(Baonghean) - Những nụ cười rạng rỡ, những vồng ngực săn chắc, những gương mặt chất phác pha chút ngang tàng… họ là những ngư dân gắn bó cuộc đời mình với biển cả. Và, trước mỗi chuyến vươn khơi dường như ai cũng bị thôi thúc bởi tiếng gọi thân thiết của trùng dương, dù họ đã có hàng trăm ngàn chuyến xa bờ như thế. 
 
... Chúng tôi đã có những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa với những ngư dân Nghệ An trong hành trình trên Vịnh Bắc bộ những ngày tháng Năm này...
 
images1170792_a5.jpgĐội tàu khởi hành vươn khơi
 
Ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long, dẫn chúng tôi đến lạch Quèn lúc 10 giờ sáng. Trời chang chang nắng. Thi thoảng từng đợt gió thốc lên cái vị mằn mặn, tanh nồng đặc trưng của cảng cá. Thưa thớt trên các cầu cảng là một vài chiếc tàu về bờ sớm từ chuyến đi khơi trước đó và cũng lại đang vội vã “ăn hàng” để tiếp tục nối dài hành trình biển.“Hôm nay lịch ta đã ngày mùng 2, đang là thời điểm tối trời đánh bắt thuận lợi nhất. Các chú chậm một ngày là không có tàu mà đi. Mai kia sáng trăng là tàu thuyền nghỉ hết” - vị Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long chia sẻ. Rồi ông dẫn chúng tôi đến trước một con tàu đang tiếp nhu yếu phẩm và nói một cách đầy trang trọng: “Hôm nay các chú sẽ đi tàu của cậu Khai. Trần Xuân Khai... Là một tay đi biển cừ đấy!”.
 
Các thuyền viên trên tàu cá NA90686TS vá lưới.
Thuyền trưởng Trần Xuân Khai và 14 thuyền viên trên tàu NA 90686TS  đón chúng tôi với sự hồn hậu, thân thiện vốn có của cư dân vùng biển. Tuy vậy, vị Thuyền trưởng 42 tuổi không khỏi băn khoăn, rằng: “Tàu không được to lắm, các anh thông cảm”. Với 15 thành viên trên tàu và 2 “khách mời” quả là hơi chật. Nhưng vui. Điều này được thể hiện ngay trong bữa trưa đầu tiên của cuộc hành trình. Cái không gian chật hẹp trong khoang tàu nhộn tiếng cười nói sảng khoái.
 
Tàu rời cảng vào đúng ngọ, nhưng tàu chỉ có thể xuất phát sau khi đã thực hiện các nghi lễ truyền thống. Bởi vậy, trước điện thờ nhỏ trong ca bin Thuyền trưởng Trần Xuân Khai châm hương lầm rầm khấn vái. Phía ngoài boong tàu những ngư dân rắc nước thơm lên vàng lưới dài hơn 500m, cao 150m đã được xếp ngay ngắn bên mạn. Trong một ngày chói chang nắng có một không gian linh thiêng phủ lên con tàu 350 sức ngựa. Tàu từ từ rời cảng trong tiếng nhạc tan đều,  lướt nhẹ trên dòng nước xanh vắt. Hành trình biển khơi chính thức bắt đầu.
 
Tàu chúng tôi phải vượt 70 hải lý, tương đương 130 km để đến ngư trường đánh bắt quen thuộc. Lúc này các thuyền viên đã chìm vào giấc trưa,  mặc cho tiếng máy rì rầm và hàng ngàn con sóng không ngừng xô vào mạn tàu tạo ra những rung lắc như người chếnh choáng hơi men. Trong khoang lái, Thuyền trưởng Trần Xuân Khai mắt không rời những vạt sóng lấp lóa nắng phía xa xa trước mũi tàu. Trong ánh sáng hắt xiên qua ô cửa ca bin, Thuyền trưởng Khai toát lên sự tự tin, điềm tĩnh của người đã quen với những con sóng lớn. Mỗi động tác, cử chỉ của anh đều chính xác và chắc chắn, nên mọi người tìm thấy sự vững tâm trong mỗi lần ra khơi. 
 
Đưa tay ấn nhẹ lên máy định vị tọa độ, anh Khai cười nhẹ: “Các nhà báo có say sóng không? 12 tiếng nữa ta mới ra đến ngư trường đấy!”.Khai vừa dứt lời thì ngay lúc đó, từ chiếc icom liên hệ đất liền cất lên giọng nói của nữ phát thanh viên Đài duyên hải Bến Thủy: “Xin thông báo diễn biến thời tiết cực đoan trên Vịnh Bắc bộ, gió cấp 6, cấp 7, biển động”. Thực sự chúng tôi hơi bồn chồn, lo lắng song vị thuyền trưởng vẫn không có bất cứ một sự thay đổi nào trên nét mặt nên cũng yên tâm. Trần Xuân Khai cho hay, anh gắn bó với nghề đi biển từ khi 17 tuổi. Cũng theo tàu thuyền trong vùng ra lộng, vào khơi. Cái nghề sông nước bám riết vào cuộc sống của cư dân vùng ven biển như mối duyên nợ tiền kiếp. Kể cả khi Khai đã quyết định tìm kiếm cơ hội đổi đời bằng việc đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, thì vẫn lại là nghề đánh cá. “Biết bao tủi cực chú các ơi. 3 năm ở nước ngoài nhưng chỉ 2 lần được ghé bờ. Không đong đếm được bao nhiêu công sức, mồ hôi. Đã thế tiền công bị cắt xén rồi quẳng cho mình như bố thí, ban ơn...”.
 
Thế rồi bà con xóm giềng ở thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) cũng mừng cho Khai khi anh đã vay mượn mua được chiếc tàu để vươn khơi bám biển. Mỗi tháng tàu xa bờ từ 3 đến 4 ban, mỗi ban như vậy kéo dài từ 5 đến 9 ngày. Con tàu NA 90686TS của Trần Xuân Khai được mua cách đây 3 năm với giá 2,3 tỷ đồng. Trên tàu được trang bị 2 máy điện đàm, 2 icom liên lạc đất liền, 2 máy dò cá cả loại dò ngang và dò đứng, 1 máy định vị tọa độ. Hệ thống thiết bị này trị giá trên 500 triệu đồng, cộng thêm vàng lưới 1 tỷ đồng, vị chi giá trị của con tàu lên tới gần 4 tỷ đồng. Chi phí mỗi chuyến khơi cũng ngót 60 triệu đồng, gồm 2.000 lít dầu, 700 cây đá lạnh, rồi nước ngọt, gạo, lương thực, thực phẩm và biết bao thứ không thể liệt kê.
 
15h, các thuyền viên lục đục trở dậy. Thói quen sinh hoạt qua nhiều năm đi vây tạo ra “đồng hồ sinh học” về giờ giấc một cách chính xác với mỗi người. Thuyền viên Trần Xuân Lai là người đầu tiên có mặt trên boong tàu. Tiếp đến là máy trưởng Trần Văn Tuấn, rồi 2 bố con Nguyễn Đình Quang và Nguyễn Đình Viên… Ngày làm việc mới của ngư dân lúc này mới chính thức bắt đầu. Họ ngồi trên boong và lật giở từng cheo lưới vá lại những chỗ rách. 15 thành viên trên chiếc tàu đều là những người ruột thịt, họ hàng thân thích. Ví như Trần Xuân Khai là anh trai của Trần Xuân Lai; anh Nguyễn Duy Định là con của ông Nguyễn Duy Thất; ông Nguyễn Đình Quang là bố anh Nguyễn Đình Viên... Và tất cả họ là anh em thúc bá, con cô con cậu, đồng hao... Con tàu thực sự là một gia đình lớn chung ý chí, niềm tin cùng chia sẻ những gian nan khi giông gió, hòa tiếng cười vào hơi biển mặn mòi khi khoang tàu đầy ắp cá tôm...
 
Qua máy định vị tọa độ cho thấy, chúng tôi đang ở 19015’…vĩ độ Bắc, 107…kinh độ Đông. Nghĩa là tàu đang tiến dần vào vùng khơi giữa Vịnh Bắc bộ. Lúc này Trần Xuân Khai đã kịp chợp mắt, thiếp đi trên tấm phản nhỏ dành riêng cho thuyền trưởng kê sau ghế lái. Điều khiển con tàu thay cho anh là Nguyễn Duy Định. Định năm nay 29 tuổi cũng có kinh nghiệm hơn 10 năm đánh bắt xa bờ. “Ra đến đây rồi thì ai cũng có thể cầm lái anh ạ! Trong điều kiện thời tiết bình thường, cứ theo la kinh, la bàn mà bẻ lái” – Định cho biết thế. 
 
Đứng chon von trên thành tàu ở phía đuôi, chàng trai trẻ Đào Văn Tiến chăm chú nhìn những chiếc tàu vây, tàu câu khác cũng đang cưỡi lên những vạt sóng như đang muốn tạo ra một cuộc đua giữa trùng khơi. Tiến năm nay 17 tuổi, là người nhỏ tuổi nhất trên tàu. Một năm trước Tiến còn “đi vẹt”, nghĩa là chỉ chuyên làm những việc vặt như nấu nước, thổi cơm trên tàu. Nay chàng trai với nét thư sinh, duyên thầm ấy đã chính thức đi “bạn ngang” như những thuyền viên khác. Mặc dù vậy, vì là người nhỏ tuổi nhất, nên Tiến vẫn được giao nhiệm vụ bếp núc, hậu cần. Tiền kiếm được hằng tháng cậu đều đưa cho mẹ, phần chi tiêu trong gia đình, phần cất dành để sau này sửa nhà hoặc lo việc lớn. 
 
Nói đến chuyện tiền nong, có lẽ ít nơi nào rõ ràng, công khai và thống nhất như đối với các tàu cá và ngư dân ở Nghệ An. Sau mỗi ban ra khơi, số tiền bán cá thu được đều công khai cho mọi người cùng biết. Nếu 1 tàu cá có 15 thành viên, sau khi trừ các khoản chi phí, tiền được chia thành 30 phần, chủ tàu hưởng 14 phần, số còn lại chia đều cho mọi người. Đương nhiên trong 14 phần mà chủ tàu được hưởng sẽ tiếp tục chia cho những người cùng tham gia đóng góp cổ phần theo mức đóng góp của họ.
 
Theo anh Trần Văn Lai, thuyền viên trên tàu NA 90686 TS, thu nhập bình quân hằng tháng của mỗi người hơn 7 triệu đồng. Những tháng “trúng” có khi lên đến 15 - 17 triệu đồng. Không phân biệt thuyền trưởng, máy trưởng hay người nhiều tuổi, ít tuổi, các thành viên trên tàu đều bình đẳng như nhau trong công việc cũng như hưởng thụ thành quả lao động. Chính điều này tạo ra tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa những người chọn biển cả làm niềm tin và lẽ sống cho đời mình. Hơn thế, cái nghề khai thác hải sản bằng hình thức đánh vây chẳng hề đơn giản, nói cách khác là hết sức vất vả, cực nhọc, thậm chí vô cùng khốc liệt. Anh Trần Xuân Khai lý giải điều này bằng 2 từ: “biển giả” - “biển giả” chứ không phải “biển thật”! Nghĩa là may mắn không phải lúc nào cũng mỉm cười...
 
Có những ban chỉ buông một lần lưới là đã có vài chục tấn cá trị giá hàng trăm triệu đồng, nhưng cũng có những chuyến đi cả nửa tháng trời mới bù đắp được chi phí bỏ ra. Đó là chưa kể biết bao nguy cơ rình rập giữa trùng dương. “Người nông dân trên đồng ruộng có thể nghỉ ngơi lúc họ muốn, mưa gió sấm chớp thì họ có chỗ đặt chân hoặc tìm nơi an toàn trú ẩn. Người đi biển thì khác, phải chấp nhận mọi rủi ro và luôn sẵn sàng đối diện, đương đầu với tất cả những điều nghiệt ngã nhất mà số phận định đoạt cho cái nghiệp của mình” – trong một chiều biển se, Thuyền trưởng Trần Xuân Khai trải lòng như thế. Và anh vỗ vai tôi cười nhẹ tênh: “Ông bà đã cho mình cái nghề. Phải giữ. Người còn là biển còn!”.
 
Trời càng về chiều, biển càng nhóc tợn. Những tia nắng trước khi khuất dần trên mặt nước hình vòng cung còn kịp hắt những gam màu tía lên lớp lớp vạt sóng nối tiếp nhau như lũ ngựa phi nước kiệu nô đùa trên thảo nguyên. Đêm buông xuống. Đèn trên tàu đã được bật lên. Bữa tối vừa xong, Thuyền trưởng Trần Xuân Khai đã yên vị trên ghế lái. “Thủy thủ đoàn” ngồi trên boong tàu hóng gió, hút thuốc lào và nói chuyện tếu. Số khác chui vào khoang mở đầu VCD, bật TV xem phim hài. Các loại thiết bị dò cá, icom, điện đàm trên tàu cũng đồng loạt được bật lên. Liên tục trên máy điện đàm là các cuộc hội thoại giữa các tàu cá với nhau. Họ trao đổi, thông tin về vị trí của mình, đồng thời thông báo về những tàu lạ xuất hiện đâu đó trong khu vực đánh bắt. Chốc chốc Đài duyên hải Bến Thủy lại phát đi các bản tin cập nhật về tình hình thời tiết trên biển.Tất cả thật gần gũi và sinh động…
 
Ký sự: Đào Tuấn – Nguyên Khoa
 
Nghệ An có 82km bờ biển, 4.000 phương tiện khai thác, đánh bắt thủy hải sản với khoảng 20.000 lao động. Trong đó có hơn 1.300 tàu tham gia đánh bắt xa bờ và đó đều là tàu có công suất từ 90CV trở lên. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách ngư dân xứ Nghệ tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong hành trình bám biển, vươn khơi.