(Baonghean) - Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, bởi người dân sẽ được sử dụng điện an toàn, ổn định, không phải chịu thêm những chi phí phát sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn một số xã trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện việc bàn giao. Vấn đề hoàn trả vốn sau tiếp nhận còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện được do thiếu hồ sơ thủ tục liên quan.

Chưa thống nhất phương án bàn giao

Xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu) là một trong số ít địa phương trên địa bàn tỉnh chưa bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bá cho rằng: Phía chính quyền địa phương đồng tình cao việc bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý, tuy nhiên do HTX Điện năng đã đóng góp cổ phần để nâng cấp lưới điện trong những năm qua, nên việc bàn giao LĐHANT cho ngành Điện là do HTX chủ động thực hiện. Mong muốn của chính quyền địa phương là bàn giao càng sớm càng tốt.

Còn ông Vũ Huy Trung - Giám đốc HTX Điện năng Quỳnh Bá cho rằng: Năm 2004, UBND xã giao cho HTX Điện năng quản lý công trình điện, HTX tổ chức cổ phần hóa điện năng. Có 38 hộ xã viên tham gia đóng cổ phần được 134 triệu đồng, chiếm 49% giá trị hệ thống điện của xã (thời điểm đó). Trong nhiều năm qua, HTX thường xuyên nâng cấp hệ thống điện lưới, đảm bảo an toàn cho khách hàng sử dụng điện. Chủ trương bàn giao hệ thống LĐHANT cho ngành Điện quản lý là HTX đồng tình, nhưng HTX đề nghị, sau khi có quyết định của UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ bàn giao thì phải chi trả tiền trước cho HTX trước thì mới bàn giao, vì liên quan đến cổ phần của xã viên.

images1770649_bna_584e70628fa96.jpgÔng Vũ Huy Trung - Giám đốc HTX Điện năng Quỳnh Bá cho rằng do cổ phần hóa nên hệ thống điện lưới trong xã luôn được nâng cấp.

Còn ở xã Nghi Liên (TP. Vinh) cũng là địa phương chưa bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý. Qua trao đổi, ông Nguyễn Đăng Tuấn - Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Nghi Liên cho rằng: Sở dĩ LĐHANT của địa phương chậm bàn giao cho ngành Điện quản lý là do còn vướng mắc một số chi tiết của hồ sơ, trong đó các cấp ngành chưa tiến hành thẩm định lại giá trị khối lượng tài sản. Năm 2014, HTX đã chủ động bàn giao lưới điện cho ngành Điện quản lý. UBND xã và điện lực huyện định giá tài sản lưới điện hơn 3 tỷ đồng, lập hồ sơ bàn giao, nhưng cho đến nay các ngành cấp tỉnh chưa tiến hành thẩm định lại, nên chậm trễ. Quan điểm của HTX là trước khi bàn giao, UBND tỉnh phải có quyết định rõ ràng, cơ quan nào hoàn trả tiền cho nhân dân và thời điểm hoàn trả, để HTX có cơ sở pháp lý thực hiện.

Nguyên nhân một số xã và một số cụm đến nay chưa bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý, theo báo cáo của Công ty Điện lực Nghệ An là do: HTX hoặc tổ chức điện nông thôn đang thực hiện kinh doanh có lợi nhuận nên chưa đồng ý bàn giao. Tài sản do HTX đầu tư theo hình thức cổ đông, hoặc dân góp với trị giá lớn, không có hồ sơ chứng minh nguồn vốn nên khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn trả. Mặc dù UBND các huyện, Công ty Điện lực Nghệ An, UBND xã và các HTX đã làm việc nhiều lần, nhưng các HTX không nhất quán quan điểm.

Nhiều công trình điện không đủ chứng từ hợp lệ

Đối với công tác hoàn trả vốn sau khi tiếp nhận LĐHANT, hầu hết những người dân khi chúng tôi đề cập họ đều thắc mắc, không hiểu vì sao Nhà nước chưa hoàn trả tiền đóng góp xây dựng lưới điện cho dân từ cách đây hàng chục năm. Ông Bùi Thái Châu, xóm Bắc Liên, xã Diễn Kim (Diễn Châu) chia sẻ: Dù xã đã bàn giao lưới điện cho Nhà nước cách đây hơn 7 năm nhưng tới thời điểm này, người dân chúng tôi chưa nhận được khoản tiền hoàn trả nào. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương, đây luôn là vấn đề được đông đảo bà con kiến nghị. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Xuân Bang - Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Theo Thông tư 32/BTC, xã đã bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý vào năm 2009 với tổng giá trị lúc đó hơn 148 triệu đồng và đây là tiền của nhân dân đóng góp. Địa phương đã lập hồ sơ gửi ngành Điện lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn trả.  

Theo ông Trịnh Phương Trâm - Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An, căn cứ hướng dẫn Thông tư 06/2010 (TT06) và Thông tư liên tịch - BTC ngày 3/2/2010 liên Bộ Tài chính - Công thương; Thông tư 32/2013 (TT32) và Thông tư liên tịch - BCT - BTC ngày 4/12/2013: Đối với các công trình LĐHANT bàn giao trước TT06 có hiệu lực thì giữ nguyên theo quyết định bàn giao, hoặc biên bản giao nhận giữa 2 bên. Phần lớn các xã trên địa bàn tỉnh bàn giao trước 3/2/2010 và nguyên tắc bàn giao theo phương thức tăng giảm vốn, nên không thuộc đối tượng hoàn trả.

Đối với các xã tiếp nhận sau khi có TT06, các xã thống nhất tự nguyện bàn giao tăng giảm vốn, hoặc bàn giao nguyên trạng để ngành Điện bán điện, nên không thuộc đối tượng hoàn trả. Đối với tài sản lưới điện xây dựng bằng nguồn vốn của địa phương: Tại thời điểm lập hồ sơ giao nhận, do không có hồ sơ, chứng từ hợp lệ chứng minh nguồn gốc tài sản nên chỉ tạm ghi nguồn vốn theo khai báo của địa phương. Bên giao có trách nhiệm lập hồ sơ hoàn trả theo hướng dẫn của TT 32 để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 86 địa phương có hồ sơ công trình với tổng trị giá 33,5 tỷ đồng.

Hệ thống điện lưới trong xã Quỳnh Bá.

Cũng theo ông Trâm, trong số 86 công trình tiếp nhận theo nguyên tắc hoàn trả theo hướng dẫn TT06 và TT32 nói trên, hiện tại chỉ có 20 chủ đầu tư đã gửi Công ty Điện lực Nghệ An một số hồ sơ, nhưng do không đầy đủ chứng từ theo chỉ dẫn và danh sách thu tiền của dân lập nên Tổng Công ty không chấp nhận.

Nguyên nhân, theo TT32/2013 quy định: Hồ sơ để hoàn trả tuyệt đối không được lập lại, sửa chữa, tẩy xóa. Hồ sơ hoàn trả bao gồm hồ sơ công trình và các chứng từ chứng minh nguồn gốc vốn xây dựng công trình. Trên thực tế, phần lớn lưới điện các xã xây dựng tự phát, hoặc thủ tục đầu tư không đúng trình tự công tác đầu tư xây dựng theo quy định. Mặt khác, phần lớn lưới điện được xây dựng từ lâu, nên hồ sơ, chứng từ không có hoặc không đầy đủ, nên không chứng minh được nguồn vốn theo hướng dẫn. Hồ sơ giao nhận được lập giữa Công ty Điện lực Nghệ An và xã chỉ tạm ghi nguồn vốn theo khai báo của địa phương, nên việc hoàn trả chưa thực hiện được.

Theo số liệu của Công ty Điện lực Nghệ An, đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 421/423 xã đã bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý, với 10.476 km đường điện 0,4 Kv; 644.911 hộ sử dụng điện 1 pha và 18.406 hộ sử dụng điện 3 pha. Tổng giá trị tiếp nhận gần 453 tỷ đồng, trong đó vốn vay WB trên 250 tỷ đồng, vốn đối ứng địa phương gần 21,6 tỷ đồng, vốn của nhân dân và các tổ chức khác đóng góp gần 181 tỷ đồng. 

Hiện còn 2 xã: Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu), xã Nghi Liên (TP. Vinh) và 10 đơn vị: HTX Quý Vinh - Quỳnh Lưu, HTX Mê Công, xã Quỳnh Thiện (Quỳnh Lưu), Nông trường Ngọc Lâm, Nông trường Hạnh Lâm (Thanh Chương), Tổng đội TNXP2 Thanh Chương, Tổng đội TNXP5, Xí nghiệp chè Bãi Phủ, Xí nghiệp chè Anh Sơn, Công ty TNHH 2 Thành viên TĐ TNXP 4, chưa bàn giao LĐHANT cho ngành Điện quản lý. 

X.Hoàng - Q.An

TIN LIÊN QUAN