(Baonghean.vn). Đây là thời kỳ các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý... lên ngôi cầm quyền xây dựng đất nước. Tuy nhiên, do thời Ngô, Đinh không có những hoạt động nổi bật trên đất Nghệ An nên chúng tôi chỉ đề cập tới những di tích thời Tiền Lê, Lý và Trần, Hồ.
Thời Tiền Lê (980 - 1009)
Lê Hoàn lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thiên Phúc. Di tích tiêu biếu của thời kỳ này và nay vẫn còn hiện hữu đó là Kênh Nhà Lê. Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: "Quý Mùi (Thiên Phúc) năm thứ 4 (983). Khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mệt mỏi, đường biển thì sóng to, bèn sai người đào kênh. Đến đây làm xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện".
Như vậy, mục đích xây dựng hệ thống kênh đào nhà Lê là nối thông các con sông tự nhiên thành một hệ thống giao thông đường thủy thông suốt. Ở Nghệ An, các con kênh đào này, từ Quỳnh Lưu phía Bắc đến sông Lam ở phía Nam, hệ thống sông ngòi đã được nối liền thành tuyến. Theo mạng lưới này, thuyền bè có thể từ các bến cảng như: Cửa Cờn, Cửa Quèn, Cửa Thơi, Cửa Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội... đến tất cả các vùng đồng bằng Diễn - Yên - Quỳnh và Nam - Hưng - Nghi giao thương buôn bán, lại có thể đi thông ra Thanh Hóa, đến Kinh đô Hoa Lư, ra Bắc hay từ đó xuôi thuyền vào tận Đèo Ngang. Từ Thời Nhà Lê cho đến các triều đại kế tiếp, hệ thống đường thủy này được sử dụng liên tục để vận binh, chuyển lương trong các cuộc viễn chinh bình định phía Nam, dẹp ngoại xâm phương Bắc góp phần xây dựng giang san ngày càng hưng thịnh. Trong quá trình tồn tại, Kênh Nhà Lê đã trở thành con đường huyết mạch về thủy lợi, giao thông trong thời bình cũng như thời chiến. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Kênh Nhà Lê là tuyến đường thủy huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.
Di tích Kênh Nhà Lê.
Với chiều dài trên 500 km, Kênh đào Nhà Lê được nạo vét bắt đầu từ huyện Yên Mô, Ninh Bình xuyên qua Thanh Hoá, Nghệ An đến huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Sau ngày thống nhất, Kênh Nhà Lê lại trở thành đường thuỷ vận chuyển hàng hoá và giao thương qua lại của nhân dân giữa huyện này với huyện khác.
Thời Lý (1010 - 1225) và danh xưng Nghệ An 1030
Tiếp sau thời Tiền Lê là thời nhà Lý. Lúc này Lý Công Uẩn lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Thuận Thiên, dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên là Thăng Long. Năm 1024 nhà Lý lập trại Định Phiên ở biên giới Châu Hoan (thuộc Kỳ Anh ngày nay) và cho quản giáp Lý Thai Giai làm chủ trại. Năm Thiên Thành thứ 3 (1030) đổi Hoan Châu là Nghệ An, tên Nghệ An có từ đó. Năm Thông Thụy thứ 3 (1036) đặt hành dinh ở châu Nghệ An, Càn Phù Hữu Đạo năm thứ 3 (1041) cử Uy Minh Vương Lý Nhật Quang vào làm Tri châu ở Nghệ An.
Uy Minh Vương Lý Nhật Quang qua đời ngày 17/8 năm Đinh Dậu (1057) trong niềm thương tiếc vô hạn của nhân dân xứ Nghệ, nhân dân cả nước. Để tưởng nhớ công lao vị danh tướng, lương thần kiệt xuất, nhân dân xã Bạch Đường và nhân dân cả nước đã lập nhiều đền thờ ông. Hiện nay trên đất Nghệ An có khoảng 50 làng lập đền thờ Lý Nhật Quang làm thành hoàng làng, nhưng đền chính và là đền lớn nhất ở núi Quả - châu lỵ Nghệ An thời đó (nay thuộc địa phận 3 xã Bồi Sơn, Lam Sơn và Ngọc Sơn huyện Đô Lương).
Đền Quả Sơn được xếp hàng thứ hai trong bốn ngôi đền nổi tiếng của xứ Trung Kỳ (nhất Cờn, nhì Quả). Phía trước đền là con sông Lam uốn lượn mềm mại, thuyền bè đi lại ngược xuôi, bên kia sông là bãi dâu ngút ngàn xanh tốt. Phía sau đền là ngọn Quả Sơn giống như một mâm quả nhô lên giữa ruộng đồng và làng mạc yên vui. Nguyên xưa, đền được xây dựng dưới chân núi Quả gồm các công trình lớn: Tam quan, nhà canh, lầu ca vũ, nhà Tả vu... Toàn bộ sân và đường đi trong đền đều được lát gạch Bát Tràng. Đường từ cổng đền xuống sông Lam được kè đá và lát gạch Bát Tràng xuống tận mép nước gọi là bến đền. Dọc đường phía ngoài đền và bến đền là rặng thông cao vút và những cây cổ thụ xòe tán toả bóng râm mát cho đền. Tồn tại gần 1.000 năm, đền Quả Sơn được trùng tu nhiều lần. Sau mỗi lần trùng tu ngôi đền thêm uy nghi và thâm nghiêm.
Lễ hội Đền Quả Sơn tưởng nhớ công ơn Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Để
Di tích thời nhà Trần
Năm 1226, Trần Cảnh lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Kiến Trung, mở đầu vương triều nhà Trần. Năm 1242, nhà Trần chia cả nước thành 12 lộ, Nghệ An là 1 lộ. Năm 1256 lại gọi Nghệ An là trại.
Nhà Trần vang dội với 3 lần chiến thắng quân Nguyên Mông - kẻ xâm lược mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Trong 3 lần chiến thắng đó, nhiều lương thực, tiền bạc của nhân dân Nghệ An đã được huy động, nhiều trai tráng Nghệ An đã tham gia binh lính. Nổi lên trong số trai tráng đó là Hoàng Tá Thốn, người làng Vạn Phần, nay là xã Diễn Vạn (Diễn Châu).
Ông là người chỉ huy đánh thắng quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Được Vua Trần Nhân Tông ban phúc thần, sau khi ông mất triều đình sai địa phương lập đền thờ, tặng ông là "Sát Hải Chàng Lại Đại tướng quân, Thiên bồng nguyên soái chi thần". Ghi nhớ công lao của ông, cả nước nói chung, Yên Thành nói riêng và nhiều làng xã suy tôn Hoàng Tá Thốn là Thành Hoàng của làng và lập đền thờ phụng. Nghệ An có 3 ngôi đền thờ ông được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa (Vạn Phần, Vạn Tràng, Đền Đức Hoàng). Các làng ở ven biển, ở cửa sông lạch có đền thờ ngài Hoàng Tá Thốn. Không chỉ Nghệ An quê hương ông, mà nhân dân ven biển các tỉnh như Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh... đều lập đền thờ ông.
Hàng năm đến ngày 28/1 đến 2/2 âm lịch, UBND huyện Yên Thành cùng xã Phúc Thành tổ chức trọng thể Lễ hội Đền Đức Hoàng. Và đến ngày 16/6 âm lịch hàng năm, con cháu họ Hoàng khắp nơi trong tỉnh hội tụ về làng Vạn Tràng xã Long Thành để dự đại lễ giỗ tổ, nơi mà trước đây con thủy tổ Hoàng Tá Thốn về chiêu dân khai đất lập điền trang. Làng kẻ Gám xưa có đình Chợ Gám văn cúng tế ngài Hoàng Sát Hải vào lễ kỳ phúc, ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm...
Thời này, còn có di tích lịch sử văn hóa đền Cờn (tức cửa Cờn, xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu) - một trong những ngôi đền cổ linh thiêng có tiếng bậc nhất xứ Nghệ "nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng". Đền Cờn gồm có đền trong và đền ngoài. Đền trong được lập nên để thờ Tứ Vị Thánh Nương là Dương Thái Hậu, Hoàng hậu và hai công chúa nhà Nam Tống. Đền tọa lạc trên Gò Diệc, bên bờ sông Mai, nhìn về hướng Đông Bắc. Đền Cờn xây dựng từ thời Trần, được vua Trần Anh Tông trên đường đi đánh giặc phương Nam đến thắp hương.
Do Tứ Vị Thánh Nương hiển linh phù trợ đánh thắng giặc nên nhà vua đã ban cấp tiền bạc xây dựng đền bề thế, uy nghiêm, trở thành trung tâm tín ngưỡng của cư dân vùng biển. Lễ hội đền Cờn trước đây tổ chức từ 15 tháng Chạp đến hết tháng Giêng âm lịch hàng năm. Nay, lễ hội Đền Cờn được tổ chức trong hai ngày 20 - 21/01 (Âm lịch) hàng năm. Nét độc đáo của lễ hội là tục "Chạy ói" mang đậm văn hóa vùng biển cùng nhiều trò chơi dân gian, văn nghệ, thể thao nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một vùng sông nước. Từ bến đền Trong du khách xuống thuyền theo sông tiến ra Cửa Tráp, men theo bờ biển cũng đến được đền Ngoài hoặc lên đò dọc xuôi Mai Giang 8 km là tới Quyền Môn - một cửa biển không kém phần hấp dẫn; hay ngược lên phía Tây 5 km thăm đền Quả Sơn nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.
Một di tích tiêu biểu nữa ở thời Trần đó là bia Ma Nhai. Theo sử sách thì năm 1335, ở phía Tây Nam Nghệ An luôn luôn bị bọn nghịch đảng bên ngoài quấy phá, cướp đất. Triều đình cử Nguyễn Trung Ngạn - một tể tướng văn, võ song toàn có tài thao lược vào làm Đốc phủ sứ, để lo toan việc dẹp loạn. Với chiến công này, Thượng hoàng Trần Minh Tông xuống chiếu lui quân, rồi sai Nguyễn Trung Ngạn ghi lại chiến công rạng rỡ trên vòm núi đá gọi là: "Ma Nhai kỳ công văn", lúc bấy giờ là vào tháng 12 nhuận niên hiệu Khai Hữu năm thứ bảy Ất Hợi 1335. Như vậy, bia Ma Nhai là bài văn ghi lại chiến công rạng rỡ của quan, quân Nhà Trần trong việc giữ gìn bờ cõi, thu lại non sông bị mất, thể hiện được thanh thế của nước Đại Việt trong sự nghiệp củng cố và bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Những di tích nhà Hồ
Hồ Quý Ly lên ngôi, đổi tên nước là Đại Ngu, ban hành nhiều chính sách tiến bộ. Đối với xứ Nghệ, Hồ Quý Ly đổi phủ Diễn Châu thành phủ Linh Nguyên. Ông muốn xây dựng Nghệ An thành hậu phương chiến lược: cho nạo vét kênh Son, kênh Dâu, kênh Sắt, kênh Đa Cái, lập phòng tuyến sông Cấm, xây dựng cảng Cửa Lò... Ở Nam Đàn, Hồ Quý Ly điều động quân dân dựng thành Hồ Vương trên núi Đại Huệ. Thành xây bằng đá, mỗi bề dài độ 200m trên lưng chừng núi. Đứng trên thành có thể bao quát được cả phía Bắc, phía Nam Đại Huệ. Nằm trong toàn bộ hệ thống chiến tuyến sông Lam, thành nhà Hồ thực sự là một công trình to lớn lúc bấy giờ.
Theo sử sách thì Chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ được Hồ Vương Quý Ly xây cất lại để thờ Phật Bà Đại Tuệ, bởi Phật Bà đã giúp Hồ Vương xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh. Theo tài liệu Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật Bà Đại Tuệ. Chuyện kể rằng, ngày ấy Hồ Vương cho xây tường thành trên dãy núi Đại Huệ. Việc xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Dân phu vất vả nhiều mà không xây được thành. Một đêm, Hồ Vương mơ thấy Phật Bà Đại Tuệ chỉ vẽ cho cách xây thành. Từ đó việc xây thành đắp luỹ trở nên thuận lợi. Biết ơn Phật Bà, Hồ Vương giao cho con gái là công chúa Thái Dương ở lại chùa chăm lo hương khói phụng thờ, cầu quốc thái dân an.
Do quá trình phong hóa của thời gian, thăng trầm của lịch sử, chùa Đại Tuệ giờ đây chỉ là một mái nhà tranh. Mặc dù vậy, nhân dân và du khách thập phương vẫn thường xuyên lên chùa chiêm bái, dâng hương vào ngày lễ. UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phục dựng lại chùa và đã chính thức khởi công xây dựng vào ngày 16/4/2011. Ngoài việc khởi công xây dựng tòa tháp 9 tầng, còn xây dựng chùa Thượng, chùa Đồng, giếng, bể nước và các công trình khác để phục vụ các hoạt động của chùa.
Các di tích thời Tiền Lê, Lý và Trần, Hồ hầu như còn nguyên vẹn và được bảo tồn, phát huy tác dụng. Tiêu biểu như di tích đền Quả Sơn, đền Cờn, đền Hồ Tông Thốc... Trong những năm gần đây, ngành Du lịch tỉnh nhà đã khai thác các di tích gắn với lễ hội thành những tour du lịch không chỉ hấp dẫn khách nội địa mà còn thu hút cả khách quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, các di tích như bia Ma Nhai (Con Cuông), Kênh Nhà Lê đang xuống cấp trầm trọng. Rất cần sự vào cuộc của các ngành hữu quan. |