Phát biểu tại hội thảo về cơ hội, thách thức của Việt Nam khi trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới sau năm 2015, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu và lượng ôtô tại Việt Nam sẽ ngày một tăng. Kế hoạch đến năm 2020 là Việt Nam có khoảng 340.000 đến 400.000 xe, năm 2025 là 660.000-800.000 xe.
Tuyên bố trên của Thứ trưởng Bộ Công Thương về các dòng xe tập trung, song song với đề xuất biểu thuế suất được điều chỉnh, mở ra hy vọng về ôtô giá rẻ cho người dân.
Ông Cao Quốc Hưng cho biết thêm, bước đầu, Việt Nam đã hình thành được ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Xuất khẩu hàng năm của Việt Nam đạt trên 3 tỷ USD. Năm 2014, xuất khẩu phụ tùng Việt Nam đạt kim ngạch 3,4 tỷ đôla.
Định hướng thời gian tới là phát triển dòng xe con dung tích nhỏ, giá rẻ, phù hợp với xu thế chung.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, sau 20 năm phấn đấu, công nghiệp ôtô Việt Nam đã có một số thành tựu. Cụ thể, 45 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất, lắp ráp, 60 doanh nghiệp sản xuất khung, gầm, thùng xe, 210 đơn vị sản xuất linh phụ kiện, 12 doanh nghiệp FDI cũng tham gia sản xuất.
Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi tương đối thấp, chỉ đạt khoảng 10% so với mục tiêu khoảng 40%. Tỷ lệ nội địa hóa tại doanh nghiệp hiện nay dao động 7-10%, cao nhất là Thaco với mức 18%. Việt Nam cũng chỉ mới sản xuất được các phụ tùng đơn giản như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây...
Chiến lược phát triển sắp tới là tập trung vào dòng xe con phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam và xu hướng phát triển của thế giới. Các dòng xe này gồm xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít nhiên liệu, thân thiện với môi trường, có giá phù hợp.
Về công nghiệp phụ trợ, định hướng trong thời gian tới là tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài lớn trong sản xuất linh phụ kiện, tập trung vào mạnh các phụ tùng quan trọng, có hàm lượng chuyển động cao như hộp số, bộ chuyển động...
Theo Zing.vn