(Baonghean.vn) – Không chỉ “tròn vai” Bí thư đảng ủy thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) mà anh Hoàng Trung Thông còn năng động, táo bạo trong phát triển kinh tế; tạo việc làm cho những người lầm lỗi trở về địa phương sau mãn hạn tù. 

Bí thư “mê” làm kinh tế

Chỉ mới 46 tuổi nhưng ai gặp lần đầu đều ấn tượng bởi dáng vẻ già dặn của anh Hoàng Trung Thông. Có lẽ bởi mưu sinh vất vả đã khiến vết hằn của thời gian in đậm trên khuôn mặt anh. Anh quê gốc Diễn Thành (huyện Diễn Châu), do chiến tranh, lên 2 tuổi, anh theo bố mẹ sơ tán lên vùng đất Quế Phong. Vốn là người miền biển nay phải mưu sinh trên vùng núi khiến gia đình anh gặp vô vàn khó khăn.

Tuổi thơ của anh lớn lên gắn liền với những chuyến đi rừng và bấp bênh bữa đói bữa no. Chính trong những khó khăn vất vả ấy anh đã nuôi ước mơ thoát nghèo bằng con đường phát triển trang trại. Nghĩ là làm, anh bắt đầu khởi nghiệp với cây chanh leo và cây quế, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại không như mong muốn.

images1657421_cam_ho_ng_trung_th_ng.jpgHiện 3.200 gốc cam của anh Thông đã cho quả

Tiếp đó, tìm hiểu qua sách báo thấy nhiều nơi trồng cam thu lãi cao. Sau khi học hỏi kinh nghiệm, tìm được nơi cung cấp giống, anh quyết định đầu tư trồng 5 ha, trong đó phần lớn là giống cam xã Đoài với 2.800 gốc, còn lại là 400 gốc cam sành. Anh đầu tư cả hệ thống tưới nhỏ giọt, vừa tiết kiệm được chi phí nhân công lao động, vừa đảm bảo độ ẩm cho cây cam. 

Ngoài ra, anh còn mạnh dạn tìm hiểu mô hình trồng hồ tiêu tại vùng Quế Sơn. Ban đầu anh trồng thử 3 ha. Tuy nhiên, vụ đầu tiên gần như thất bại hoàn toàn. Lý do là bởi cây tiêu vốn thân leo nên đòi hỏi phải có cây thân gỗ trồng kèm để tiêu bám phát triển nên anh đã chọn cây núc nác về làm trụ. Nghĩ rằng cây núc nác vừa tạo được trụ vững chắc cho tiêu trong khi sau một thời gian có thể tận dụng được gỗ khai thác từ thân để “lợi cả đôi đường”. Mất hơn 600 triệu để mua cây thì hầu như cây chết hết do không hợp khí hậu.

Không khuất phục trước thất bại, anh tiếp tục tìm hiểu để thay đổi loài cây cột trụ, cải tiến kỹ thuật chăm sóc và thu gọn diện tích trồng tiêu còn 2 ha để tập trung đầu tư. Đến nay hơn 3.500 gốc tiêu đã bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại, trang trại của anh tạo việc làm ổn định cho 15  lao động địa phương, chưa kể lao động thời vụ.

Tạo việc làm cho những người lầm lỡ

Làm kinh tế thì không ai không phục anh Thông, tuy nhiên, điều khiến người dân đất Quế “nể” nhất là việc, anh đã tạo việc làm cho 10 lao động là người từng lầm lỡ có thu nhập ổn định 6.000.000đồng/tháng. Theo anh, "nếu muốn những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, không quay lại con đường cũ thì phải tạo cơ hội cho họ được lao động sản xuất, ổn định cuộc sống"

Anh Lương Văn Sơn là một trong số những trường hợp được anh Thông tạo điều kiện có việc làm ở trang trại của mình. Được biết, sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, anh Sơn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc làm. Trong hoàn cảnh đó, không chỉ động viên bằng lời nói, anh Thông đã tạo điều kiện cho anh Sơn trông coi trang trại, chăm sóc vườn cam của mình, với mức lương ổn định. "Đây là bước ngoặt, là cơ hội để tôi làm lại cuộc đời", anh Lương Văn Sơn cho biết.

Không chỉ mình anh Sơn có việc làm, chị Liên (vợ anh Sơn) hiện cũng là lao động chính trong trang trại của anh Thông

Chia sẻ về những quyết định táo bạo trong làm ăn kinh tế, cũng như việc "dùng người" của mình, anh Thông khiêm tốn cho rằng "Có gì đáng kể". Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy đó là anh đã chiến thắng được những giới hạn của bản thân để thực hiện ước mơ thoát nghèo của mình, và hơn hết đó chính là lòng bao dung, sự cởi mỡ, giang rộng vòng tay với những người lầm lỡ...

                                                                                                                                    Thanh Quỳnh

TIN LIÊN QUAN