(Baonghean) - Từ thuở lọt lòng cho đến nay (86 tuổi), ông vẫn mang cái tên do cha mẹ đặt; Một cái tên hiền như tên đất, tên làng bình dị giản đơn như con người xứ Nghệ: Võ Văn Khuyên. Mẹ sinh ông năm 1929, một năm sau cả làng Phù Văn, cả huyện Hưng Nguyên bừng bừng khí thế của cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Khi lớn lên, Võ Văn Khuyên đã có hai niềm tự hào: một là công dân của Nghệ An Xô viết anh hùng, hai là cùng làng, cùng xã với liệt sỹ Phạm Hồng Thái - người đã ném bom vào bữa tiệc của toàn quyền MecLanh đêm 18 tháng 6 năm 1924.
Năm 1945 Việt Nam độc lập, là một nước có chủ quyền nhưng thực dân Pháp muốn quay lại thôn tính nước ta lần thứ hai. Bình Trị Thiên ngút trời khói lửa, sông Lô ầm ầm nổi sóng dìm xác quân thù.
Vào một chiều cuối năm 1950, trời rét đậm, lớp trai làng tề tựu trước đền Vua Lê, mảnh đất quen thuộc bổng trở nên thiêng liêng trước giờ đưa tiễn. Chàng trai Võ Văn Khuyên tạm biệt lũy tre làng Phù Văn hòa vào đoàn quân cất cao tiếng hát “Nào anh em ta cùng đi…” một bộ quần áo nâu, đầu không mũ, chân không giày dép, ông lên đường nhập ngũ. Sau đợt huấn luyện ở Diễn Châu, đơn vị ông ngược đường 48 rồi theo con đường đất đỏ Phủ Quỳ đi Cẩm Thủy, Bá Thước, Kim Tân Thạch Thành (Thanh Hóa) ra dốc Cun, dốc Kẽm (Hòa Bình). Dấu chân ông in khắp các chiến trường từ Hòa Bình, thượng Lào, tận cùng biên giới.
Cuối năm 1953 với cương vị là Trung đội phó của Trung đoàn 102 đồng chí Hùng Sinh chỉ huy thuộc Đại đoàn 308 khi đó đồng chí Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng, đồng chí Song Hào chính ủy. Đại đoàn 308 với danh hiệu là đại đoàn quân tiên phong, có mặt đầu tiên ở Điện Biên Phủ. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” được Bác Hồ trao cho mỗi đại đoàn, mỗi quân khu đã tạo ý chí quyết tâm, dũng cảm chiến đấu cho người chiến sỹ suốt chiều dài chiến dịch.
Trước ngày nổ súng, đơn vị ông chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đào công sự. Đêm ta đào ngày rút ra cách trận địa chừng 2.000 mét, địch lại cho xe tăng, quân lính ra phá… Đêm ta lại đào. Hàng tháng trời sống cảnh “Mưa dầm, ngủ hầm, cơm vắt” vòng vây giao thông hào cứ khép chặt dần từ 300 rồi 200 mét. Trung đoàn 102 có nhiệm vụ thọc sâu đánh vào đồi A1. Do vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, đồi A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ, bao gồm nhiều ụ súng máy, lỗ châu mai, hầm ngầm kiên cố. Chung quanh là hệ thống lô cốt ở các đồi C1, D1, D2… thường xuyên yểm trợ chi viện cho A1.
Sáng 30 tháng 3 năm 1954, quân ta tiến đánh đồi A1. Hàng chục chiếc máy bay gầm rú trên bầu trời, pháo từ Mường Thanh bắn cấp tập bảo vệ đồi A1. Đủ các loại súng: Đại bác, moóc chê, cối 60, cối 82 súng máy nhả đạn liên hồi bắn chéo cánh sẻ. Cụm cứ điểm A1, C1, D1… chìm trong khói lửa. Đồi A1 ta chiếm một nửa, còn nửa kia là của địch, đánh lấn giành nhau từng mét vuông, từng ngách hào, cả hai bên đều chịu thương vong lớn. Những ngày chiến đấu ác liệt triền miên, vừa ăn cơm vắt vừa bắn súng, vừa di chuyển theo hướng tiến công của đơn vị, cuộc chiến ngày càng gay go khốc liệt “máu trộn bùn đen” mà ý chí quyết tâm giành chiến thắng của người chiến sỹ Điện Biên không hề nao núng. Chiều ngày 1 tháng 4, lúc đang vung tay ném lựu đạn về phía địch, ông Võ Văn Khuyên bị một mảnh đạn cối 60 cắt đứt cánh tay trái. Hai chiến sỹ khom người đỡ ông vào cáng đưa về phía sau, cáng kéo lê trên mặt đất đi chưa được 10 mét đồng chí đi sau bị một mảnh đạn vào bụng, máu tuôn xối xả, người ngã gục lên cáng. Người chiến sỹ ấy đã hy sinh! Còn ông được cứu sống. Sau này khi ở viện điều trị vết thương, Võ Văn Khuyên mới hay bộ đội ta đã đào hầm ngầm vào tận chân đồi A1, cho nổ một tấn bộc phá mới đánh sập cứ điểm kiên cố này.
Mùa Xuân năm 1955, mùa hoa đào nở, con người đến với nhau trong chan hòa yêu thương. Cô gái Phan Thị Hường năm đó 22 tuổi, là cán bộ phụ nữ xã Hưng Khánh đón ông từ đoàn an dưỡng về nhà trong phong trào “Đón anh thương binh về làng”. Cô gái ấy trở thành vợ ông bây giờ.
Hơn 50 năm ông Võ Văn Khuyên vẫn mang theo một nỗi niềm thương nhớ như là dấu ấn cuộc đời đã khắc sâu vào máu thịt. Đầu năm 2007, ông cùng 15 sỹ quan có chuyến lên thăm Điện Biên, thăm lại chiến trường xưa. Nghỉ lại Hà Nội một ngày vào thăm Lăng Bác, ngày hôm sau xe theo Quốc lộ 279 lên Tuần Giáo, rồi rẽ qua đường số 6, vượt đèo Pha Đin… Nắng Tây Bắc ươm vàng một màu huyền diệu, lòng dạt dào với bao cảm xúc vừa quen vừa lạ: “Nơi nào ta đã hành quân qua, nơi nào ta chặn đánh quân thù…”.
Xe dừng lại bên nghĩa trang, từng hàng bia mộ thẳng tắp san sát bên nhau. Mọi người cùng thắp hương viếng đồng đội, những cuộn khói hình tròn lan tỏa in lên trời xanh. Ông Võ Văn Khuyên đứng lặng người mắt rưng rưng như kiếm tìm người dưới mộ “Đồng chí ơi! Anh nằm ở đâu! Máu thịt anh đã thành gió, thành sương cho xanh thêm trời Điện Biên…”. Trong nắng vàng xôn xao mắt ông nhòe đi; Hình ảnh người chiến sỹ ngã gục đè lên cáng, máu me đầy mình mà gương mặt thật hồn nhiên trong sáng của tuổi 20.
Ông Võ Văn Khuyên về nghỉ hưu bên dòng sông Nậm Tôn (xóm Quang Hưng, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) với cảnh vườn trên, ao dưới, cây trái sum suê. Các con của ông bà đã khôn lớn trưởng thành: Anh Võ Văn Dũng thương binh 4/4 nay là chủ xưởng cưa, sản xuất đồ mộc. Anh Võ Văn Đoài, sỹ quan tại ngũ thuộc Quân khu 4. Trong câu chuyện, bà Hường nói với chúng tôi: “Chả giấu gì các anh, giờ được thế này là sung sướng lắm rồi. Ngày xưa khổ lắm, thiếu thốn mọi thứ, từ đồng tiền bát gạo; nhà cửa cũng lụp xụp, chứ đâu được như hôm nay.”
Ông Võ Văn Khuyên - thương binh, người chiến sỹ Điện Biên năm xưa vẫn sống như những người xung quanh. Trong miền ký ức xa xăm của ông vẫn còn đó bao kỷ niệm buồn vui của một thời lửa đạn, như nước sông Nậm Tôn từng ngày vẫn xao động tiếng lòng.
Nguyễn Văn Nhi
Xã Châu Quang – Quỳ Hợp