Thời điểm này nông dân xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) đang tập trung thu hoạch hết diện tích mía và triển khai trồng mía vụ xuân. Năm nay tuy giá mía thấp hơn năm ngoái vài chục ngàn/tấn nhưng bù lại sản lượng ổn định nên nông dân trồng mía vẫn cho thu nhập khá, đặc biệt là những diện tích mía Thái Lan năng suất cao.
Theo ông Bạch Hưng Nam - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đức cho biết: Việc chọn giống mía được xã coi trọng để nâng cao năng suất cây mía và thu nhập. Vụ ép năm 2017 xã có 70% diện tích giống mía chống bệnh chồi cỏ như LK92 -11 - là giống mía Thái lan cho năng suất 100 tấn/ha.
Đối với giống mía LK92 - 11 là giống mía chủ đạo của xã thì nông dân tiếp tục chăm sóc, đầu tư để nâng cao năng suất.
Ông Nguyễn Hoa Lưu, xóm 2, xã Nghĩa Đức năm nay trồng mới 15 sào mía Thái Lan chia sẻ: Với những nông dân như chúng tôi cảm thấy trồng mía là an toàn nhất vì không phải lo lắng đầu ra. 1 ha mía trồng giống mới thu nhập trên 50 triệu đồng/ha.
Cũng như ở xã Nghĩa Đức, nông dân Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn) cũng bắt đầu làm đất để trồng 150 ha mía giống mới.
Giống mía KK3 đã được khảo nghiệm, nhân giống đưa vào sản xuất một số xã ở Nghĩa Đàn và mang lại năng suất từ 100 tấn đến 150 tấn/ha. Giống mía có nhiều ưu điểm như: Năng suất và độ đường cao, tái sinh gốc tốt, không trổ cờ, kháng các bệnh than, chưa thấy sự xuất hiện bệnh chồi cỏ như các giống mía khác…
Trong thời gian vừa qua, vùng nguyên liệu mía tại Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đang triển khai áp dụng nhiều biện pháp để thay thế các giống mía mới sạch bệnh, tăng năng suất và chất lượng mía trong vùng như triển khai các trang trại nhân giống mía có năng suất cao, chất lượng tốt và chống chịu sâu bệnh.
Hiện nay cả 2 huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp đã trồng được 500 ha giống KK3 và 3.500 ha LK 92 - 11. Như vậy có 4.000 ha mía được nhân giống mới trên tổng số hơn 13.000 ha mía vùng Phủ Quỳ.
Công ty Mía đường Nghệ An cũng đang nhân giống mía 3 cấp với Viện di truyền nông nghiệp, nuôi cấy mô tế bào tạo ra giống mía sạch bệnh và nhân lên ngoài ruộng cho nông dân./.