Điều đó cho thấy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang đạt nhiều kết quả.
Hàng Việt được ưa chuộng hơn
Ở thành phố Vinh, dễ dàng nhận thấy xu hướng người dân quay trở lại với việc dùng hàng Việt thay dùng hàng Trung Quốc, hàng Lào, Thái như trước đây. Khi mua bánh kẹo trái cây, quần áo, hàng Việt được ưa chuộng hơn nếu chất liệu tốt, giá cạnh tranh, có thương hiệu. Chị Trần Thị Ngọc ở thành phố Vinh cho biết: Mấy năm nay tôi không mua trái cây Trung Quốc nữa mà chọn mua những trái cây của Việt Nam như chuối, na, bưởi, cam..., quần áo tôi cũng thích hàng Việt Nam hơn vì an toàn với sức khỏe. Suy nghĩ của chị Ngọc cũng là suy nghĩ của nhiều người tiêu dùng Nghệ An khi ngày càng nhận ra hàng Việt có nhiều ưu điểm. Tại thành phố Vinh, nhiều thương hiệu Việt đã được chú ý, nhất là quần áo thời trang, thực phẩm, nông sản....
Ngay cả hàng Nghệ An, cũng có nhiều hàng hóa chất lượng tốt, được ưa chuộng như: Tinh bột nghệ Hoa Sơn, tương Nam Đàn, cam Vinh, nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu), miến dong Nam Đàn, lươn thành phẩm đã đi vào các hệ thống phân phối như: hệ thống siêu thị Vinmart, siêu thị Tứ Sơn An Giang, các nhà phân phối ở chợ Hàn (Đà Nẵng), hệ thống siêu thị Intimex.
Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, huyện miền núi Con Cuông của Nghệ An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa người dân tộc thiểu số.
Như tại vùng chợ Cây Đa (Môn Sơn, Con Cuông) nằm cách trung tâm thị trấn huyện hơn 20 km, có hàng chục ki ốt kinh doanh lớn nhỏ, nếu 3 năm trở về trước các mặt hàng phục vụ dân sinh bày bán, chủ yếu hàng Trung Quốc, hàng nhập ngoại vì giá vừa rẻ, vừa đẹp hợp với túi tiền của người dân miền núi thì nay hàng Việt đã phổ biến hơn, có nhãn mác đầy đủ.
Chị Đậu Thị Ngân, người bán hàng ở chợ Cây Đa (Môn Sơn, Con Cuông) nói: Giờ chúng tôi chủ yếu bán hàng Việt Nam vì bán hàng Trung Quốc người dân mua rất ít.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Con Cuông đã làm tốt công tác ngăn chặn, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lưu hành trên thị trường, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng. Việc tổ chức quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện tốt, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng. Huyện cũng phối hợp xây dựng điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông...
Tại các địa phương khác, hàng Việt cũng đã chiếm thị phần chủ yếu theo nhu cầu của người dân mong có hàng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Mẫu mã phong phú, đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao... đã đáp ứng được hầu hết nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng hình ảnh, thương hiệu cũng đã được các doanh nghiệp đầu tư, quan tâm hơn.
Cần chú trọng chất lượng cho hàng Việt
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyên kinh doanh hàng nhập ngoại chưa nhiều, tập trung là các sản phẩm mỹ phẩm, hàng gia dụng, điện máy “xách tay” từ các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nga... nhu cầu mua sắm hàng ngoại của người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới tập trung ở một số hộ dân có mức thu nhập cao trên địa bàn TP. Vinh.
Trong khi đó, dù hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định nhưng chưa bền vững. Hàng chất lượng cao đủ sức cạnh tranh chưa nhiều. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung cũng như trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng phần lớn vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn eo hẹp, khả năng cạnh tranh kém, sử dụng thiết bị lạc hậu, sản xuất, hàng hóa sản xuất công nghệ cao chưa có...
Nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển thị trường trong nước.
Năm 2017, đã có 9 phiên chợ hàng Việt tại các huyện miền núi: Thanh Chương, Đô Lương, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Tương Dương, Quỳ Hợp… Doanh thu bình quân mỗi phiên đạt khoảng 600-700 triệu đồng. Phiên chợ hàng Việt đã được sự đồng tình cao của nhân dân, vì thông qua đó người dân địa phương có cơ hội tiếp cận với những hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất có chất lượng với giá cả phù hợp. Sở đã chỉ đạo, kiểm tra, giám sát 22 hội chợ triển lãm trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã. Số lượng khách tham quan đến với một hội chợ trung bình khoảng 8-10 nghìn người. Thông qua hội chợ, hàng hóa Việt Nam đã được tuyên truyền rộng rãi tới mọi người dân trên địa bàn và khuyến khích nhân dân mua sắm hàng Việt.
Trên 70% hàng hóa tại siêu thị là hàng Việt
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt lưu thông trên thị trường, ngành đã chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, hàng Việt vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc. Tự bản thân doanh nghiệp phải chăm lo và mỗi sản phẩm phải khẳng định được chất lượng khi ra thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng cần phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ, đổi mới cách thức kinh doanh, thu hút người tiêu dùng.