(Baonghean) - Trong những năm qua, đóng góp của những người lính mang quân hàm xanh đã được cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và nhân dân vùng biên ghi nhận. Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong) là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện phong trào giúp dân xây dựng mô hình kinh tế điểm xoá đói giảm nghèo trên địa bàn...
 
Ở xã Thông Thụ, dân bản luôn nhắc đến gia đình ông Hà Đức Tính như một “triệu phú” vùng biên. Bắt đầu xây dựng từ năm 2008, đến nay qua 6 năm, quy mô trang trại, vườn rừng gần 10 hécta với nhiều chủng loại giống cây ngắn và dài ngày cho gia đình ông thu nhập hàng năm với giá trị kinh tế gần 50 triệu đồng/năm. Thành công ấy đánh dấu sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ trong việc giúp gia đình ông xây dựng mô hình kinh tế điểm vùng biên.
images970180_ong_tinh_v__thuong_uy_phan_xuan_tan_kiem_tra_vuon_cay_an_qua.jpgÔng Tính và Thượng úy Phan Xuân Tấn kiểm tra vườn cây ăn quả.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trang trại của gia đình nằm cạnh ngay bản Hiệp Phong, xã Thông Thụ, ông Hà Đức Tính phấn khởi cho biết: Năm 2008, được Đồn Biên phòng Thông Thụ chọn gia đình để xây dựng mô hình điểm, ngay từ đầu đơn vị đã cử người đến cùng gia đình lao động, làm đất, hỗ trợ cây giống và tư vấn khoa học kỹ thuật trồng. Đồng thời, anh em Đồn còn tổ chức cho gia đình đi tham quan các mô hình sản xuất ở dưới xuôi để về áp dụng vào sản xuất trang trại của gia đình. Qua các lần tham quan, được anh em biên phòng giúp đỡ, gia đình đã mạnh dạn sản xuất theo hướng trang trại, chỗ đất bằng thì cải tạo đất trồng các loại rau, với hình thức mùa nào rau đó, xung quanh trang trại được rào chắn cẩn thận để tránh trâu bò phá hoại, trên rừng trồng các loại cây như quế, tràm và các loại cây ăn quả. Chỗ đất trũng thì đào ao thả cá, kết hợp chăn nuôi gà, vịt, ngan ngỗng… Qua nhiều mùa thu hoạch mỗi loại cây, con cho thu nhập một ít, đến nay gia đình đã tự tin để sản xuất trang trại theo hướng mô hình VACR, đồng thời cùng vận động các gia đình trong bản học tập để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Tính đến nay, đã có 7 hộ gia đình ở trong bản học theo ông Tính làm mô hình phát triển kinh tế trang trại.
 
Thượng uý Phan Xuân Tấn, đảng viên được đồn Thông Thụ chuyển sinh hoạt đảng tạm thời về sinh hoạt tại chi bộ bản Hiệp Phong, là người được giao nhiệm vụ trực tiếp giúp đỡ gia đình ông Tính. Anh chia sẻ: Thực hiện chương trình giúp dân phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, Đồn đã cử cán bộ xuống phối hợp cùng cấp ủy chính quyền địa phương tổ chức khảo sát, chọn các hộ gia đình để làm điểm, sau đó nhân rộng ra trên địa bàn. Sau khi khảo sát lựa chọn, đơn vị đã chọn hộ gia đình ông Hà Đức Tính để giúp xây dựng mô hình kinh tế điểm. Đã phối hợp cùng gia đình ông Tính khảo sát địa hình, đồng thời bàn biện pháp nuôi con gì, trồng cây gì và cách thức trồng, nuôi như thế nào đều được bàn bạc thống nhất với gia đình, sau đó tham mưu với cấp uỷ chỉ huy đơn vị mua con giống, cây giống đưa xuống để đồng bào trồng, cán bộ biên phòng trực tiếp hướng dẫn. Từ hộ gia đình đầu tiên, đến nay 13/13 bản ở trong địa bàn xã Thông Thụ đã sản xuất theo mô hình VACR.
 
Song song với việc xây dựng các mô hình điểm kinh tế, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thông Thụ đã tích cực tham gia giúp đỡ chính quyền địa phương xây dựng các tổ chức hội với phong trào bảo vệ an ninh biên giới và các hoạt động xã hội đạt kết quả cao. Có thể kể đến mô hình nói không với tội phạm, tội phạm ma tuý ở bản Hiệp An, mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở bản Ăng (xã Thông Thụ). Trong 5 năm qua, tại địa bàn bản Hiệp An không xẩy ra vụ việc mất trật tự an ninh nào đáng kể, và ở bản Ăng người dân chấp hành nghiêm chính Pháp lệnh Dân số… Những mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn toàn xã.
 
Bà Vi Thị Lan - Phó Chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho biết: Đồn Biên phòng Thông Thụ đóng quân trên địa bàn xã được ví như “cánh tay đắc lực” của xã và là chỗ dựa của nhân dân, đồng bào nơi đây rất yên tâm, tin tưởng khi có lực lượng biên phòng đóng quân trên địa bàn. Thời gian qua, việc phối hợp giữa đồn và xã trong giúp nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế đã được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là việc triển khai xây dựng các mô hình điểm.
 
Là xã biên giới, giờ đây tỷ lệ hộ nghèo ở Thông Thụ hiện chỉ còn 37%, một con số hiếm thấy ở địa bàn vùng biên, và những cán bộ, chiến sỹ Đồn Thông Thụ đã góp sức lớn để làm nên đổi thay ấy!
 
Bài, ảnh: Hải Thượng