(Baonghean.vn) Trong nhiều thảo luận, báo cáo tổng kết Chương trình Trồng mới 5 triệu ha rừng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Chương trình này đã đạt được mục tiêu đề ra. Hiệu quả dễ nhìn thấy nhất là rừng được bảo vệ tốt hơn, diện tích rừng tăng lên, đặc biệt là hàng triệu người lao động nghèo được hưởng lợi.
Nghệ An, tổng kết chương trình trồng được 69.330 ha, trong đó rừng phòng hộ 25.240 ha, rừng sản xuất 44.090 ha, khoanh nuôi rừng 486.900 ha, bảo vệ rừng phòng hộ 1.258.680 lượt/ha.
Qua quá trình thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức và trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của chính quyền các địa phương và người dân được nâng lên rõ rệt (trên 10.000 lượt người được tập huấn chính sách và kỹ thuật). Rừng được bảo vệ và phát triển tốt hơn, diện tích rừng được tăng lên hàng năm.
Rừng Yên Thành. Ảnh: V.T
Năm 1998, độ che phủ của rừng mới có 38,6%, đến năm 2010 tăng lên 53,1%. Nhờ vậy mà tính năng phòng hộ của rừng được nâng lên rõ rệt trong việc bảo vệ vùng đầu nguồn, các hồ đập thuỷ lợi và ven biển, hạn chế tác hại của bão lũ. Đáng chú ý là rừng trồng đã phát huy tác dụng, tạo ra vùng nguyên liệu hàng trăm ngàn ha, cung cấp cho công nghiệp chế biến hàng trăm ngàn mét khối gỗ, giảm sức ép đối với rừng tự nhiên. Năm 2010, khai thác 473.000 m3 gỗ, trong đó gỗ rừng trồng 467.000 m3 chiếm 99%.
Bên cạnh bảo vệ xây dựng rừng, cơ sở vật chất và kỹ thuật từng bước được xây dựng hoặc nâng cấp. Hiện có 121 nhà trạm bảo vệ rừng, 31 chòi canh, 8 ha vườn giống, 45 ha rừng giống, 200 ha rừng giống tự nhiên được chuyển hoá. Duy tu, bảo dưỡng và làm mới trên 100 km đường lâm nghiệp, xây dựng và cải tạo 57 vườn ươm cây giống, trong đó 15 vườn ươm công nghệ cao (dâm hom). Xác định được bộ giống cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là keo lai, bạch đàn lai trồng rừng nguyên liệu công nghiệp khá thành công. Hiện đang xúc tiến nghiên cứu ứng dụng một số cây trồng mới giá trị cao như: macca, dó trầm, sưa, gõ đỏ, lát Mêhicô, píc niệng... có nhiều triển vọng tốt.
Vốn đầu tư cho chương trình gần 500 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý là ngoài nguồn vốn Nhà nước còn huy động vốn các doanh nghiệp, các chủ rừng và Quỹ hỗ trợ Đầu tư phát triển rừng sản xuất gần 113 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 100.000 hộ dân với 300.000 lao động tham gia trồng và bảo vệ rừng, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.
Chương trình đạt được thành quả trên là đáng ghi nhận, nhưng giữ được và phát huy nó trong tương lai là không đơn giản. Nhìn vào thực tế, chúng ta còn có những khó khăn như: diện tích đất trống đồi trọc còn nhiều (trên 400.000 ha), đặc biệt có 150.000 ha thuộc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng nơi xung yếu, lâu nay công tác phục hồi rừng gặp rất nhiều khó khăn. Một số nơi, tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ diễn ra gay gắt, chất lượng rừng đặc biệt là rừng tự nhiên ở nhiều khu vực bị suy giảm nghiêm trọng.
Để đạt được mục tiêu đưa độ che phủ của rừng lên 42 - 43% năm 2015 và 44 - 45% năm 2020. GDP của ngành đến năm 2015 đạt 2% và năm 2020 đạt 3% GDP Quốc gia, Nghệ An phải phấn đấu cao hơn nữa, mục tiêu là đưa độ che phủ của rừng lên 55 - 56% năm 2015 và 59 - 60% năm 2020, đóng góp 3 - 4% vào GDP của tỉnh. Một số giải pháp cần được nghiên cứu:
Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về rừng và luật pháp về rừng, kết hợp việc tổ chức xã hội hoá nghề rừng gắn với Chương trình Xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái để dân biết, dân bàn, dân thực hiện việc bảo vệ xây dựng rừng, dân kiểm tra rừng.
Đồng thời, phân cấp quản lý toàn diện cho chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã theo Quyết định 245/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kể cả quyền xử phạt hành chính đến mức cần thiết trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, tiền phạt và tiền bán lâm sản tịch thu được nên để lại cho xã xây dựng quỹ bảo vệ và phát triển rừng đặt dưới sự giám sát của cơ quan chức năng quản lý nhà nước cấp trên.
Hai là, vốn đầu tư: Khái toán theo quy hoạch 3.730 tỷ đồng, trong đó:
- Giai đoạn 2011 - 2015 là: 1.605 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2016 - 2020 là: 2.125 tỷ đồng.
Đề nghị Nhà nước đầu tư chủ yếu để bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng khoảng 470 tỷ đồng cho 2 thời kỳ. Đối với rừng sản xuất huy động vốn các doanh nghiệp và tư nhân kinh doanh rừng là chủ yếu.
Nhà nước cần nghiên cứu quỹ tín dụng ưu đãi về lãi suất và dài hạn (8 - 10 năm) để doanh nghiệp và nhân dân phát triển rừng sản xuất. Đồng thời tổ chức cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước để phát huy tiềm lực của cộng đồng.
Sớm thành lập Quỹ bảo vệ và xây dựng rừng theo Nghị định 05/2008/NĐ-CP của Chính phủ.
Tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức quan tâm đến bảo vệ rừng và môi trường, bảo tồn thiên nhiên như WWF, IUCN, GEF, UNESCO và các tổ chức phát triển các nước như EU, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Cộng hoà liên bang Đức... Đặc biệt, hiện nay là các tổ chức mua bán hạn ngạch chất thải công nghiệp (CO2) góp phần chống biến đổi khí hậu toàn cầu bằng đầu tư trồng rừng phòng hộ.