(Baonghean) - Cách đây chưa lâu, dư luận cả nước xôn xao về việc một ông nông dân có tài về cơ khí nhưng chỉ được vinh danh ở nước ngoài với hàm đại tướng quân, còn trong nước thì không và việc một tài năng bóng đá trẻ vừa mới chớm nổi đã bị người ta dòm ngó, săm soi theo đúng kiểu “bới lông tìm vết” về ngày sinh tháng đẻ khiến cho không ít người phẫn nộ và giật mình khi nhận ra rằng người thật sự có tài ở ta hình như không được ưa chuộng lắm và khó có cuộc sống bình yên với cái “thói ghen ăn, tức ở” mà lớp trẻ ngày nay nói gọn lại là GATO!
Vậy GATO có phải là một trong những đặc tính cố hữu của người Việt ta? Thật không mấy khó khăn để khẳng định một cách đau buồn, đó đúng là một đặc tính thuộc diện “thâm căn, cố đế” của dân ta. Vì rằng, trong từ xa xửa, xa xưa đã có câu ca dao “Trâu buộc thì ghét trâu ăn/ Quan võ lại ghét quan văn dài quần”. Hễ thấy ai hơn mình, khác mình đi một chút, dù đó chỉ là miếng ăn hay manh quần tấm áo thì lấy làm khó chịu và ganh ghét ra mặt. Còn ngày nay, người ta cũng đã đúc kết được rằng “Giàu thì ghét, nghèo thì khinh, thông minh thì trù dập”. Nghĩa là, bất cứ ở phương diện nào thì người ta cũng tìm ra được lý do để mà “dìm hàng” nhau. Vì thế, tâm lý phổ biến chung là “xấu đều hơn tốt lỏi”.
Khi đói nghèo, hoạn nạn thì sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo giúp nhau. Nhưng hễ thấy ai đó nổi trội hẳn lên trong cộng đồng làng, xã hay trong tập thể cơ quan, đơn vị là sẽ bị không ít người tìm cách “níu áo” lại bằng đủ mọi chiêu thức, mánh lới để rút cục là cho “bằng anh, bằng em”. Vì thế mà cho dù chúng ta đã có một chính sách nhất quán từ trên xuống dưới là “trọng dụng người tài”. Và các địa phương một thời rầm rộ trải thảm đỏ mời gọi nhân tài. Nhưng rồi cho đến nay, người tài vẫn chưa xuất hiện trong các bảng lương của các cơ quan công quyền, các tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách. Thật ra, cũng đã có những người nghe theo tiếng gọi đó tìm đến với thiện chí cống hiến tài năng, nhưng sau một thời gian sống trong bầu không khí sặc mùi đố kỵ và phải vất vả đối phó với đủ sự “gây hấn” từ lời nói đến hành động của những người chung quanh thì người tài buộc phải tự mình từ bỏ những ưu đãi dành cho họ mà “khăn gói” ra đi.
Những người tài khác, nhìn vào đó đâm ra ngại ngần và dứt quyết không bước chân vào những tấm thảm đỏ đã được trải sẵn ra. Bằng chứng rõ nét nhất là mười mấy nhân tài trẻ đứng đầu mười mấy cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, chỉ có duy nhất một người về nước làm việc sau khi học hành thành tài, và về nước nhưng cũng không vào làm ở cơ quan nhà nước. Thế là, năm nào cũng như năm nào trong các báo cáo tổng kết năm của các địa phương, cơ quan, đơn vị, bộ, ngành ... khi nói về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém bao giờ cũng có nguyên nhân là do trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới... Nơi nào cũng vậy, cũng thiếu người tài năng phục vụ thì làm sao mà đưa đường, dẫn lối cho cả nước tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc trên con đường CNH, HĐH được? Thế mới thấy, cái thói GATO nó nguy hại đến nhường nào!
Không chỉ GATO, mà dân xứ ta còn có một đặc tính nữa là thích khen, ưa nịnh. Cho dù, những lời khen, nịnh đó là không thật, là giả dối. Bởi thế, mới có chuyện, khi nước ta được một tổ chức đánh giá là có chỉ số hạnh phúc cao hàng thứ 2 thế giới, nhiều người đã phì cười như nghe chuyện tiếu lâm, nhưng lại không thấy ai phản biện ngược lại, nhất là từ phía các cơ quan công quyền. Ấy thế nhưng, khi hai sân bay quốc tế lớn nhất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị xếp hạng là 1 trong 10 sân bay tệ nhất châu Á thì ngay lập tức, các cơ quan chức năng liên tiếp phản pháo. Một điều cần lưu ý là khi điều tra chất lượng sân bay, người ta trực tiếp quan sát và hỏi hành khách mà chủ yếu là khách nước ngoài. Vì thế mới có kết quả sát thực thế. Còn việc công bố chỉ số hạnh phúc là chỉ căn cứ vào điều tra xã hội học, bằng cách phỏng vấn từ chính người Việt Nam ta, nên mới ra kết quả bất ngờ đến trớ trêu đó.
Chắc những người ở tổ chức đánh giá chỉ số hạnh phúc của thế giới đã không biết dân ta có câu là “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” nên mới làm nảy ra kết quả như vậy. Không hẳn người Việt ta không thích nói thẳng, nói thật nhưng vì trải qua bao lần hứng chịu những hậu quả từ sự thẳng thật, nên rút ra kết luận là “Nói thật thì mất lòng”. Mà mất lòng là mất tất cả, quyền lợi, địa vị và cả tình yêu thương. Cho nên, từ thời xa xưa, dân ta đã nhắc nhở, răn dạy nhau là “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Thế là ai ai cũng ra sức nói, ra sức trao cho nhau những lời lọt tai, vừa lòng. Bất chấp thực tế ra sao. Bây giờ đang là thời điểm các cấp, các ngành, các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai tổng kết, kiểm điểm cuối năm. Cứ để tâm lắng nghe những lời nhận xét, kết luận về nhau thì sẽ rõ ra ngay. Còn nhìn rộng ra thì thấy, cuộc sống của phần lớn người dân, nhất là nông dân và người lao động ở các đô thị, cuộc sống đang rất nhiều khó khăn. Nhưng trong các bản báo cáo thì kết quả phát triển kinh tế - xã hội “năm sau luôn cao hơn năm trước”. Trong khi, sự khốn khó của người dân thì vẫn như cũ, thậm chí có nơi còn khó hơn. Cái chính là thói ưa nịnh, không thích chê và ghét bị chỉ trích nên không nhận ra yếu kém, khuyết điểm để mà sửa chữa, dẫn đến trì trệ, chậm tiến bộ, chậm phát triển.
Dư luận trong và ngoài nước thời gian gần đây đã lên tiếng cảnh báo nếu Việt Nam không có sự thay đổi trong tư duy và hành động thì sẽ tụt hậu so với các nước nghèo mới nổi trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanma... Cho dù, nước ta đã tiến hành đổi mới từ năm 1986, trước láng giềng hàng chục năm và đã từng có những bước nhảy vọt đang nể. Lý do dẫn đến thói thích khen của dân ta đã được một vị giáo sư khả kính, đồng thời là Ủy viên của Hội đồng lý luận Trung ương chỉ ra căn nguyên là do dân ta có truyền thống mưu sinh bằng nông nghiệp trồng trọt, mà nông nghiệp lúa nước thuộc loại âm tính nhất nên nền văn hóa Việt Nam của chúng ta thuộc loại âm tính, mang những đặc trưng khác hẳn những nền văn hóa dương tính. Văn hóa âm tính giống như tính cách của người đàn bà, thích sự ổn định và luôn hướng tới sự ổn định, rất ngại mọi sự thay đổi. (Mà đã là đàn bà thì dĩ nhiên là thích khen và ưa nịnh...?)
Nếu thật sự đúng là như vậy, để đất nước thoát khỏi sự trì trệ và có những bước tiến mới nhanh và mạnh hơn trong thời gian tới thì cần phải giảm bớt âm tính và loại bỏ thói... GATO!
Bụt Sơn