(Baonghean) -Thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa theo quy mô công nghiệp tại Nghĩa Đàn, Công ty CP thực phẩm sữa TH và UBND huyện Nghĩa Đàn phối hợp thực hiện tái định cư (TĐC) cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án. Tuy nhiên, công tác TĐC triển khai còn chậm so với yêu cầu thực tế. Trước thực trạng đó, năm 2013, huyện Nghĩa Đàn xác định là năm trọng điểm đẩy nhanh tiến độ TĐC.

Đến nay có hơn 650 hộ dân ở 4 xóm Tân Lâm, Đông Lâm, Nghĩa Chính, Cuồn Đá thuộc xã Nghĩa Lâm và các xóm Sơn Hạ, Sơn Trung thuộc xã Nghĩa Sơn và làng Bé, xã Nghĩa Yên gần Cụm nằm gần các trại nuôi bò sữa của Dự án chăn nuôi bò sữa TH phải di dời. Do đó, ngay thời điểm triển khai xây dựng trang trại vào năm 2010, vấn đề TĐC đã được các bên đặt ra.

794294_small_95705.jpg

Qua 4 lần hút nước làm sạch, nước giếng của gia đình chị Nguyễn Thị Long bơm lên vẫn có màu vàng đục.

Tuy nhiên đến thời điểm này, các hộ dân thuộc diện di dân TĐC nói trên vẫn trong tình trạng chờ đợi. Chúng tôi trực tiếp đến xóm Tân Lâm - 1 trong 4 xóm của xã Nghĩa Lâm phải di chuyển. Các hộ dân đều có mong muốn được chuyển đến điểm TĐC, vì nơi ở hiện tại chịu tác động của các trại bò, nhất là bị ô nhiễm nguồn nước và không khí. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Long, xóm Tân Lâm, ở gần bờ rào trại chăn nuôi bò, hiện giếng nước sinh hoạt của gia đình bị ô nhiễm. Hàng ngày, gia đình chị phải đi xin nước của các gia đình khác về sinh hoạt. Khi chúng tôi đến, chị Long đang dùng máy hút nước làm sạch giếng. “Gia đình tôi đã hút nước 4 lượt nhưng nước ngầm mới vẫn bị ô nhiễm” - chị Long cho biết.

Ông Trần Hồng Lý - Xóm trưởng cho biết: Cả xóm có 14 hộ ở gần trại bò, nước giếng không sử dụng được. Qua phản ánh, Công ty CP Thực phẩm sữa TH đã hỗ trợ 2,7 triệu đồng cho một số hộ mua bình chứa nước và một số hộ khác được hỗ trợ 500 ngàn đồng; thuốc khử làm sạch nước giếng thì công ty hỗ trợ toàn bộ cho các hộ có nhu cầu sử dụng. Hiện nay, nhiều gia đình ở xóm Tân Lâm chỉ sử dụng nước giếng để tắm, giặt, còn nấu nướng phải đi mua nước sạch về dùng. Một hiện tượng khác mà người dân phản ánh là tình trạng ruồi xuất hiện nhiều. Ông Nguyễn Cảnh Nhâm, xóm Tân Lâm cho biết: “Thời gian qua ruồi xuất hiện nhiều, phía công ty có hỗ trợ 200 ngàn đồng để tôi mua thuốc diệt ruồi”.

Chính vì cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng như vậy, nên theo ông Trần Hồng Lý – xóm trưởng cho biết: “Cả xóm có 60 hộ đều mong muốn được di chuyển đến khu TĐC, chỉ mong trong quá trình thực hiện, giá đền bù vừa đúng với quy định của Nhà nước, vừa thoả đáng cho nhân dân. Chủ đầu tư cũng phải thực hiện đúng cam kết ban đầu với nhân dân tại khu TĐC, làm sao tạo điều kiện cho bà con nâng cao mức sống”. Qua trao đổi với lãnh đạo xã Nghĩa Lâm, bà Nguyễn Thị Thanh Vinh – Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn bộ số hộ dân đã thống nhất chuyển đi TĐC. Bà con nêu ý kiến cần nhanh chóng triển khai chương trình TĐC để đời sống sớm an cư lập nghiệp, ổn định tư tưởng xây dựng cuộc sống”.

Trước thực trạng trên, qua tìm hiểu của chúng tôi, UBND huyện Nghĩa Đàn đã chỉ đạo Phòng TN-MT  tiến hành khảo sát đất đai để xây dựng khu TĐC. Và sau khi tham khảo ý kiến của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, lãnh đạo và nhân dân thuộc diện TĐC 3 xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn và Nghĩa Yên, Công ty CP Thực phẩm sữa TH đã lựa chọn được 2 vị trí tại xóm Yên Khang, xã Nghĩa Lâm và xóm Sơn Bắc, xã Nghĩa Sơn. Bên cạnh đó, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Nghĩa Đàn cũng đã hoàn thành kiểm đếm về đất đai, nhà cửa, kiến trúc của gần 350 hộ dân phải di dời tại 4 xóm của xã Nghĩa Lâm. Tuy nhiên, việc áp giá đền bù đang phải chờ chủ trương nên chưa tiến hành chi trả tiền đền bù cho các hộ dân.

Vừa qua, chủ đầu tư đã thống nhất sẽ thực hiện quy hoạch và xây dựng nhà cho những hộ có nhu cầu ở tập trung và quy hoạch chỗ ở cho những gia đình tự xây dựng. Bên cạnh đó, họ cũng đầu tư làm hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm y tế… Cũng theo ông An, cho đến nay, chủ đầu tư đang chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết khu TĐC. Riêng việc làm nhà mẫu, công ty cũng mới chỉ lấy ý kiến nhân dân 4 xóm ở xã Nghĩa Lâm lần thứ nhất năm 2010.

Như vậy, trên thực tế tiến độ thực hiện công tác di dân TĐC đang chậm ở nhiều hạng mục, đặc biệt ở khâu quy hoạch và xây dựng địa điểm TĐC. Vừa qua, vào ngày 25/3, UBND huyện Nghĩa Đàn đã có văn bản gửi đề nghị lãnh đạo Ngân hàng TMCP Bắc Á và Công ty CP Thực phẩm sữa TH khẩn trương hoàn thành việc quy hoạch chi tiết xây dựng khu TĐC trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và xây dựng nhà mẫu để lấy ý kiến của các hộ dân, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC và thực hiện chi trả bồi thường cho các hộ dân.

Ông Vi Văn Định - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Vấn đề TĐC được đặt ra ngay khi dự án của Công ty CP Thực phẩm sữa TH đầu tư vào địa bàn huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy và nhà đầu tư họp và xác định đây là vấn đề hết sức cấp bách, nhà đầu tư, tỉnh và chính quyền địa phương tập trung giải quyết càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện thực hiện cần một khối lượng kinh phí rất lớn, huyện đề xuất nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC, sau đó tập trung đưa những hộ ở sát với bờ rào khu trang trại cho di dời trước, tiếp theo mới thực hiện dần để hoàn thành công tác TĐC.


Bài, ảnh: Phước Anh