích tìm kiếm giải pháp để bảo tồn tốt hơn tài nguyên rừng Vườn quốc gia Pù Mát.

bna_pumat1915933_16112018.jpgCác đại biểu dự hội thảo tại xã Yên Khê. Ảnh: HT

Hơn 100 đại biểu bao gồm lãnh đạo xã Châu Khê, cán bộ thôn bản và cộng đồng người dân địa phương đã tham gia hội thảo. Trước đó, hai hội thảo cùng chuyên đề này cũng đã được tổ chức tại xã Yên Khê và Chi Khê vào ngày 13 và 15/11, với hơn 200 người tham dự.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu lên hiện trạng của động vật hoang dã, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, các mối đe dọa, cũng như các nỗ lực thực thi pháp luật tại VQG Pù Mát.

Hội thảo cũng dành trọn một buổi để đại biểu và khách mời thảo luận ba nội dung chính nhằm tìm ra các giải pháp phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương, giáo dục - nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng, phát huy vai trò của người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng.

Các đại biểu thảo luận tìm giải pháp. Ảnh: HT

Theo ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát, các nghiên cứu xã hội cho thấy cộng đồng địa phương còn sinh sống phụ thuộc nhiều vào rừng. “Chúng tôi nhận thấy ngoài việc tăng cường thực thi pháp luật, việc phát triển sinh kế sẽ giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn, từ đó, sẽ hạn chế việc vào rừng khai thác tài nguyên thiên nhiên”, ông Cường nói và cho rằng, hội thảo là cơ hội rất tốt để lắng nghe những trăn trở và khó khăn của người dân, cũng như cùng tìm ra những giải pháp thiết thực nhất hướng đến mục tiêu chung.

“Chúng tôi sẽ cố gắng huy động mọi nguồn lực, tìm kiếm giải pháp thiết thực và hỗ trợ thực hiện các đề xuất của cộng đồng địa phương” , ông Cường nhấn mạnh.

Người dân địa phương xem triển lãm ảnh bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: HT

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật hoang dã cho rằng, việc săn bắt và sử dụng động vật hoang dã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái nói chung, đa dạng sinh học VQG Pù Mát nói riêng.

“Việc bảo vệ rừng Pù Mát cần phải xuất phát từ trái tim của chính mỗi người tham gia hội thảo cũng như chính những người con của Rừng Pù Mát. Với sự ủng hộ và quyết tâm của chính quyền địa phương, VQG Pù Mát, cũng như sự đồng lòng của cộng đồng địa phương, chúng tôi tin rằng có thể tái phục hồi quần thể các loài động vật hoang dã tại Vườn quốc gia; phát triển sinh kế, đặc biệt là du lịch sinh thái, góp phần giải quyết vấn đề kinh tế cho cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm”, ông Thái nói.

Từ ý kiến đóng góp của đại biểu và khách mời, ông Kha Văn Thương - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Khê cho hay, để nâng cao mức sống của cư dân địa phương, cần phát triển các mô hình kinh tế triển vọng như trồng trọt các loại cây phù hợp, hoặc chăn nuôi các giống gia súc – gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, hội thảo cũng kêu gọi toàn bộ đại biểu và khách mời, thông báo các hành vi khai thác rừng, săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, qua đường dây nóng 0966 000 353. Đồng thời giới thiệu trang mạng xã hội Facebook mang tên “Cùng tôi bảo vệ rừng Pù Mát” để nâng cao nhận thức và hỗ trợ công tác thực thi pháp luật bảo vệ rừng tại địa phương. 

Vườn Quốc gia Pù Mát được chuyển hạng từ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát thành Vườn quốc gia theo Quyết định số 174/2001/QĐ-TTg ngày 08/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Pù Mát là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới ở Tây Nghệ An, với tổng diện tích rừng đặc dụng là 94.715,4 ha và tổng diện tích vùng đệm: 86.000 ha.

Vườn quốc gia Pù Mát có tầm quan trọng đa dạng sinh học và là nơi lưu giữ nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cần được ưu tiên bảo tồn.