(Baonghean.vn) Từ thế kỷ XV, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi kéo quân vào Nghệ An chọn núi Thiên Nhẫn xây thành Lục Niên làm đại bản doanh, mở đầu cho những thắng lợi mới. Tại đây, nhiều trai tráng xứ Nghệ gia nhập nghĩa quân và trở thành những vị tướng có tài, được ghi danh sử sách...
Từ trận Bồ Đằng,miền Trà Lân đến thành Lục Niên
Tháng 9 năm Giáp Thân (1424), nghĩa quân Lam Sơn mở đường tiến vào Nghệ An. Chính "trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật" (nay thuộc xã Châu Nga - Quỳ Châu) là "bàn đạp" để nghĩa quân tiếp tục theo con đường "thượng đạo" tiến vào Trà Lân. Trên đường nghĩa quân đi qua, ngày nay còn lại nhiều dấu tích như Bãi Tập, Bãi Dinh ở Tam Hợp (Quỳ Hợp), mả Voi Lê Lợi cùng miếu thờ voi và quản tượng ở Nghĩa Tiến (Nghĩa Đàn).
Thành Trà Lân được quân Minh xây dựng trên một ngọn núi cao 168m ở bờ phía bắc sông Lam có tên là Pù Thành hay Pù Đồn nay thuộc xã Bồng Khê, Con Cuông. Với chiến thắng "miền Trà Lân trúc chẻ tro bay", nghĩa quân giải phóng được một địa bàn núi rừng rộng lớn. Rồi chiến thắng Khả Lưu, Bồ Ải đã khai thông con đường tiến xuống vùng đồng bằng Nghệ An, mở ra một triển vọng mới cho bộ tham mưu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược: xây dựng Nghệ An thành "đất đứng chân" cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn đất nước.
Phát huy những thắng lợi liên tiếp, nghĩa quân tiến lên giải phóng toàn bộ phủ Nghệ An. Lê Lợi chọn núi Thiên Nhẫn để xây dựng thành Lục Niên làm đại bản doanh của nghĩa quân Lam Sơn. Lục Niên được xây theo lối ghép đá, dài hơn 10 dặm, nằm trong vùng đất bằng phẳng, rộng khoảng vài ha. Trong thành, Lê Lợi xây dựng hành cung, doanh trại, có mấy ngàn quân canh giữ trong ngoài. Căn cứ Thiên Nhẫn nối liền với căn cứ Đỗ Gia ở phía Nam, với Ải Lương Trường (nơi chứa lương thực) và thành Bình Ngô ở phía Bắc và một số tiền đồn ở phía Tây trên con đường vào Nam. Từ thành này, nghĩa quân có thể bao quát một vùng rộng lớn của lưu vực sông Lam, sông La, có thể theo dõi các hoạt động của quân Minh trong thành Nghệ An và khống chế cả một vùng đồng bằng Nghệ An lúc đó.
Thành Lục Niên còn gọi là Lục Hoa nằm trên núi Động Chủ (xã Nam Kim) được nghĩa quân Lam Sơn của Bình định Vương Lê Lợi xây đắp nên vào những năm 1424 - 1425. Đi lên Thành Lục Niên phải qua Truông Thành dốc và cao, hai bên thành có hai dòng suối nước trong hợp lại chảy theo đường đá rồi đổ dồn xuống một hẻm sâu. Dòng nước từ độ cao chừng 20m đổ xuống tung bọt trắng xóa, từ xa nhìn lại trông giống như tấm vải trắng nên người ta gọi là thác Bộc Bố (nay là thác Hồ Thành). Với vẻ đẹp của cảnh quan cộng với ý nghĩa đặc biệt, năm 1962, thành Lục Niên đã được Nhà nước xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Thiên hạ thái bình, lên làm vua, Lê Lợi gọi Nghệ An là "thắng địa" và binh lính ở Nghệ An là "thắng binh". Ơn trả nghĩa đền, đối với những người, những làng có công, vua đều ban tước, lộc như: Trương Hán được truy phong là Khả Lam quốc công; vùng đất Kẻ Trằng ở Tân Kỳ nay thuộc Anh Sơn được ban cái tên là Tiên Kỳ (làng có công trong buổi đầu). Các tướng lĩnh như Nguyễn Bá Lai, Hồ Hữu Nhân, Hồ Hân, Nguyễn Vĩnh Lộc đều có đền thờ tại quê hương nay đã được xếp hạng. Tuy nhiên, tiêu biểu nhất thời kỳ này có Phan Đà (đền thờ Bạch Mã ở Thanh Chương) và Nguyễn Xí (đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí ở Nghi Lộc).
Di tích núi Lam Thành
Núi Lam Thành có tên gọi từ thời quân Minh xâm chiếm nước ta. Núi nằm sát bên dòng sông Lam, trên núi tướng Trương Phụ nhà Minh cho xây thành nên gọi là núi Lam Thành. Di tích núi Lam Thành nằm ở cuối xã Hưng Phú, đầu xã Hưng Lam huyện Hưng Nguyên. Không những là một danh thắng nổi tiếng của Nghệ An, Lam Thành còn là một di tích có giá trị về lịch sử thời Lê Lợi.
Núi Lam Thành sừng sững giữa vùng đồng bằng trù phú rộng lớn thuộc đất Phú Điền, Nghĩa Liệt xưa, nơi một thời nổi tiếng là lỵ sở sầm uất của phủ Nghệ An ở thời Lê. Bao quanh núi là những dãy núi kỳ vĩ và nổi tiếng như Đại Hải ở phía Bắc. Hồng Lĩnh ở phía Nam, Thiên Nhẫn ở phía Tây. Sát với chân núi phía Nam là ngã ba sông, nơi hợp lưu của 3 con sông lớn: Ngàn Sâu, Ngàn Phố và Lam Giang. Thế núi, hình sông đã tạo cho Lam Thành nên thơ và hùng vĩ hơn. Từ núi Lam Thành nhìn về Đông Bắc là Thành phố Đỏ hùng tráng và oanh liệt một thời. Đứng ở kỳ đài (chân cột cờ) nhìn về phía Đông xa xa là Đảo Ngư, Đảo Mắt sừng sững giữa biển trời mênh mông. Bao quanh núi Lam Thành là những cánh đồng màu mỡ thẳng cánh cò bay với những xóm làng trù phú nổi tiếng từ xưa: Phú Điền, Triều Khẩu, Nghĩa Liệt.
Tất cả đang hoà quyện, đan xen để tạo nên một Lam Thành như bức tranh thuỷ mạc, hữu tình. Cảnh đẹp đó đã là đề tài cho những áng thơ văn bất hủ ra đời. Năm 1470, vị vua tài hoa Lê Thánh Tông đã đến vãn cảnh núi Lam Thành và có bài vịnh "Nghĩ lại An Thành": "...Hồng Đức cuối Đông đầu tháng Chạp. Cờ treo tạm nghỉ Nghệ An Thành. Đan Nhai cửa bể triều dâng lạnh. Tuyên Nghĩa đầu non bóng xế quanh...".
Núi Lam Thành hiện nay còn lại các dấu tích: Thành nhà Minh xây dựng vào thế kỷ XV, hiện nay chỉ còn lại vết tích phía Đông và phía Tây. Thành phía Nam bị phá hoàn toàn, không còn dấu tích để lại. Xung quanh các vùng lân cận đã xây dựng nhiều đền, miếu, chùa để thờ những người anh hùng nghĩa liệt đã có công với dân, với nước như: đền An Quốc, đền Thanh Liệt, đền Vua Lê, đền Tuyên Nghĩa... Hàng năm, tại các đền dưới chân núi Lam Thành diễn ra nhiều lễ hội với nhiều hoạt động văn hoá sôi nổi mang đậm bản sắc dân tộc như đua thuyền, đánh đu, chọi gà, đánh vật, kéo co, cờ thẻ, cờ người, hát dân ca...
Đền Vua Lê
Ông Phan Văn Hùng - Phó Ban Quản lý DT và DT tỉnh: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 15 di tích liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn. Thời gian qua, Ban đã tiến hành kiểm tra, khảo sát và tham mưu đề nghị xếp hạng 9 di tích (trong đó có 8 di tích cấp quốc gia và 1 di tích cấp tỉnh); 6 di tích đã được đầu tư, tôn tạo. Đặc biệt, Dự án đền Vua Lê đang được khẩn trương triển khai tôn tạo lại. Dự kiến kinh phí dành cho dự án khoảng trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra, nhờ làm tốt công tác XHH, nhiều di tích thời kỳ này cũng được đầu tư như: Nguyễn Bá Lai, Hồ Hữu Nhân, Nguyễn Vĩnh Lộc... Tiêu biểu nhất là đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí được nhân dân, dòng họ đóng góp hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo. Ngoài ra, Hội đồng hương họ Lê trên đất Nghệ An còn thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn nhằm ghi nhớ công lao, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu.
Để ghi nhớ công lao to lớn của Lê Lợi, nhân dân khắp nơi trong cả nước đã lập đền thờ. Riêng Nghệ An có đền thờ ông ở vùng Triều Khẩu, gần chân núi Lam Thành thuộc địa phận làng Lộc Điền, tổng Văn Viên, nay là xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên. Đền hướng Nam, trước mặt là đê 42, đứng trên đê phóng tầm mắt xung quanh ta thấy phía trước đền là dòng sông Lam uốn khúc, thuyền bè qua lại ngược xuôi tấp nập.
Giá trị điêu khắc kiến trúc ở di tích tập trung chủ yếu thể hiện ở các vì kèo, đầu bảy, trên đường xà và đặc biệt tập trung ở các hiện vật còn lưu giữ như: hương án, long ngai bài vị và đặc biệt ở phần ngói mũi hài lợp Đền, tảng kê chân cột đục nổi hình hoa cúc, tượng Lê Khôi có niên đại thời Lê là tác phẩm nghệ thuật đặc sắc vô giá. Bộ VHTT đã công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia (Quyết định số 423/QĐ-VH ngày 20/02/1997).
Đền Vua Lê không chỉ thờ Lê Lợi mà còn thờ tướng Lê Khôi - cháu ruột Lê Lợi và Trịnh ý Nguyên Phi - vợ Lê Lợi. Do chiến tranh và thiên tai nên các di tích trong vùng Triều Khẩu bị tàn phá rất nhiều. Bởi vậy, nhân dân trong vùng Triều Khẩu rước long ngai bài vị hợp tế tại đền Vua Lê. Lễ hội đền Vua Lê mang ý nghĩa lịch sử thờ 3 vua nhà Lê: Vua Lê Thái Tổ - Lê Thái Tông - Lê Thánh Tông. Hàng năm, thường vào ngày giỗ chính của Vua Lê Thái Tổ 22/8 âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức Lễ hội. Ngoài các vật phẩm như hương đăng trà quả lễ vật dâng lên đức Vua, nhân dân còn tổ chức các hình thức sinh hoạt văn hóa như những trò diễn hát phường vải, đua thuyền, rước sắc, diễn cảnh lại tinh thần, chiến thắng của nghĩa quân Lê Lợi và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ thứ XIV - XV. Những ngày rằm, mồng một, hay tết đến xuân về, nhân dân trong vùng hương khói và dâng lễ vật tại Đền để tỏ lòng biết ơn công lao của vua Lê và nghĩa quân một thời tạo lập, xây dựng xóm làng ổn định, cuộc sống cho nhân dân.
Đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí (1397 - 1465)
Nguyễn Xí là một vị tướng nổi tiếng của nghĩa quân Lam Sơn, là bậc khai quốc công thần của nhà Lê. Trải qua bốn triều Vua Lê, cuộc đời làm quan của ông gặp biết bao chìm nổi. Tháng 3 năm Ất Dậu (1465), ông lâm bệnh nặng và qua đời. Vua Lê Thánh Tông đã phong sắc thần cho ông là "Hồng ân đại vương, thượng đẳng phúc thần, hiển uy chính nghị oanh liệt trung trinh đại vương". Năm 1802, sau khi lên ngôi vua mở đầu triều Nguyễn, vua Gia Long đã sắc phong thần cho Nguyễn Xí cao hơn sắc phong thần của Vua Lê Thánh Tông là "Thượng thượng đẳng tôn thần" và ban chiếu cho người hàng ngày chăm lo hương khói, quét dọn đền.
Đền thờ Thái sư cương quốc công Nguyễn Xí đặt ở quê hương ông, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc. Ngôi đền được xây dựng từ năm 1900. Dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngôi đền vẫn giữ nét uy nghi, cổ kính. Trước đây, khu đền rộng bao gồm có cả một khu vực cây vây mọc xung quanh, tới mức có lần hổ lạc rừng vào trú ngụ. Hiện tại thì diện tích của khu di tích khoảng 1,6ha. Hướng chính của di tích là hướng Nam. Phía sau là một quần thể núi non gồm núi Mão, núi Gươm, núi Cồn Thông, núi Voi làm điểm tựa, trông thật hùng vĩ và khoáng đạt. Riêng núi Cờ nằm phía Đông, xưa có tượng đá thần đồng, cũng góp phần tăng thêm vẻ hùng vĩ. Có 2 cách gọi tên khu di tích: Theo Hán ngữ là Cương Quốc Công Từ (Đền thờ Cương Quốc Công). Gọi theo tiếng Hán Nôm là Đền Nguyễn Xí, dân gian còn quen gọi là đền thờ họ Nguyễn Đình. Đền gồm 3 gian: Bái đường, trung điện và thượng điện. Kết cấu mái lợp ngói vẩy, cột đền được chạm trổ hoa văn công phu và tinh xảo. Trong đền còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật quý như bức hoành phi sơn son thiếp vàng của thời Lê để lại 4 chữ "Vạn cố huân danh" (công danh vẻ vang một thuở). Trong đền còn lưu lại lời chế của Vua Lê Thánh Tông về tài đức của Nguyễn Xí. Đền được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ năm 1990.
Hàng năm, tại đền thờ Nguyễn Xí tổ chức giỗ 6 lần. Có những giỗ lớn như vào ngày 27 tháng 8 âm lịch giỗ Thái Phó Nghiêm quận công Nguyễn Biện (anh trai Nguyễn Xí) đã cùng Lê Lai hy sinh liều mình cứu chúa trong khởi nghĩa Lam Sơn. Ngày 30 tháng 10 âm lịch giỗ Nguyễn Xí, Lễ hội đền Nguyễn Xí là một lễ hội dòng họ gắn với quần thể di tích.
Đền Bạch Mã
Năm 1424, khi nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo tiến vào Nghệ An lập đại bản doanh, Phan Đà, một thanh niên địa phương dũng cảm đã cùng đội quân của mình nhập vào nghĩa quân Lam Sơn và lập nhiều chiến công lớn trong những trận đánh chống quân Minh xâm lược. Tương truyền, lúc ra trận, Phan Đà thường cưỡi ngựa trắng. Ông bị giặc Minh giết hại năm 18 tuổi, mộ táng tại Thanh Long. Khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, bình công ban thưởng, Vua Lê Thái Tổ đã cấp tiền của và cho người xây dựng đền thờ ông và sắc phong là: "Đô thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần". Năm Minh Mệnh thứ 20 Kỷ Hợi (1839), đền được xếp thứ 3 trong 4 đền của Nghệ An được cả nước tế tự. Ngày 24/3/1994, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có Quyết định số 226/QĐ-BVH xếp hạng đền Bạch Mã là Di tích Lịch sử văn hoá kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Lễ tế tại đền Bạch Mã đứng vào hàng "Quốc tế". Trước đây, lễ tế tại đền Bạch Mã được tổ chức hai lần trong năm: Lễ tế điển (Quốc tế) được tổ chức vào tháng 2 và lễ tế hiệp (tế bách thần trong vùng) vào tháng 3 âm lịch.
Lễ hội Đền Bạch Mã
Đề
Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm: nhà vàng, nhà bạc, bộ lục lạc bằng đồng (38 cái), tượng chim Phượng sơn son thiếp vàng... Từ xa xưa, các lễ tế tại đền Bạch Mã luôn được tổ chức chu đáo nghiêm túc với nhiều sinh hoạt phong phú: Lễ tế thần, lễ rước bài vị từ quê ngoại của tướng quân Phan Đà về đền, các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, vật cù, đua thuyền... Dân gian có câu "Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng" là để nói về vẻ đẹp, tính linh thiêng và sự bề thế của 4 ngôi đền bậc nhất xứ Nghệ.
Từ năm 2001, được sự nhất trí của UBND tỉnh Nghệ An, Sở VH - TT, UBND huyện Thanh Chương đã phối hợp với UBND xã Võ Liệt hằng năm tổ chức lễ hội thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia. Từ năm 2007 đến nay, Lễ hội Đền Bạch Mã được tổ chức ổn định vào hai ngày 9 và 10 tháng 2 âm lịch hàng năm.