(Baonghean) - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh về quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, từ đầu năm 2014 đến nay, chính quyền huyện Quỳ Hợp đã triệt để nghiêm cấm mọi hình thức khai thác cát, sỏi trên sông Dinh. Bởi "quản" chặt, tình hình cát, sỏi trên địa bàn trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Chính quyền cơ sở băn khoăn cho tiến trình xây dựng nông thôn mới, không ít người dân lo lắng bởi sinh kế bị ảnh hưởng...
Băn khoăn, lo lắng
Xóm Cốc Mặm (xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp) nằm sát bờ sông Dinh là một xóm thuần đồng bào dân tộc Thổ. Nơi đây có 126 hộ, 495 nhân khẩu và đang thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong cái oi nồng của nắng tháng 5, ông Trương Văn Biển - Xóm trưởng, đưa chúng tôi đi thăm con đường loại A mới được nhân dân san lấp mặt bằng mà lòng chẳng mấy vui. Ông Biển nói: "Năm 2013, xóm được cấp xi măng do tỉnh hỗ trợ để làm 500 m đường loại B. Vậy nên bây giờ nói làm đường nông thôn mới ai cũng nhất trí và đã hiến đất, cây vườn, vật kiến trúc rồi tham gia ngày công hoàn thiện nền 1.000 m đường, rộng 7 m. Kế hoạch dự tính là khi được tỉnh cấp xi măng, nhân dân sẽ tiếp tục đóng góp tiền, cát, sỏi và ngày công để hoàn thiện con đường. Vậy nhưng chúng tôi đang rất lo, bởi hiện nay huyện và xã triệt để nghiêm cấm khai thác cát, sỏi ở sông Dinh...".
Từ năm 2013, ở Quỳ Hợp đã nghiêm cấm việc khai thác cát sỏi trái phép. Tuy nhiên, khi làm đường giao thông nông thôn, các xã có sông Dinh chạy qua địa bàn vẫn cho nhân dân khai thác trong một thời hạn nhất định, tại vị trí không ảnh hưởng đến khu vực đất sản xuất, và không để hiện tượng lún sụt xẩy ra. Xóm Cốc Mặm cũng từng làm tờ trình lên xã và được cho khai thác cát, sỏi trên sông Dinh để làm 500 m đường loại B. "Tôi nghe nói năm nay sẽ không được khai thác. Dân thì nghèo, góp công khai thác cát, sỏi sông Dinh về đã vất vả lắm rồi. Chẳng lẽ bây giờ buộc dân phải góp tiền mua cát, sỏi tận Nghĩa Đàn. Mà nếu không thì lấy đâu ra cát, sỏi để làm. Thế này thì bao giờ Cốc Mặm mới hoàn thiện được đường giao thông nông thôn?" - ông Trương Văn Biển trăn trở.
Theo ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp, cát, sỏi khu vực sông Dinh là những doi cát do quá trình bồi lắng sau mưa lũ. Trước đây, ở Thọ Hợp có một số hộ làm nghề khai thác cát, sỏi nhưng không làm ảnh hưởng đến vùng sản xuất, gây sụt lún. Sau khi có chỉ thị của UBND huyện, những hộ này đã nghiêm túc chấp hành. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn không có một cơ sở nào kinh doanh mặt hàng cát, sỏi. Vì vậy, muốn có cát, sỏi phải hợp đồng mua ở tận Nghĩa Đàn với giá cao gấp 3 đến 4 lần so với trước đây. Ông Sửu trao đổi: "Năm 2013, Thọ Hợp đã hoàn thành xây dựng 4 km đường. Năm nay chúng tôi được giao khoảng 6 km. Nhân dân nghe tin rất phấn khởi, đã hăng hái tham gia hoàn thiện mặt bằng nền đường, vậy nhưng bây giờ biết không được khai thác cát, sỏi tại chỗ thì đâm lo. Chúng tôi cũng đang có ý định kiến nghị huyện có giải pháp phù hợp để giảm gánh nặng trong đóng góp cho nhân dân...".
Tương tự Thọ Hợp, năm nay xã Tam Hợp đăng ký thực hiện 7 km đường giao thông nông thôn. Và theo ông Trương Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã thì Tam Hợp cũng đang đau đầu về vấn đề cát, sỏi. Ông Dũng cho biết, trước đây ở Tam Hợp xẩy ra tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi; năm 2014 đã có cá nhân bị huyện đề xuất tỉnh xử phạt 100 triệu đồng. Từ đó, nạn khai thác cát, sỏi trái phép đã chấm dứt hoàn toàn, nhưng cũng vì vậy mặt hàng cát, sỏi trở nên khan hiếm, đắt đỏ. Người có nhu cầu xây dựng nhà cửa thì tốn kém, trong khi chính quyền thì lo tiến độ thực hiện đường giao thông nông thôn, cứng hóa đường nội đồng không đảm bảo. "Tới đây chúng tôi sẽ kiến nghị huyện xem xét có hướng tháo gỡ khó khăn...".
Nhiều xã trên địa bàn Quỳ Hợp cũng chịu "hệ lụy" từ việc thực hiện nghiêm quy định khai thác cát, sỏi lòng sông. Ở xã Đồng Hợp, để làm giao thông nông thôn, ngoài xi măng tỉnh hỗ trợ thì dựa hoàn toàn vào sức dân. Các nhân khẩu trên địa bàn ngoài góp ngày công còn phải đóng góp bình quân từ 120.000 đồng - 300.000 đồng để mua cát, sỏi và các chi phí khác. Hiện nay, giá cát, sỏi đã tăng lên gấp 3 lần so với trước đây do chi phí vận chuyển từ Nghĩa Đàn về. Ông Cao Hoàng Long - cán bộ địa chính xã cho biết: "Đồng Hợp không có khái niệm về "cát tặc" vì sông Dinh không nằm trên địa bàn. Nhưng hệ lụy sau việc nghiêm cấm khai thác cát, sỏi là rất rõ ràng, nhất là việc thực hiện xây dựng các công trình công cộng như đường giao thông nông thôn...".
Cán bộ cơ sở thì lo thiếu cát, sỏi xây dựng các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong khi đó, không ít người dân lo lắng cho sinh kế của mình. Huyện Quỳ Hợp chưa có doanh nghiệp sản xuất gạch ngói, nên tại địa bàn này có khá nhiều hộ làm nghề đóng gạch táp lô. Từ khi việc khai thác cát, sỏi trên sông Dinh bị cấm triệt để, vì không có vật liệu nên nghề đóng táp lô đã bị đình trệ. Theo chị Ngô Thị Hồng (1 trong 13 chủ cơ sở đóng táp lô ở xóm Thọ Sơn, xã Thọ Hợp) thì mua cát, sỏi nơi khác về để đóng táp lô là không thể vì thu không đủ bù chi, chưa nói đến việc trả lương cho nhân công. Chị Hồng đã hành nghề đóng táp lô được 4 năm, đầu tư máy móc thiết bị gần 70 triệu đồng, ngoài lao động trong nhà có thêm 3 nhân công. Chị Hồng nói: "Khu vực khai thác cát, sỏi đều là khu vực trồng hoa màu trước đây của dân chứ không phải ở lòng sông. Do mưa lũ bồi lấp cát, sỏi, không trồng được hoa màu nên một số hộ chuyển sang nghề khai thác cát, sỏi kiếm sống. Chính quyền cấm khai thác trái phép là đúng nhưng cũng nên mở hướng nào đó để có nguồn cát, sỏi phục vụ nhu cầu xã hội, tạo việc làm cho dân. Như chúng tôi làm nghề đóng táp lô mà cũng đang chịu hệ lụy...".
Đâu là giải pháp
Ngày 6/3/2013, UBND huyện Quỳ Hợp có Công văn số 93/UBND-TN gửi các cơ quan liên quan và chính quyền cơ sở về việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông; ngày 15/10/2013, ông Bùi Thanh An - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp tiếp tục có Chỉ thị số 21/CT-UBND về việc chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó nêu rõ tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi trên sông Dinh dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, gây sạt lở hai bên bờ sông, ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp... để yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn nghiêm túc thực hiện. Từ cuối năm 2013 cho đến nay, các phòng chức năng của huyện Quỳ Hợp và chính quyền các xã xử lý nhiều trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép. Trong đó, đã lập biên bản vi phạm hành chính một số trường hợp và xử phạt bằng tiền mặt, thu giữ máy móc, thiết bị khai thác. Đặc biệt, trong tháng 3/2014, đã đề nghị UBND tỉnh xử phạt đối với hai trường hợp là ông Trương Văn Kính (trú tại xóm Tân Tiến, xã Tam Hợp), bà Trương Thị Hà (trú tại xóm Hợp Long, xã Đồng Hợp).
Ngày 21/3, UBND tỉnh đã có các Quyết định số 1021/QĐ.UBND.KT xử phạt ông Trương Văn Kính mức phạt 16.000.000 đồng, tịch thu một máy nổ hiệu Magic-Wave, một buồng hút cát; Quyết định số 1021/QĐ.UBND.KT xử phạt bà Trương Thị Hà mức phạt 35.000.000 đồng, đồng thời buộc phải nộp số tiền tương đương với giá trị phương tiện bà Hà sử dụng vi phạm hành chính (1 máy xúc hiệu Daewoo Solar) là 100.000.000 đồng. Tổng hợp mức phạt là 135.000.000 đồng. Bên cạnh đó, ông Kính và bà Hà phải có biện pháp phục hồi môi trường khu vực đã khai thác trở về trạng thái an toàn được quy định tại Khoản 5, Điều 37, Nghị định số 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Minh Khôi - Phó phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp thì căn cứ theo quy định, chính quyền huyện đã xử lý rất cương quyết với các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép, và hiện tại tệ nạn này đã chấm dứt. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ là nhu cầu về cát, sỏi của nhân dân để xây dựng nhà cửa và trong thực hiện các công trình công cộng rất lớn nhưng không được đáp ứng bởi Quỳ Hợp chưa có một doanh nghiệp nào được cấp thẩm quyền cấp phép khai thác. Ông Khôi nói: "Cần xem xét cấp phép cho doanh nghiệp thăm dò, khai thác. Có như vậy, chính quyền cấp huyện, xã mới thực hiện tốt công tác quản lý trên địa bàn. Bên cạnh đó còn tạo được nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng được nhu cầu thực tế, việc làm cho lao động địa phương...".
Thực tế thì không chỉ Quỳ Hợp mà một số huyện trên địa bàn tỉnh cũng đang xẩy ra nghịch lý trong công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông. Việc quản lý chặt chẽ không để xẩy ra tình trạng khai thác trái phép là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cần tìm giải pháp để sớm giảm "cơn sốt" cát, sỏi trên địa bàn. Theo tìm hiểu được biết, hiện ở Quỳ Hợp đã có một số doanh nghiệp xin thăm dò, khai thác cát, sỏi xây dựng. Vì vậy, chính quyền huyện Quỳ Hợp cần phối hợp tốt với các cơ quan liên quan thực hiện các quy trình theo quy định để giúp các doanh nghiệp sớm được UBND tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác.
Nhật Lân