(Baonghean) - Lần đầu đi ngược sông Giăng nên nhóm làm báo chúng tôi ai nấy đều háo hức. Nghe câu “cơm Mường Quạ, cá sông Giăng” đã lâu, lại còn chuyện về những bản Đan Lai nguyên sơ giữa núi rừng xanh mướt như thôi thúc chúng tôi và quên khuấy đi cái nóng như thiêu như đốt phả xuống lòng sông...

Người Thái ở Con Cuông gọi sông Giăng là Nặm Khặng, nên đôi khi người Kinh ở trong vùng cũng gọi là Khe Khặng. Những người chuyên nghề rừng vài thập niên trước vẫn kể lại rằng, ngày ấy muốn đi lên đầu nguồn con sông phải lội rừng 2 ngày trời và cũng mất ngần ấy thời gian xuôi bè mới đem được gỗ và lâm sản (chủ yếu là song, mây) về được nơi tập kết bán cho cánh đầu nậu. Những chuyến xuôi bè trên sông Giăng là những cuộc đấu trí thực sự giữa con người (bằng chiếc bè thô sơ mỏng manh) với sóng nước hung dữ. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước, khi sông Giăng hãy còn dồi dào sức mạnh. Bây giờ nó đã trở nên hiền lành bởi rừng già đã bị khai thác kiệt quệ và sông đã giảm lượng nước. Đến lúc này, người ta mới bắt đầu chú ý đến tiềm năng du lịch của dòng sông có thể đem lại.

Về mùa hè, người gần khách xa tìm về đây tắm mát, thưởng ngoạn cảnh non xanh nước biếc, nhất là từ ngày có công trình đập thủy lợi Pha Lài (cách đây vừa tròn 10 năm). Con đập tạo nên một vùng hồ nước ăn sâu vào chân núi và chỉ cách trung tâm Thị trấn Con Cuông chưa đầy 20 km. Du khách thuê xuồng máy của người dân bản Xiềng gần đó ngược xuôi trên hồ vào mỗi dịp cuối tuần. Ông Ngân Văn Mại, Trưởng bản Xiềng cho biết, mới vào mùa du lịch nhưng mỗi ngày có hàng chục lượt thuê xuồng du ngoạn sông Giăng. Nhờ vậy, vào mùa hè những chủ xuồng có thu nhập khá cao. Cũng nhờ có sự viếng thăm của khách du lịch mà thổ cẩm của bà con trong bản có thêm khách hàng.

Vào một buổi sáng đầu hè, tiết đại thử, vùng miệt rừng Con Cuông hứng chịu cái nóng 40oC. Bến sông vắng lặng như thời tiền sử. Phải gần 10 giờ trưa mới có chuyến thuyền ngược dòng sông Giăng. Trước đó anh bộ đội biên phòng Đồn Môn Sơn, Bùi Xuân Mạnh cho biết: Hiện giờ bà con Đan Lai nơi thượng nguồn vừa vào vụ gặt nên ít khi ra chợ nên rất khó kiếm xuồng. May mắn sáng nay có thuyền chở hàng cho các hộ buôn bán tạp hóa bản Khe Búng. Chủ thuyền Phan Văn Thắng ở bản Xiềng ngay gần bến sông, vóc người nhỏ bé, da ngăm đen nhưng có cái nhìn quả quyết và thích cười khi ống kính máy ảnh hướng về phía mình. Anh cho biết đã chạy thuyền được hơn 2 năm nay, cứ cách ngày lại vào một chyến. Khi vào thì chở xăng dầu, gạo, muối, hàng tạp hóa nhập cho dân, khi ra lại chở theo người. Hành khách đi thuyền thường là dân bản ra trung tâm xã mua sắm, thăm thân, đôi khi là đám trai làng hứng chí nhảy thuyền “đi chơi” trong những dịp nông nhàn.

Sau vài phút chuẩn bị chỗ ngồi cho hành khách, người chủ thuyền khởi động máy. Chỉ nửa phút sau, con thuyền quay mũi hướng về phía thượng nguồn. Trong phút chốc chúng tôi được đắm mình trong một không gian tươi xanh của núi rừng, trời nước. Cái nóng hầm hập của những ngày hè chợt tan biến... Đây là khúc rộng nhất của con sông, dễ chừng hơn trăm mét. Những chiếc chòi canh nương ẩn hiện thấp thoáng sau rặng cây và những nương ngô vắt ngang triền núi. Người lái đò dọc khoan khoái nhấn ga đưa con thuyền vượt lên. Bến sông lùi xa dần và khuất dạng

Biết chúng tôi làm báo, anh Nguyễn Văn Hùng, trú bản Bắc Sơn, xã Môn Sơn bắt chuyện: Chỉ chốc nữa thôi sẽ phải vất vả đây. Quả vậy, sau hơn nửa tiếng êm chèo mát mái, lòng sông trở nên hẹp hơn có quãng chỉ cần vài bước chân là có thể qua bờ bên kia. Ở những quãng hẹp, dòng nước bị bóp cho nghẹn lại và trở nên hung dữ hơn.

Anh Phan Văn Thắng chia sẻ: “Vào mùa nước lớn, chỉ có những tay lái cừ khôi mới dám vượt những thác nước tại quãng hẹp như vậy. Thường thì khi vượt thác, khách đi thuyền được khuyến cáo phải lên bờ đi bộ vượt qua quãng nguy hiểm mới cho trở lại thuyền. Nhưng vào mùa hè, con nước hiền hòa hơn, chúng tôi chỉ phải ngồi yên vị không được nhúc nhích kẻo làm ảnh hưởng đến việc lái thuyền. Khi vượt thác, anh phụ lái đúng đầu mũi thuyền lại ráng sức chống sào giúp con thuyền trườn lên. Có quãng nước sông chỉ ngập đến đầu gối người phụ lái phải nhảy xuống ráng sức kéo chiếc thuyền mới di chuyển được. Cứ vậy, cuộc đánh vật của người lái đò với dòng nước sông Giăng kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ mới đến được bản Cò Phạt, 1 trong 2 bản người Đan Lai sinh sống dọc con sông.

Bản đã có đường bê tông đến cổng  từng nhà. Nước sinh hoạt được dẫn về những chiếc bể bố trí rải rác khắp bản. Phía cuối bản, ruộng lúa vàng ươm đang chờ ngày gặt hái. Những người 200 năm trước chạy loạn lên vùng “sơn cùng thủy tận” giờ đã biết đến con đường bê tông và ngày ngày không phải xuống sông “kin” nước nữa. Nói vậy những cuộc sống của bà con vẫn chưa hết khổ. Địa bàn sinh sống của bản Cò Phạt và Khe Búng nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát. Từ mấy năm nay, việc phát nương làm rẫy đã bị cấm, bà con chỉ còn biết dựa vào nguồn lương thực từ số diện tích ruộng nước ít ỏi, năng suất thấp. Mùa gặt trở thành thời gian no đủ nhất của dân bản Đan Lai thượng nguồn sông Giăng. Nhưng lượng lương thực thu được chẳng đáng là bao, trong khi số nhân khẩu của mỗi hộ ngày càng tăng do tỷ lệ sinh tăng mạnh. Lúa ruộng thường chỉ đủ ăn vài ba tháng. Nguồn thu nhập chủ yếu lúc này đều dựa vào rừng. Mùa mưa thì hái măng, ngoài mùa măng chỉ có cách lên rừng khai thác song, mây bán cho tư thương để đong gạo.

795708_small_97308.jpg

Gùi lúa về bản

Đại úy Lô Văn Ngoan, Trạm trưởng Trạm biên phòng bản Cò Phạt vốn sinh ra và lớn lên tại xã vùng biên Môn Sơn nên anh thấu hiểu đời sống của bà con Đan Lai ở bản Cò Phạt. Anh cho biết: “Giao thông cách trở chính là yếu tố khiến dân bản vẫn nghèo. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc trao đổi hàng hóa và giao lưu với những cộng đồng bên ngoài. Vì vậy, rất khó thay đổi thói quen cũng như những nhận thức lạc hậu. Ở đây bà con vẫn đi làm muộn và trở về nhà sớm, đàn ông hay tụ tập uống rượu cả ngày. Nạn tảo hôn tuy đã giảm nhưng vẫn tồn tại”.

Còn ông La Văn Yêu, ở bản Cò Phạt thì chia sẻ: Thanh niên ở đây 14, 15 tuổi đã lấy nhau rồi sinh con đẻ cái lại chẳng biết đến việc kế hoạch hóa gia đình nên có nhiều cặp vợ chồng sinh con đàn con đống đến hàng chục đứa là chuyện bình thường và chưa thể chấm dứt được nạn tảo hôn.



                                            Trẻ em ở bản Cò Phạt.

Ban ngày làng, bản ríu ran tiếng trẻ. Các bé trai, bé gái đánh trần chạy lông nhông khắp ngõ bản. Chiều tối, người lớn mới từ rừng núi trở về. Lúc này những bể nước sinh hoạt lại đông nghịt người đến gánh nước và tắm. Chỉ một chốc nữa thôi, khi bóng tối bao trùm rừng núi làng, bản sẽ lại chìm vào yên lặng. Bà con Đan Lai ở bản thường ngủ sớm và thức dậy khá muộn. Trăng thượng tuần đã ló rạng đầu chóp núi. Sau bữa tối, nhóm làm báo chúng tôi cùng nhau ngủ sớm cho chặng đường ngày mai. Những anh bộ đội biên phòng đã báo trước ngày mai sẽ không có xuồng ngược sông Giăng. Chúng tôi phải cuốc bộ hơn 2 giờ đồng hồ nữa để vào bản Khe Búng, bản xa nhất của xã Môn Sơn.

Trong khi chờ giấc ngủ kéo đến, tôi miên man nghĩ về chặng đường một ngày vừa qua. Dòng sông Giăng thật thơ mộng nhưng nó chưa phải là con đường giao thông hoàn hảo đối với những bản làng nơi thượng nguồn. Sắp tới sẽ có một con đường bộ và đường điện lưới quốc gia chạy dọc theo con sông xinh xắn này do bàn tay những người lính biên phòng xây dựng. Nó là niềm hy vọng về ánh sáng văn minh của bản làng.


Hữu Vi