(Baonghean) - Nằm dưới chân dãy núi đá vôi, vùng cam Bãi Phủ ở xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) từ lâu nổi tiếng thơm ngon, thanh ngọt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Có giai đoạn, do điều kiện thời tiết và kỹ thuật thâm canh của người dân chưa cao nên cam bị thay thế bằng các cây trồng khác. Nhưng những năm gần đây, bà con đã khôi phục diện tích cam, khẳng định danh tiếng cam Bãi Phủ.
“Tái xuất” cam Bãi Phủ
Thời điểm này, nhiều hộ dân xã Đỉnh Sơn đang thu hái vụ cam đầu tiên sau hơn 4 năm gây trồng lại. Mặc dù, năm nay thời tiết không thuận lợi, nhưng năng suất cam Bãi Phủ vẫn khá cao (25 tấn/ha). Mới bước vào mùa thu hoạch, giá cam đạt từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Gia đình anh Trần Văn Hà ở thôn Tháng Tám, đầu tư trồng 5 sào cam với trên 250 gốc, ước tính năm nay năng suất đạt khoảng 4 tấn. Với giá bán tại vườn khoảng 35.000 đồng/kg tùy vào mẫu mã, vụ cam năm nay gia đình anh thu về trên 150 triệu đồng. Anh Hà cũng như nhiều gia đình trồng cam khác đều phấn khởi bởi mấy năm nay, cam Bãi Phủ được nhiều khách hàng tìm vào tận vườn đặt mua.
Để có được những mùa cam ngọt, từ năm 2012, với nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn, được sự ủng hộ của huyện, xã Đỉnh Sơn đã triển khai dự án khôi phục thương hiệu cam Bãi Phủ. Thực hiện đề án này, xã Đỉnh Sơn đã hỗ trợ người dân vay vốn trên 1 tỷ đồng để đầu tư phát triển; đến nay diện tích cam toàn xã đạt gần 60 ha, trong đó có khoảng 40 ha cho thu hoạch. Nhiều diện tích cho năng suất cao, thu nhập ước tính đạt trên 500 triệu đồng/ha. Đặc sản cam Bãi Phủ đã và đang định vị được thương hiệu trên thị trường. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nỗ lực khôi phục lại thương hiệu cam Bãi Phủ của người dân huyện miền núi này.
Mảnh đất Đỉnh Sơn ở dưới dãy đá vôi, đoạn giáp ranh với xã Yên Khê (Con Cuông), vốn trước đây là địa bàn đứng chân của Nông trường Bãi Phủ nổi tiếng với chất lượng cam quả. Cam Bãi Phủ không chỉ được biết đến là loại đặc sản ở miền Tây Nghệ An, mà nông sản này còn được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô và Đông Âu vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Theo nhiều gia đình, việc trồng cam dưới chân núi đá vôi đem lại chất lượng thơm ngon vì vùng đất này ít phèn chua do đất đá trôi từ trên núi xuống; đồng thời dãy núi cũng góp phần chắn bớt sương, gió cho cam. Hiện nay, xã Đỉnh Sơn có 106 hộ dân trồng cam. Với sự giúp đỡ của huyện, xã đã xây dựng quy hoạch đến năm 2020 sẽ phát triển được trên 200 ha cam.
Hướng tới xây dựng thương hiệu bền vững
Cam Bãi Phủ thực sự để lại ấn tượng cho mỗi người khi thưởng thức với vị thơm lan tỏa, thanh ngọt, múi cam mềm và ít mu (lớp vỏ trắng sát múi cam). Chính vì vậy, hầu hết diện tích cam ở đây khi đến mùa thu hoạch được khách hàng sành ăn săn đón. Nhiều người tìm về tận các vườn cam đặt mua, những khách quen điện thoại cho chủ vườn gửi hàng theo xe khách. Hôm chúng tôi về vùng cam Đỉnh Sơn, chị Đặng Thị Nhâm ở thôn Tháng Tám, đang cắt cam để gửi cho khách ở Đà Đẵng và Hà Nội. Chị Nhâm cho biết, đến mùa cam, khách gọi nhiều lắm, có những người trong vụ cam đặt đến nửa tấn quả. Còn khách ở Vinh gọi lên buổi sáng, chiều sẽ có cam ngay.
Cũng như chị Nhâm, tất cả các hộ trồng cam ở Đỉnh Sơn đang tự trồng, tự chăm sóc và tự bán. Nhiều hộ còn mở ki-ốt bán cam cho khách đi qua Quốc lộ 7. Do cam đang dễ bán nên vùng trồng cam Bãi Phủ chưa xây dựng nhãn hiệu riêng trong Chỉ dẫn địa lý cam Vinh nói chung. Cũng chính vì vậy, nhiều tiểu thương đã lợi dụng, trà trộn những loại cam khác, trong đó có cả cam Trung Quốc rồi lấy “danh” cam Bãi Phủ để bán cho người tiêu dùng.
Nhận thấy nguy cơ đó, trong Đề án phát triển cây cam đến năm 2020, xã Đỉnh Sơn có tính đến việc đăng ký nhãn hiệu cam Bãi Phủ, từ đó bảo vệ vùng sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân. Theo ông Đinh Viết Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đỉnh Sơn, trong quá trình triển khai, xã đã lập đề án vay 2,2 tỷ đồng hỗ trợ người dân trồng cam, cùng với vốn tự có của người dân khoảng trên 5,2 tỷ đồng nữa sẽ trồng thêm 60 ha cam, nâng tổng diện tích cam trên địa bàn vào năm 2020 trên 120 ha. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xã cũng như người trồng cam rất mong muốn các cấp hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cam Bãi Phủ để phát triển bền vững.
Trao đổi về chiến lược phát triển cây cam trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Sáng - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: Qua khảo sát chất đất, khí hậu, trên địa bàn huyện có thể phát triển được 300 ha, chủ yếu tập trung ở xã Đỉnh Sơn và một số diện tích lân cận để tạo nên thương hiệu cam Bãi Phủ. Với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, hầu hết những hộ trồng cam trên địa bàn đã từng bước nắm chắc kỹ thuật chăm sóc cây cam. Trong điều kiện diện tích không tăng thêm, huyện sẽ hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình trồng cam theo hướng hiện đại, áp dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt Israel và sử dụng các giống cam chất lượng cao, trong đó phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 100 ha phát triển theo hướng hiện đại. Bên cạnh khai thác các cơ chế hỗ trợ của cấp trên (Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND ngày 17/11/2014), huyện sẽ nghiên cứu lồng ghép các nguồn lực, có cơ chế hỗ trợ phù hợp với những diện tích trồng cam trong thời gian tới.
Về tổng thể, vùng cam Bãi Phủ ở Anh Sơn chưa rộng lớn bằng một số địa phương khác. Nhưng với những lợi thế về đất đai, tiểu vùng khí hậu của khu vực trồng cam đang tạo ra sản phẩm ghi dấu đối với người tiêu dùng. Vấn đề đặt ra với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, chính các hộ trồng cam cũng cần tính đến sự gắn kết bền chặt trong quy trình trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm, để cam Bãi Phủ “vang danh” có thể trường tồn, đem lại giá trị kinh tế bền vững./.
Nhóm P.V