Là một trong những hộnuôi cá lồngnhiều nhất vùng Nghi Lộc - Cửa Lò với 44 lồng cá, ông Nguyễn Ngọc Huệ (xóm Tân Lập 1, xã Nghi Quang, Nghi Lộc) những ngày này “đứng ngồi không yên” khi 45 tấn cá vược, cá hồng mỹ đang nằm nguyên trong lồng bè.
Ông Huệ cho biết: “Vốn ban đầu bỏ ra khoảng 2 tỷ, mỗi ngày chi khoảng 7-10 triệu tiền thức ăn cho cá, đổ vào đó bao công sức với hy vọng có lãi. Vậy mà năm nay, cá lớn quá trọng lượng vẫn không xuất bán được, giá giảm đến 30-40% nhưng không có ai hỏi mua, vừa xót của vừa nóng ruột”.
Theo ông Huệ cho biết, các năm trước, 45 tấn cá của gia đình ông bán hết vèo trong vòng 1 tháng, ngoài ra, ông còn thu mua cá lồng bè của các hộ dân khác đi nhập cho các khu du lịch ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam. Vậy mà năm nay, các khu du lịch đóng cửa, nhà hàng, khách sạn “nghỉ dịch”, hàng chục tấn cá của gia đình ế ẩm, không biết bán cho ai.
Gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè trên biển đã 13 năm nay nhưng theo ông Nguyễn Văn Ninh (xóm Rồng, Nghi Thiết, Nghi Lộc) chưa năm nào, con cá đặc sản này lại khó tiêu thụ như năm nay. Ông Ninh cho biết: “Mọi năm, vào quãng này là đã bán sạch cá, chuẩn bị cho lứa thả mới. Năm nay, giá giảm thấp nhưng không có thương lái đến thu mua, chỉ bán ra “nhỏ giọt” tại các chợ dân sinh hoặc chở lên thành phố Vinh bán lẻ. Cứ đà này, không biết bao giờ mới bán hết 10 tấn cá”.
Theo thống kê, toàn xã Nghi Thiết có 21 hộ nuôi cá lồng bè trên biển; Nghi Quang có 17 hộ nuôi; Cửa Lò có trên 45 hộ, chủ yếu là các loại cá như: cá vược, cá hồng mỹ, cá chim và cá mú, sản lượng hàng năm lên đến 800 - 1.000 tấn cá các loại. Đây là các loại các đặc sản, có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư và chi phí thức ăn lớn. Do đó, không tiêu thụ được, người dân thất thu không nhỏ.
Cá lớn quá trọng lượng xuất chuồng, trong khi chi phí thức ăn phải trang trải hàng ngày khá lớn nên nhiều hộ nuôi đành phải cắt giảm lượng thức ăn cho cá, chỉ cho cá ăn đủ sức cầm cự. “Càng kéo dài càng thua lỗ. Mỗi ngày, 44 lồng cá ngày 2 bữa, tốn đến 10 triệu tiền thức ăn. Nhưng giờ cắt giảm hết, chỉ dám cho cá ăn 1 bữa/ngày, hết 5 triệu đồng”, anh Huệ cho biết.
Thêm nữa, cá đến kỳ thu hoạch không bán được, trọng lượng tăng, lồng chật sẽ nảy sinh dịch bệnh, hao hụt cá. Nhưng đáng lo nhất là bước vào mùa mưa bão, nếu cá không thu hoạch, không bán kịp, bão tràn vào, lồng bè bị sóng đánh trôi thì ngư dân đối mặt với nguy cơ mất trắng.
Hiện, các địa phương đang nỗ lực tìm cách tiêu thụ cá cho bà con: Các tổ chức đoàn thể đứng ra kết nối tiêu thụ; rao bán cá thông qua Facebook, Zalo; gửi công văn đề nghị Sở Công Thương, các huyện thành thị trong tỉnh để kết nối tiêu thụ… Tuy nhiên, với sản lượng nhiều, trong khi các loại thủy sản khác cũng đang gặp khó khăn chung nên việc tháo gỡ đầu ra cho cá hồng mỹ, cá vược vẫn còn bế tắc./.