(Baonghean.vn) Về Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, chúng tôi được giới thiệu đến tham quan mô hình trồng cây keo nguyên liệu của anh Nguyễn Thái Hà - là một trong những công nhân điển hình về công tác khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng của Đội 6 Hoa Quân.


Luồn qua con đường trải nhựa thuộc địa phận xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), dài hơn 8 km tới rừng keo đã đến tuổi khai thác, cây đều chằn chặn, anh Hà vui vẻ kể về hành trình chinh phục núi rừng của mình: "Trước năm 1990, nơi này vốn là rừng nghèo kiệt, nằm xa trung tâm. Năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, khoán rừng cho các hộ dân, BQL rừng phòng hộ Thanh Chương đã tích cực vận động các cán bộ gương mẫu đứng ra nhận trước. Ý thức được trách nhiệm của một đảng viên, người cán bộ đã có gần 20 năm gắn bó với nghề, tôi đã không ngần ngại làm đơn đề xuất với Ban quản lý cho nhận khoán gần 30 ha rừng và đất rừng vùng Hoa Quân (thuộc địa phận xã Thanh Hương).

Nhờ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho nhận đất, khoán rừng, đặc biệt từ năm 2.000 có Dự án Trồng rừng sản xuất của huyện, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Ban quản lý, như:hỗ trợ 100% tiền cây giống ban đầu, tiền phân bón theo diện tích thiết kế; tổ chức các đợt tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất các mô hình trong và ngoài tỉnh. Qua năm tháng lao động gian truân, vất vả phục hoá, nay toàn bộ diện tích đất rừng kém hiệu quả đã thành rừng, đem lại giá trị kinh tế. Vừa phát huy tính năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, vừa tạo việc làm cho lao động trong gia đình và một số lao động khác ở địa phương".


Đứng trên quả đồi, nhìn rừng keo xanh bạt ngàn, anh Nguyễn Thái Hà không dấu nổi niềm tự hào: "Kể từ khi bổ nhát cuốc đầu tiên xuống vùng đất chỉ toàn lau lách, sim mua, sau gần 20 năm chinh phục đất cằn, nay gia đình tôi đã có bát ăn bát để; riêng năm 2009 (năm khai thác lứa đầu tiên) thu hoạch 3 ha, năm 2010 được 2 ha với giá bán 40 triệu đồng/ha. Sang năm 2011 trở đi, sẽ thu hoạch ổn định 3- 4ha/năm, trừ chi phí tôi cầm chắc 60- 80 triệu đồng".


Gắn bó với nghề rừng từ khi tuổi 19, lấy núi rừng làm nơi thử thách khát vọng vươn lên, làm giàu chính đáng từ mồ hôi, nghị lực và niềm đam mê rừng, đến nay ở tuổi ngoài 50, anh Nguyễn Thái Hà mái tóc đã pha sương, gối cũng đã "chùng" nên anh đang làm thủ tục xin được về nghỉ trước tuổi. Khi tôi hỏi: "Ngành lâm nghiệp đang khởi sắc, sao anh lại xin nghỉ hưu trước tuổi?". Nhìn những vạt rừng xa trong tiếng gió thì thầm, anh bảo: "Mình đã 30 năm có lẻ lăn lộn với rừng, tâm huyết một đời với rừng, cho rừng xanh trở lại màu xanh sau khai thác. Khi nhận trồng rừng không chỉ để có thu nhập, phục vụ mưu sinh cuộc sống cho bản thân và gia đình, mà mục đích cao hơn cả là muốn góp sức mình giữ gìn, bảo vệ rừng mãi mãi xanh tươi vì cuộc sống của con người... giờ mình muốn gửi lại cho lớp trẻ...".


Ngọc Anh