(Baonghean.vn) - Cầu Mường Thanh quân Pháp gọi là cầu “Prenley”, là cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm, ở địa điểm cách ngã ba đường 279 hiện nay khoảng 300 m. Cầu là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thực hiện kế hoạch Nava, ngày 20/11/1953 Na Varre cho 150 chuyến máy bay chở 4000 quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Báo chí Pháp huyênh hoang về “Trận mưa dù xuống Điện Biên Phủ” và tướng Nava tuyên bố: “Tôi sẽ nắm quyền chủ động, tôi sẽ giữ quyền chủ động”. Nava còn viết thư một cách dí dỏm gửi binh lính Pháp: “Chiến thắng ! Phải kiên quyết chiến thắng ! Nhưng chiến thắng là một người phụ nữ chỉ yêu anh khi anh biết chinh phục”.
Thế rồi Nava cho xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương gồm ba phân khu, tám cụm và 49 cứ điểm, mỗi cụm được mang tên một thiếu nữ xinh đẹp của nước Pháp và mỗi cứ điểm đều có giao thông hào nối liền với hầm chỉ huy, hầm ngủ, hầm đạn, hỏa lực để yểm hộ có 50 khẩu pháo hạng nặng loại 155 ly và 105 ly. Như vậy tính bình quân mỗi cứ điểm được bố trí 4 đại liên, 45 tiểu liên, 9 trung liên, 9 súng phóng lựu đạn, 2 súng cối 60, 1 pháo không giật 57mm và ở cứ điểm quan trọng được trang bị súng phun lửa và súng hồng ngoại tuyến để bắn ban đêm.
Tại Điện Biên Phủ Pháp có 2 sân bay với 14 máy bay thường trực, 7 máy bay khu trục, 6 máy bay trinh thám, 1 máy bay lên thẳng và còn có 10 xe tăng loại 18 tấn, 120 xe vận tải. Số lượng quân Pháp ở Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, chúng huyênh hoang về hệ thống phòng ngự mạnh nhất, ngay cả trong Đại chiến thế giới thứ 2 quân Pháp cũng chưa bao giờ dựng lêm “một hệ thống phòng ngự dã chiến lớn mạnh như ở Điện Biên Phủ” và Điện Biên Phủ được coi là một pháo đài bất khả xâm phạm, tướng Đờ Cátxtri đã cho rải truyền đơn khắp nơi thách thức quân ta tiến công.
Do địa hình Điện Biên Phủ là một lòng chảo rộng, xung quanh là núi cao bao bọc, ở trận địa trung tâm lại có dòng sông Nậm Rốm chảy qua chia cắt phân khu trung tâm thành hai bên tả ngạn và hữu ngạn, nên sự liên lạc từ sở chỉ huy trung tâm với các cụm cứ điểm trên dãy đồi phía Đông và Đông Bắc gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết những khó khăn đó, quan Pháp đã cho thay dựng cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm. Cầu sắt Mường Thanh là chiếc cầu giã chiến được làm sẵn và chuyển từ Pháp sang lắp ghép tại Điện Biên. Toàn bộ cây cầu dài 40 m, rộng 5 m. Hai bên thành cầu là những thanh sắt chống đỡ đơn giản, không có trục giữa, sàn cầu lát bằng gỗ, dưới là những thanh dầm bằng sắt được liên kết với nhau rất chắc chắn đảm bảo tải trọng từ 8-15 tấn.
Để bảo vệ cây cầu huyết mạch này, quân Pháp bố trí các cứ điểm 509, 508 và 507 bên đầu cầu phía Đông, còn đầu cầu phía Tây chúng bố trí một ổ đại liên 4 nòng án ngữ đề phòng đối phương tấn công vượt qua cầu tấn công sở chỉ huy trung tâm. Với cách bố trí lực lượng như vậy, Tướng Đờ Cát hy vọng giữ vững cây cầu, giữ vững cửa ngõ tiếp viện cho các cụm cao điểm phía Đông và Đông Bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Khi chiến sự chưa xảy ra, cầu Mường Thanh là đường vận chuyển nguyên vật liệu, đạn dược, dây thép gai phục vụ cho việc xây dựng các cứ điểm phòng ngự ở phía Đông và phân khu phía Bắc. Khi quân ta tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, quân Pháp cũng sử dụng cầu này cho xe cứu thương lên nhận tù binh ở trung tâm đề kháng Him Lam và cũng từ đây xe tăng của quân Pháp đã xuất phát lên tăng cường cho cứ điểm A1 vào đêm 31/3/1954, hai xe tăng đó bị quân ta bắn cháy một chiếc còn một chiếc tháo chạy về trung tâm vào rạng sáng ngày 1/4/1954.
Trong đợt tổng công kích tấn công tiêu diệt toàn bộ các cao điểm phía Đông vào 4 giờ sáng ngày 7/5/1954 quân ta đã tiêu diệt toàn bộ cứ điểm A1, đến 14 giờ trung đoàn 209 đại đoàn 312 mở cuộc tấn công cứ điểm 597 ở đầu cầu Mường Thanh. Địch ở cứ điểm 507 kéo cờ trắng ra hàng, thừa thắng xông lên, Đại đoàn 312 tấn công tiêu diệt tiếp 2 cứ điểm 508 và 509 ở tả ngạn sông Nậm Rốm ở hai cứ điểm này địch chống cự yếu ớt và nhanh chóng bị tiêu diệt. Từ hướng Đông Trung đoàn 209 tiến thẳng vào khu trung tâm Mường Thanh cùng trung đoàn 98 và trung đoàn 174 áp sát vào khu trung tâm. Ở phía Tây trung đoàn 36 tiến vào các cứ điểm cuối cùng che chắn cho sở chỉ huy của địch. Trung đoàn 88 mở đường qua sân bay tiến thẳng vào sào huyệt cuối cùng của GONO. Quân ta đánh tới đâu cờ trắng của địch xuất hiện tới đó, nhiều toán địch từ các cứ điểm, các chiến hào lũ lượt kéo ra nộp vũ khí đầu hàng.
17 giờ 15 phút, một cánh quân của Đại đoàn 312 tiến sát vào sở chỉ huy của địch. Trung đội trưởng Chu Bá Thệ phát hiện trên hầm tướng Đờ Cát xtri có cờ trắng, đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu tổ xung kích tiến thẳng vào khu trung tâm, trên đường tấn công bị hỏa lực của trọng liên 4 nòng bảo vệ cầu Mường Thanh bắn ra chặn đường tấn công của quân ta. Các chiến sĩ không quản hy sinh đã dũng cảm ngoan cường chiến đấu dập tắt hỏa lực trọng liên 4 nòng và nhanh chóng vượt qua làn đạn dày đặc tiến lên. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng các chiến sĩ trong tổ xung kích vượt qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt sống tướng Đờ Cát Xtri cùng toàn bộ Ban tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 lá cờ Quyết chiến- Quyết thắng của quân ta đã phấp phới tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát xtri, kết thúc thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là chiến thắng lớn nhất trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, cũng là chiến thắng lừng lẫy nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Cầu Mường Thanh là cầu tiến quân lịch sử, là di tích đã được tôn tạo bảo vệ phục vụ khách tham quan du lịch. Trải qua 60 năm, cầu Mường Thanh vẫn được giữ nguyên gốc như khi mới khởi dựng và mãi mãi là cây “cầu tiến quân lịch sử”.
Trần Duy Ngoãn