(Baonghean) - Đó là ý kiến của Ths. Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ khi đề cập đến vụ cháy rừng ngày 25, 26/5 vừa qua trên địa bàn 2 huyện Thanh Chương và Nam Đàn. Và ông Tiến cũng khẳng định: Lửa “chỉ có thể là con người đưa vào rừng”. Nhưng ai đưa lửa vào rừng trong các vụ cháy? Câu hỏi ấy thường bị bỏ ngỏ khi xem xét trách nhiệm PCCCR của các cấp địa phương nơi xảy cháy...
 
Tổng lực, khẩn trương chữa cháy
 
Khoảng 12h trưa, ngày 25/5, xảy cháy rừng thông của các hộ dân xóm Tân Phong, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương (phía Tây khu vực rú Đụn); sau đó vài tiếng đồng hồ, đám cháy lan sang rừng thông của các xã Nam Thái, Nam Thượng và đến 6 giờ sáng ngày 26 ngọn lửa lan sang cả địa bàn xã Vân Diên - Nam Đàn. Sau khi xuất hiện đám cháy từ rừng thông của các hộ dân thuộc xóm Tân Phong xã Thanh Khai (Thanh Chương), nhận được thông tin, UBND xã Thanh Khai đã báo cáo lên cấp trên và triển khai lực lượng tại chỗ lên hiện trường dập đám cháy. Tuy nhiên, do lớp thực bì dày, trời nắng nóng kéo dài, xuất hiện gió Lào thổi mạnh nên đám cháy đã bùng phát dữ dội. Đám cháy lan lên giữa đỉnh núi Đụn Nam Đàn nên việc tiếp cận, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, bất chấp nỗ lực của lực lượng chức năng, lửa đã thiêu rụi hơn 11 ha rừng (trong đó có 6 ha thực bì) của 7 hộ dân xã Thanh Khai.
 
images1170794_a11_l_c_lu_ng_ch_a_ch_y_b_t_ch_p_nguy_hi_m_ch_a_ch_y__nh_nguy_n_nam.jpgLực lượng chữa cháy rừng làm nhiệm vụ. Ảnh: Nguyễn Nam
 
 Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, đám cháy tại xã Thanh Khai cơ bản đã được cô lập. Tuy nhiên, do gió Lào thổi mạnh, đồng thời việc xử lý tàn lửa kém nên chỉ sau đó vài giờ, đám cháy đã lan sang rừng thông của các xã Nam Thượng, Nam Thái  thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng huyện Nam Đàn. Đám cháy lan rộng, điểm cháy chỉ cách Khu lăng mộ vua Mai (thuộc xã Vân Diên) chưa đến 1 km theo đường chim bay. Các lực lượng gồm Lữ đoàn Công binh 414, Công an huyện Nam Đàn, Cảnh sát PCCC Công an tỉnh, Huyện đội Nam Đàn, chính quyền địa phương cấp huyện, xã và hạt kiểm lâm của 2 huyện cùng bà con nhân dân kịp thời có mặt, khẩn trương dập lửa ròng rã cả đêm hôm trước cho tới ngày hôm sau. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Viết Đường cũng đã có mặt chỉ huy việc dập lửa. Huyện Nam Đàn tăng cường thêm lực lượng các xã đến hiện trường chữa cháy và đề phòng đám cháy lan đến khu lăng mộ vua Mai. 
 
Có thể nói tinh thần dập lửa cứu rừng của nhân dân và các lực lượng rất cao; Lữ đoàn 414 có khoảng trên 300 chiến sĩ tham gia chữa cháy rừng. UBND huyện Nam Đàn  đã huy động được trên 400 người dân thuộc các xã Vân Diên, Nam Thái, Nam Thượng, Nam Giang gồm cả lực lượng dân quân tự vệ lên cứu rừng. 2 ngày qua, huyện Nam Đàn hủy tất cả các cuộc họp, huy động cả các phòng ban để chữa cháy rừng. Lực lượng chữa cháy được chia làm 5 mũi, 3 mũi chữa cháy rừng, 2 mũi tập trung phát đường băng cản lửa, nỗ lực  cho đến trưa ngày 26/5 đám cháy mới được dập tắt sau khi thiêu cháy thêm của xã Vân Diên và Nam Thái khoảng 1 ha rừng. Ngay sau đó, huyện Nam Đàn cắt cử lực lượng xử lý tàn cháy và tăng cường canh gác lửa rừng. 
 
Nguy cơ lan rộng lửa rừng rất cao
 
Đề cập đến vụ cháy, Ths. Nguyễn  Xuân Tiến – Phó Giám đốc  Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ nói: “Dù có nắng nóng đến đâu cũng không thể gây cháy nếu như không có lửa. Vậy lửa ở đâu ra? Chỉ có thể là con người đưa vào rừng”. 
 
Ngọn lửa cao quá đầu người. Ảnh Nguyễn Nam
 
Thanh Khai là xã hầu như năm nào cũng xảy cháy rừng to nhỏ, vậy vai trò của cấp chính quyền cơ sở ở đâu khi liên tục để xảy ra cháy  và đã bị nhận hình thức kỷ luật nào chưa? UBND huyện Thanh Chương với đặc thù ở xa xã Thanh Khai liệu đã có giải pháp gì để giáo dục và ngăn chặn nạn đốt rừng ở xã này? Đối với rừng ở xóm Tân Phong của Thanh Khai, không quá khó để quan sát người lên, xuống rừng. Hay như ở Nam Đàn, những khu vực “nhạy cảm”  dễ cháy như Núi Đụn, Vân Diên… khi báo động cháy rừng đã ở mức cao nhất thì việc canh lửa rừng và phát hiện lửa ra sao? Nếu trực canh từ trên cao và liên tục thì việc phát hiện  khói và lửa rừng chắc chắn sẽ tốt hơn. Được biết ngày 25/5, khi lên chỉ huy việc chữa cháy rừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Viết Đường đã trực tiếp phê bình huyện Thanh Chương trong việc để xảy ra cháy rừng.
 
Vấn đề nữa, việc cháy lan từ xã Thanh Khai sang địa bàn các xã thuộc huyện Nam Đàn gây ảnh hưởng đến khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt. Vậy việc làm đường băng cản lửa đạt yêu cầu, chống cháy lan ở khu vực này ra sao? Ông Võ Trọng Cường – cán bộ Hạt Kiểm lâm Nam Đàn cho biết: Trên đỉnh núi Đụn đã có đường băng cũ rộng khoảng 15m nhưng do chưa được phát dọn thực bì nên khi cháy lửa dễ dàng lan sang. Trách nhiệm này thuộc về Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn...”.  Vấn đề nữa, là đối với việc xử lý tàn lửa cũng chưa được xử lý triệt để gây cháy trở lại làm tốn công sức và vật lực của các lực lượng...
 
Thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng cao độ. Theo dự báo của  Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, trong khoảng 1 tuần tới, nhiệt độ ở Nghệ An vẫn duy trì ở 38 độ C, có nơi 39 độ C; nắng nóng  gay gắt, nguy cơ cháy rừng cao, bởi vậy việc phòng ngừa cháy rừng là điều rất quan trọng và vụ cháy rừng các ngày 25, 26/5 trên địa bàn 2 huyện Thanh Chương và Nam Đàn cho thấy nguy cơ bùng lan rộng đám cháy là hết sức cao khi xảy cháy. Đây chính là sự cảnh báo trong mùa nắng nóng đối với các địa phương trong công tác PCCCR, đặc biệt là các địa phương có nhiều diện tích thông nhựa thuần loài ở các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Nghi Lộc… 
 
Văn Trường

TIN LIÊN QUAN