(Baonghean) - Những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các huyện miền núi - vùng cao đã bước đầu tập trung đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Một số huyện đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai đề án bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Và một trong những nội dung quan trọng của đề án là xây dựng mô hình Làng Văn hóa thuần dân tộc.

>> Bài 4: Làng Mó - Làng Văn hóa thuần Thổ

Nhìn nhận khách quan, chúng ta dễ dàng nhận thấy việc xây dựng mô hình Làng Văn hóa thuần dân tộc có những thuận lợi và ưu điểm nhất định. Trước tiên, vì thuần một dân tộc nên thuận lợi trong vấn đề quy hoạch, xây dựng không gian văn hóa như cách sắp xếp, bố trí làng bản; kiến trúc nhà ở, nhà văn hóa cộng đồng. Bên cạnh đó, một cộng đồng dân tộc cùng chung sống trong một làng bản sẽ có được sự thuần nhất về nhiều mặt như nếp sống, phong tục sinh hoạt, tập quán sản xuất, ngôn ngữ và trang phục.

Sự thuần nhất của một cộng đồng dân tộc tạo nên sự đồng lòng trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa tổ tiên bao đời truyền lại. Nói cách khác, việc xây dựng mô hình Làng Văn hóa thuần dân tộc sẽ giúp các cộng đồng dân tộc cùng sinh sống trong một làng bản có thêm cơ hội lưu giữ những giá trị bản sắc tốt đẹp của dân tộc mình. Vì lẽ đó, việc triển khai thực hiện sẽ nhận được sự hưởng ứng và giúp đỡ của đại đa số người dân ở bản làng đó. Điển hình như bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm- Kỳ Sơn)- nơi được chọn làm điểm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Khơ mú. Nhận thấy lợi ích của chủ trương nêu trên, bà con Huồi Thợ thực sự phấn khởi và hưởng ứng hết sức tích cực.

Điều này thể hiện rõ nét nhất khi ngành Văn hóa huyện tổ chức lớp truyền dạy dân ca và nhạc cụ dân tộc, bà con sẵn sàng tạm gác lại công việc thường ngày để tham dự. Được tiếp cận với những làn điệu dân ca, dân vũ và các loại nhạc cụ do thế hệ đi trước truyền lại, bà con nhận thức rõ hơn và thêm yêu những giá trị tốt đẹp của văn hóa cổ truyền. Từ đó, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng và thúc đẩy quá trình lao động sản xuất, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

795692_small_97291.jpg

Nghề dệt thổ cẩm ở bản Na, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn).

Nói như vậy không có nghĩa là việc xây dựng mô hình Làng Văn hóa thuần dân tộc không gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Một điều ai cũng dễ dàng nhận thấy là quá trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ đẩy mạnh sự giao lưu về mặt văn hóa. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ nên các luồng văn hóa từ các vùng khác đang lan tỏa đến các bản làng vùng cao với tốc độ ngày một nhanh. Trong khi đó, trình độ nhận thức của đồng bào các dân tộc ít người đang hạn chế nên dễ dàng đánh mất “bản lĩnh văn hóa” của mình.

Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ thường hay thể hiện sự học đòi, chạy theo những thứ được gọi là “mốt”, dễ dàng “bỏ rơi” những nét đẹp văn hóa mang tính bản sắc của dân tộc mình. Biểu hiện cụ thể ở chỗ thanh thiếu niên vùng cao thường chuộng những bài hát mới phổ biến qua băng, đĩa và mạng Internét, không mấy người yêu thích, gắn bó với những làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình. Bà Moong Thị Lợi - nghệ nhân hát tơm ở bản Huồi Thợ, người được đánh giá là hát tơm hay nhất Kỳ Sơn luôn tỏ ra băn khoăn, trăn trở trước thực tế lớp trẻ không mấy người thích làn điệu dân ca độc đáo này của đồng bào dân tộc Khơ mú.

Có lần ngành Văn hóa huyện tổ chức lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc ở bản Huồi Thợ, lúc đầu có nhiều người đến tham gia lớp học. Nhưng càng về sau lớp học càng thưa dần, những người trẻ ai cũng kêu hát tơm khó, không dễ học như những bài hát các ca sỹ thường hát trên các phương tiện truyền thông. Mỗi khi rỗi rãi, bà Lợi thường dạy con cháu của mình hát tơm nhưng hầu hết đều không mấy chuyên tâm, chỉ có con gái đầu là Cụt Thị Nhung may chăng có thể kế thừa được giọng hát của bà. Bà Moong Thị Lợi chia sẻ: “Tơm là một làn điệu dân ca cổ, phản ánh nhịp sống và điệu hồn của người Khơ mú. Tôi sợ ít lâu nữa không còn ai biết hát tơm, điệu tơm sẽ bị mất, lúc đó người Khơ mú sẽ mất đi một nửa gia tài của mình”.

Chị Lộc Thị Hoàng- Trưởng bản Bãi Gạo (xã Châu Khê - Con Cuông) cũng bày tỏ nỗi lo lắng trước nguy cơ “đứt đoạn” của dòng chảy văn hóa của dân tộc Thái. Bởi lẽ, bây giờ lớp trẻ lớn lên thường theo đuổi việc học hành hoặc đi làm ăn xa, giao lưu với người dân khắp mọi miền nên rất dễ bị mai một những nét văn hóa của cha ông truyền lại. Con gái sẽ không còn biết hát những làn điệu khắp, lăm, nhuôn, xuối; không biết múa xòe, không biết dệt cửi, thêu váy. Con trai sẽ không còn biết thổi khèn, thổi pí, không còn nắm được những tập tục của người xưa.

Sự phát triển của khoa học - công nghệ và sự “bùng nổ” của nền kinh tế thị trường còn đẩy những nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc đứng trước nguy cơ mai một, hoặc giải thể! Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Thái, nghề rèn của đồng bào Mông, nghề đan lát của đồng bào Khơ mú và nghề dệt võng của đồng bào Thổ hiện nay đều đang nằm trong tình trạng hoạt động cầm chừng. Bởi các mặt hàng như vải vóc, dụng cụ lao động, đồ gia dụng đang tràn ngập thị trường và len lỏi vào đến từng bản làng xa xôi, rất tiện dụng, giá cả lại thích hợp nên được bà con ưa chuộng. Nếu nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc bị mai một, bản làng sẽ mất đi nhịp sống được truyền lại từ đời xưa, mất đi một nét đẹp mang đậm giá trị bản sắc.

Trong đề án bảo tồn bản sắc văn hóa, các địa phương thường gắn việc triển khai mô hình Làng Văn hóa thuần dân tộc gắn với việc phát triển du lịch cồng đồng; xây dựng các Làng Văn hóa này thành điểm tham quan du lịch, vừa giữ gìn bản sắc, vừa có thêm nguồn thu nhập để cải thiện và nâng cao đời sống.  Đây là một hướng đi hợp lý nhưng để đạt được mục tiêu cần phải có cách làm bài bản, khoa học, trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, quảng bá.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, anh Moong Thái Nhi - Trưởng phòng Văn hóa huyện Kỳ Sơn cho biết: “Cái khó khăn nhất của việc triển khai thực hiện mô hình Làng Văn hóa thuần dân tộc là trình độ và ý thức của người dân vẫn còn hạn chế. Nhiều người tỏ ra không mặn mà, thế hệ trẻ không mấy thiết tha với văn hóa cổ truyền dân tộc mình. Để đạt được mục tiêu phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đồng bào nâng cao ý thức và khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình, để từ đó họ tích cực tham gia, vì dù sao họ cũng là chủ thể. Nói cách khác, ý thức của người dân giữ vai trò quyết định”.

Trao đổi với ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, được biết huyện đã ban hành đề án bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch từ năm 2011. Tới tháng 6/2013, sẽ triển khai mô hình Làng Văn hóa thuần Thái ở bản Chắn và bản Lau (xã Thạch Giám). Trước mắt, việc triển khai còn gặp khó khăn như nguồn kinh phí hạn hẹp; việc xây dựng nhà sàn theo kiến trúc cổ thì nguồn gỗ đã khan hiếm, giá cả đã tăng lên rất cao, ngoài khả năng tài chính của đa số bà con nông dân. Và không thể không kể đến việc thế hệ trẻ ngày càng ít quan tâm đến truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc...


Bài, ảnh: TƯỜNG ANH