(Baonghean) - Năm 1930 - 1931, khi Đảng ta mới ra đời, những người Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh, làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh long trời chuyển đất. Trong số những người Cộng sản đã tích cực vận động bà con trong dòng họ, lấy nhà thờ họ của mình làm cơ sở hoạt động cho cách mạng có đồng chí Hoàng Văn Tâm quê ở làng Vạn Lộc thuộc Thị xã Cửa Lò.   
 
Sinh năm 1910, Hoàng Văn Tâm được kế thừa những truyền thống, đạo đức tốt đẹp của dòng họ và cha mẹ. Từ năm 1925, Hoàng Văn Tâm thường bí mật gặp gỡ với những người yêu nước, có tinh thần kháng Pháp như cụ Lê Huân, Trần Phú, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Phan Đăng Lưu.v.v. Năm 1927, hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được xúc tiến mạnh mẽ, vừa có chiều rộng lẫn chiều sâu. Để tuyên truyền đường lối và huấn luyện lớp thanh niên Nghệ An hoạt động theo con đường cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn đồng chí Trần Văn Cung (quê Nghi Lộc) đã mở lớp tuyên truyền cách mạng tại Cổng Chốt (Vinh). Hoàng Văn Tâm, Nguyễn Côn (huyện Thanh Chương), Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Nhuận, Siêu Hải cùng nhiều thanh niên các huyện đã tham dự lớp học. Sau khóa học, anh đã trở thành một cán bộ nòng cốt của Hội Thanh niên.
 
Để che mắt kẻ địch, Hoàng Văn Tâm đã xin phép các bậc cha chú trong họ mở lớp học tại Nhà thờ họ Hoàng Văn. Bề ngoài Nhà thờ họ được ngụy trang như một lớp học của trường làng, nhưng thực chất bên trong là nơi liên lạc, hội họp bí mật và tuyên truyền cách mạng. Những người được Hoàng Văn Tâm giác ngộ, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tích cực tham gia trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
 
Sau cuộc đấu tranh ngày 12/9/1930 của nhân dân phủ Hưng Nguyên và huyện Nam Đàn, kẻ địch đã mở cuộc khủng bố đàn áp đẫm máu. Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An chỉ thị cho các huyện Đảng bộ phát động nhân dân đấu tranh, ủng hộ đồng bào những nơi bị nạn. Với cương vị là Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, ngày 28/9/1930, Hoàng Văn Tâm đã triệu tập Ban Chấp hành Huyện ủy họp tại Nhà thờ họ Hoàng Văn, phát động quần chúng đấu tranh. Cuối tháng 9/1930, để bảo vệ cán bộ, Tỉnh ủy Nghệ An điều Hoàng Văn Tâm lên phụ trách công tác tuyên truyền của Tỉnh ủy.
 
Ngày 1/2/1931, Tự vệ Đỏ và nhân dân huyện Nghi Lộc đấu tranh đã giết chết tên tri huyện Tôn Thất Hoàn và 5 tên lính khác tại Cây đa Chính Vị, quẳng xác xuống sông Lam. Sau đó, thực dân Pháp đã huy động binh lính ở các nơi kéo về đốt cháy cả làng Song Lộc, bắt bớ, bắn giết, tàn phá các cơ sở cách mạng. Trước tình thế đó, Xứ ủy Trung kỳ quyết định điều Hoàng Văn Tâm về Nghi Lộc để tăng cường lãnh đạo, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định tinh thần, tiếp tục đấu tranh.
 
Ngày 26/6/1931, Hoàng Văn Tâm chủ trì cuộc họp Ban chấp hành Huyện ủy Nghi Lộc tại xã Nghi Thạch, một cơ sở do anh xây dựng trước đây. Vì có kẻ phản bội chỉ điểm, cơ sở bị hàng trăm lính đóng ở các đồn kéo đến bao vây. Biết khó trốn thoát, Hoàng Văn Tâm bình tĩnh đánh lạc hướng, thu hút lính về phía mình để các đồng chí thoát vòng vây.
 
Bị bắt, Hoàng Văn Tâm chịu đủ cực hình trong các nhà tù, từ Nghi Lộc đến Nhà lao Vinh. Nhưng anh luôn lạc quan, tin tưởng, đoàn kết, dạy cho anh em đồng chí học văn hóa. Tinh thần, nghị lực và lòng dũng cảm, hăng hái đấu tranh, chất thép của người Cộng sản trong Hoàng Văn Tâm là một tấm gương sáng ngời cho anh em, đồng chí bị giam cầm tại Nhà lao Vinh noi gương, học tập.
 
Không lấy được một lời khai nào ở người chiến sỹ Cộng sản kiên cường bất khuất ấy, ngày 20/6/1932, thực dân Pháp đã kết án tử hình đồng chí Hoàng Văn Tâm để uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh. Hoàng Văn Tâm hy sinh khi mới tròn 22 tuổi.
 
Ghi nhớ công ơn của liệt sỹ Hoàng Văn Tâm và sự đóng góp to lớn của Nhà thờ họ Hoàng Văn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, ngày 19/10/1993, Nhà thờ Họ Hoàng Văn, nơi thờ phụng liệt sỹ Hoàng Văn Tâm đã được Bộ Văn hóa- Thông tin cấp bằng là Di tích lịch sử - Văn hóa Quốc gia.


Trương Quế Phương