(Baonghean) - Những ngày nắng như lửa đốt, chúng tôi đã ngược một số huyện vùng cao chứng kiến nỗi khó khăn, nhọc nhằn do thiếu nước của bà con các dân tộc ở những bản làng miền tây Nghệ An. Có đủ nước để dùng trong sinh hoạt hàng ngày là mơ ước cháy bỏng của người dân nơi đây…
Thiếu nước sinh hoạt
Theo Quốc lộ 48, lên bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp giữa những ngày cao điểm nhất của nắng nóng, gặp mế Trương Thị Chính mồ hôi nhễ nhại đang gồng mình cõng nước về bản. Đặt gùi xuống dưới tán cây bên vệ đường nghỉ lấy sức, mế cho biết: "Trước đây, dòng khe Yên Luốm nước trong vắt, nhìn rõ từng viên sỏi, nay do người ta chặt cây làm rẫy, đào đãi thiếc, khai thác đá trắng làm cho con suối đục ngầu, cá tôm đều chết chứ nói gì nước cho bà con dân bản dùng... Có nhiều nhà đào giếng rất sâu mà không có nước đành phải đi bộ hơn 2 cây số tận dưới xóm Bãi xin nước”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp cho biết: Năm 2011, bản được đầu tư dự án nước sạch bằng chương trình 134/CP, kinh phí 1,2 tỷ đồng, địa phương và dân đóng góp thêm 360 triệu đồng. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, bà con bản Yên Luốm phấn khởi lắm. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, tháng 8/2013, do ảnh hưởng của hai cơn bão số 8 và số 10, bản Yên Luốm cùng nhiều làng bản khác của Châu Quang bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng làm 330 m đường ống chính dẫn nước từ nhà máy nước Qùy Hợp về Yên Luốm bị vùi lấp, cuốn trôi khiến hơn 117 hộ dân với gần 500 nhân khẩu ở bản Yên Luốm không còn nước sạch để dùng. Chủ tịch UBND xã Châu Quang Nguyễn Ngọc Luyện cho biết: Nhận được phản ánh của người dân Yên Luốm, hiện UBND xã Châu Quang đang cố gắng nỗ lực khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước và lên phương án để sớm giải quyết tình trạng thiếu nước sạch như hiện nay.
Rời bản Yên Luốm trong khô khát, chúng tôi tìm đến điểm “khát” xã Văn Lợi, cách Thị trấn Quỳ Hợp hơn 15 km, nơi đây nằm cạnh dãy núi đá vôi, là một trong những xã rất khó khăn về nguồn nước ở huyện. Dọc đường đi, bắt gặp cảnh mỗi phụ huynh đưa con đến Trường Mầm non Văn Lợi đều kèm theo một can nước 20 lít. Chị Lô Thị May, mẹ của cháu Vi Thị Oanh chỉ vào can nước nói: “ Ở đây rất hiếm nước, do vậy một tuần mỗi phụ huynh phải mang theo 2 can nước, mỗi can 20 lít và kèm theo 1 bó củi nộp cho nhà trường”. Chia sẻ về những khó khăn thiếu thốn của các cô giáo tại đây, cô Phùng Thị Hiếu, Hiệu phó Trường Mầm non Văn Lợi cho biết: “Vừa rồi trường mới xin chính quyền xã cho đào giếng sâu hơn 40 mét nhưng bơm lên nước đục ngầu, phải lắng lọc nhưng chỉ để rửa chứ không dám ăn vì không đảm bảo vệ sinh cho các cháu. Nên đành ra quy định mỗi tuần phụ huynh mỗi cháu phải mang 40 lít nước và 1 bó củi để phục vụ ăn uống cho các cháu ở lại bán trú”.
Theo người dân, hầu hết mọi nguồn nước đều bị nhiễm đá vôi, còn nhà nào đào được giếng nhưng rất sâu khoảng 30 đến 40 mét mới có nước nhưng lượng nước rất ít, muốn có nước sạch dùng, người dân ở đây chỉ còn cách hứng nước mưa dự trữ.
Ngược Quốc lộ 7, đến “ cổng trời” Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. Mường Lống được mệnh danh là “Sa Pa xứ Nghệ”, nhưng những ngày này, cái nóng, khô khát nơi đây cũng không thua kém ở vùng quốc lộ 48. Ông Lỳ Pa Chò, bản Mường Lống 1 than thở: “ Trời năm ni lạ quá! Trên xã Mường Lống ta trước đây, buổi trưa nằm phải đắp chăn mỏng, bây dừ giữa trưa nóng khó chịu lắm. Các hốc đá luôn cho nhiều nước, năm ni bà con phải chắt từng ca, cây cối cũng khô héo cả rồi…”.
Xuôi xuống các xã Phá Đánh, Huồi Tụ... gặp bà con người Khơ Mú, Mông các bản Kẹo Lực, Huồi Đun… lầm lũi dưới nắng chói chang đi hàng tiếng đồng hồ mới chắt được một gùi nước hì hục cõng về dùng. Những mảng rừng loang lổ và lau lách khô trắng bốc hơi nóng ngùn ngụt. Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Bùi Trầm, người gắn bó nhiều năm với huyện rẻo cao Kỳ Sơn cho biết: “Trên này chưa bao giờ thấy người Mông ở Mường Lống, Na Ngoi, Nậm Càn, người Khơ mú ở Keng Đu... kêu thiếu nước như năm nay”.
Bao giờ hết khát?
Ở các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn… tuy có nhiều sông suối nhưng vào mùa hè chuyện thiếu nước sinh hoạt vẫn diễn ra thường xuyên. Chương trình 135, 134 của Đảng và Nhà nước đã làm thay đổi bộ mặt vùng cao, tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều công trình nhất là công trình cấp nước sạch ở các xã vùng cao đang trong tình trạng hư hỏng, “đắp chiếu” trong khi người dân phải dùng nước ô nhiễm.
Đơn cử như huyện Quỳ Châu có 12 xã, thị trấn, gần như mỗi địa phương đều có từ 1 đến 2 công trình nước sinh hoạt tự chảy. Công trình nước sạch tự chảy ở xã Châu Bình được hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2012. Hệ thống này đã cung cấp cho 500 hộ dân và 3 đơn vị trường học trên địa bàn nhưng người dân chưa được thụ hưởng bao lâu thì nay công trình này đã bị hư hỏng và xuống cấp.
Hiện nay, gần 90% các bản làng của huyện Kỳ Sơn đều có công trình nước sạch, nhưng do địa hình đồi núi cao, nguồn nước khan hiếm, chảy không đủ mạnh. Hơn nữa, sau nhiều năm sử dụng, các công trình đường ống, bể chứa, vòi nước đã hư hỏng và xuống cấp, nhiều bể nước bỏ không. Ông Vy Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Hiện chúng tôi đang thống kê và lên kế hoạch sửa chữa các công trình nước sạch bị hư hỏng, xuống cấp. Bà con nhân dân cũng cần phải có ý thức bảo vệ và bảo quản các công trình nước sạch xây dựng tại bản, làng mình, khỏi bị hư hại...”.
Theo thống kê của Trung tâm nước sạch - VSMTNT trên địa bàn toàn tỉnh hiện mới có 27% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nguyên nhân là do nhiều trạm cấp nước chậm được đầu tư, nâng cấp, đang bị xuống cấp nặng, hoặc xây dựng dở dang, không thể khai thác. Việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư lĩnh vực nước sạch nông thôn và huy động người dân đóng góp còn hạn chế.
Lý giải vấn đề này, ông Đặng Văn Quyền, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình - Sở NN&PTNT tỉnh cho biết: Nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, khi khảo sát thiết kế nguồn nước đảm bảo, nhưng khi hoạt động được một thời gian, đầu nguồn cạn kiệt không đủ cấp cho công trình. Hơn nữa, địa bàn miền núi thường xuyên xảy ra thiên tai, sạt lở làm hư hỏng, xuống cấp các công trình cấp nước đã được đầu tư. Bên cạnh đó, một số người dân ý thức còn kém do việc chặt phá rừng, khai thác khoáng sản cũng khiến nguồn nước cung cấp từ các khe, suối cho công trình nước bị cạn kiệt. Ngoài ra công trình không được duy tu, bảo dưỡng, khi hỏng thì cũng không có ai báo cáo để sửa chữa kịp thời. Phần lớn các công trình nước sạch tự chảy, do khâu thiết kế, vai trò tư vấn của địa phương chưa được coi trọng, nên khi thiết kế xong công trình lắp đặt không phù hợp...
Thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng. Gió tây nam thổi mạnh, nguồn nước các sông, suối tiếp tục giảm nhanh, hạn hán ngày càng lan ra trên diện rộng. Nếu trong những ngày tới không có mưa, nhiều bản làng hoàn toàn cạn kiệt nước…Bao giờ người dân vùng cao hết khát? Điều đó rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan.
Bài, ảnh: Phạm Ngân