(Baonghean.vn) - “Cây đa, bến nước, sân đình” là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Ngày nay, những hình ảnh ấy không còn biểu hiện rõ nét trong đời sống cộng đồng. Nhưng nhưng đình làng Dụng ở xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) vẫn giữ hồn cốt quê hương gắn liền với những dấu ấn lịch sử hào hùng dân tộc, là niềm tự hào của nhiều thế hệ nơi đây.
Đình làng Dụng nằm trên lưng chừng đồi theo hứng Tây Nam, nằm giữa khu dân cư đông đúc và trù phú. Phía trước là con sông chảy từ Đông Hiếu về làng, bên kia là Lèn Vụt vươn mình. Phía sau có giếng khơi nước trong vắt, dân cả thôn dùng không khi nào cạn, cạnh đó có núi Cột Cờ. Nhiều người cho rằng đình có thế “sơn hồi, thủy tụ” nên có thể kết phát lâu dài, bền vững.
Theo một số tư liệu lịch sử và các bậc cao niên trong vùng, đình làng Dụng được nhân dân xây dựng vào thời Hậu Lê, được tu sửa lại từ thời nhà Nguyễn để thờ các vị thần có công hộ quốc bảo dân. Đình còn phối thờ Thành hoàng là và là nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân làng Dụng xưa (nay gồm 5 xã: Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp, Nghĩa Thái, Nghĩa Hoàn và Nghĩa Phúc của huyện Tân Kỳ).
Nghệ thuật kiến trúc bên trong được bài trí hài hòa. Bàn thờ thần với các long ngai bài vị, lư hương, hạc chầu và hệ thống hiệu bụt được làm từ chất liệu gỗ mít. Trên xà ngang gian giữa có khắc dòng chữ Hán: “Hoàng triều Bảo Đại thập nhị thất niên Đinh Sửu trọng thu nguyệt công thành” (Giữa mùa thu, năm Đinh Sửu, niên hiệu Bảo Đại thứ 12 (1937) hoàn thành).
Ngoài ra, trong hai cuộc kháng chiến chống pháp và chống Mỹ cứu nước, đình làng Dụng còn là nơi nuôi cán bộ đảng, cất giấu tài liệu, đồng thời là nơi nhân dân làng Dũng tập hợp lực lượng bắt Việt gian, phá đồn điền, giành chính quyền về tay nhân dân.
Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình làng Dụng là điểm dừng chân, trú quân của nhiều đơn vị bộ đội trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, qua đó bà con địa phương cũng đã đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Phương Thúy