Những ngày này, người dân một số xã miền núi huyện Thanh Chương đang thu hoạch cây rành rành. Là một loại cây mọc tự nhiên, nhưng rành rành đã đem lại thu nhập cao hơn trồng keo cho người dân nơi đây.
Từ xa xưa, người dân đã sử dụng loại cây rành rành để làm củi, làm thuốc, làm chổi trện. Hiện nay cây rành rành đang trở thành một mặt hàng “được giá” trên thị trường.
Chị Phan Thị Thắm (35 tuổi) ở xóm Lâm Trang, xã Thanh Lâm đang cắt rành rành ven Quốc lộ 46 cho biết: Không phải bỏ vốn liếng, không mất công chăm sóc nhưng năm nào cây rành rành trong vườn đồi của chị cũng có thu nhập để trang trải chi tiêu trong gia đình.
Theo chị Thắm, ngày trước khi chưa giao đất, giao rừng, người dân lên đồi cắt cây rành rành một cách tự do, mạnh ai nấy cắt. Sau khi chia rừng, phần lớn diện tích đồi hoang ở các địa phương đã được phủ cây keo, cây rành rành chỉ còn tồn tại trên các diện tích đất đồi cằn cội nhất, chủ yếu là các đồi sỏi đá, của nhà nào thì nhà đó bảo vệ để thu hoạch.
Với ưu điểm của chổi trện là quét sạch, dùng bền, do đó nhu cầu về nguyên liệu rành rành trên thị trường khá lớn. Từ một loài cây mọc hoang, đang được người dân khoanh nuôi bảo vệ và ngày càng có giá, đem lại thu nhập hơn cả trồng keo.
Hiện ở xã Thanh Lâm, các xóm như Lâm Sơn, Tân Sơn, khu làng mới… có vài chục gia đình có diện tích đồi núi “để” rành rành, mỗi nhà khoảng 5 – 6 sào. Ông Nguyễn Văn Sơn (56 tuổi) ở xóm Nghi Văn có 17 ha vườn đồi, trong đó hầu hết là trồng keo, chỉ 1 ha trồng sắn và gần 5 sào trồng rành rành. Nói là “trồng” nhưng thực chất là chọn diện tích đồi có cây rành rành, phát bỏ các cây tạp, chờ đến mùa thu hoạch.
Với xã Thanh Xuân thì các xóm Xuân Sơn 1, 2, Xuân Thủy, Xuân Điền, có nhiều hộ dân trồng cây rành rành, trong đó Xuân Sơn 1 nổi tiếng hơn cả. Các hộ dân ở đây như hộ ông Nguyễn Văn Hành, Phan Thái Xuân, Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Lộc…mỗi hộ có trên dưới 1 ha cây rành rành.
Theo ông Nguyễn Văn Hành, thu hoạch rành rành khá đơn giản: Nếu cắt đồng loạt thì mỗi năm cắt 1 lần, chăm sóc tốt, có khi 2 năm cắt 3 lần.Thường cắt vào ngày nắng để phơi hong, khi cây khô thì vò cho rụng hết hoa, lá. 1 ha, mỗi năm thu hoạch được 4,2 – 4,5 tấn rành rành khô.
Nếu bán giá nhập, tùy vào thời điểm, vào độ dài của cây mà có giá từ 170 – 220 nghìn đồng/yến, tính ra 1 ha rành rành cũng thu về 70 – 80 triệu đồng/năm. Nếu gia đình bỏ công thu hoạch, làm chổi bán thì thu nhập còn gấp đôi.
Ngoài ra, lá và hoa rành rành còn được sử dụng để chiết xuất tinh dầu và được mua với giá 40 nghìn đồng/bì tải.
Nhiều người dân trong vùng cũng trở nghề đi buôn chổi. Họ có thể thu mua rành rành về làm chổi, bán lại ở các chợ hoặc nhập cho các nhà buôn lớn để đưa đi thành phố.
Bà Bùi Thị Thanh ở xóm Xuân Liên cho biết, mỗi yến rành rành làm được 25 – 30 chiếc chổi, giá hiện tại 8 – 10 nghìn đồng/chiếc.
Ngoài xã Thanh Lâm, Thanh Xuân, một số xã khác như Võ Liệt, Thanh Thủy, Thanh Hương… cũng có nhiều diện tích đồi trọc có cây rành rành. Nhìn chung ở Thanh Chương, cây rành rành đã và đang đem lại thu nhập khá cho người dân.
Hiện nay, nỗi trăn trở của người dân các địa phương là làm sao mở rộng được diện tích cây rành rành, để tăng thêm thu nhập. Do chưa nắm bắt được đặc tính sinh học, kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây hoang dại này, nên một số hộ dân đang làm theo kinh nghiệm dân gian, hiệu quả chưa cao.