(Baonghean.vn) Lớp học của thầy Sầm Văn Bình rất "đặc biệt" (bởi thầy giáo là nông dân), cònhọc viên của thầy là cán bộ, học sinh và nông dân. Một học viên của thầy là Quang Thị Thu, cán bộ văn thư xã Châu Cường viết ra mảnh giấy mấy ký tự và nói: "Tên chị viết bằng chữ Thái đó". Rồi chị tâm sự: "Buổi đầu tham gia lớp học, học viên đều kêu chữ Thái khó học, phức tạp nhất là cách ghép vần. Thầy Bình hiểu nên giảng giải cặn kẽ hơn. Dần dần mọi người nắm được quy tắc ghép vần, tiếp thu dễ hơn. Bây giờ thì ai cũng mê học chữ Thái".


770454_small_68445.jpgThầy Sầm Văn Bình dạy chữ Lai - Tay cho học viên xã Châu Cường (Quỳ Hợp).
Sinh năm 1962 trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa ở một bản trung tâm của mường Khủn Tinh (vùng trung tâm của huyện Qùy Hợp ngày nay), từ tuổi ấu thơ, Sầm Văn Bình đã được đắm mình trong một môi trường văn hóa với bề dày truyền thống được bồi đắp qua hàng trăm thế hệ.


Tốt nghiệp chuyên ngành đóng tàu biển của Trường đại học Hàng Hải vào những năm cuối của thời kỳ bao cấp, sau một thời gian vất vả gian nan đi kiếm việc làm mà không thành công, Sầm Văn Bình về lại quê nhà và tìm kế sinh nhai bên những người dân của bản. Ông từng có mặt trên các bãi săn tìm đá đỏ, khai thác quặng, đào vàng... tham gia vào các nhóm tìm kiếm lâm thổ sản từ Quỳ Châu, Qùy Hợp cho đến Con Cuông...


Cơ hội đã đến với Sầm Văn Bình khi vùng quê Quỳ Hợp của ông được Bộ VHTT xây dựng làm huyện điểm văn hóa. Trong một lần đến thư viện huyện mượn sách, lần đầu tiên ông nhìn thấy chữ Thái. Những dòng chữ Thái đó được in trong cuốn "Luật tục Thái Việt Nam - Tập quán pháp" của các tác giả Ngô Đức Thịnh và Cầm Trọng, đã thực sự làm lay động tận nơi thẳm sâu nhất trong lòng Sầm Văn Bình.


Từ buổi đó, ông Bình đã dồn tất cả tâm trí vào việc tìm hiểu, nghiên cứu về chữ Thái. Năm 2006, Câu lạc bộ chữ Thái xã Châu Cường được UBND huyện Qùy Hợp ra quyết định thành lập, Sầm Văn Bình được mời vào Ban chủ nhiệm CLB. Sẵn có vốn tiếng Anh, ông tự học vi tính để soạn tài liệu dạy học tại Câu lạc bộ. Đến nay, Câu lạc bộ đã mở được 5 lớp học dạy chữ cho gần 300 học viên về chữ Thái. Ngoài việc dạy chữ Thái, ông còn đăng tải nhiều bài viết phổ biến về chữ Thái, về văn hóa Thái trên các báo, tạp chí, tập san... Sầm Văn Bình cũng được kết nạp vào Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An và tham gia viết một số cuốn sách về văn hóa Thái.


Năm 2008, ông trở thành thành viên của mạng lưới Bảo tồn và Phát triển chữ Thái Việt Nam (VTIK);được mời tham gia các Hội thảo của Mạng lưới VTIK và của Chương trình Thái học Việt Nam - Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển. Ông đã có mặt ở một vài hội thảo ở Thái Lan về dân tộc Thái. Ông cũng nhận được thư mời của bà Victoria Tauli-Corpuz, Thư ký thường trực Liên hợp quốc về vấn đề bản địa; được mời tham dự một Hội thảo tại Nicaragua nhưng do tại thời điểm ấy Việt Nam và Nicaragua chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nên thủ tục cho chuyến đi không thành...


Sầm Văn Bình còn là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mang tên "Nghiên cứu, biên soạn tài liệu dạy và học chữ Thái hệ Lai - Tay trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Nghệ An". Một vinh dự lớn đến với ông khi ông được cử làm đại biểu chính thức tham dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất tại Hà Nội năm 2010.

Mới đây, ông đã tự nghiên cứu và thiết kế ra font chữ Thái ThailaitayR để cài đặt sử dụng trên máy vi tính. Từ kết quả này, ông được mời tham gia trong một dự án thiết kế phần mềm của Trung tâm Công nghệ thông tin Thừa Thiên Huế. Ông cũng là người tham gia quản trị một trang web được lập để phổ biến, quảng bá về chữ Thái và văn hóa Thái mang tên http://chuthai.huesoft.com.vn


T.H