(Baonghean) - Công ty CP Mía đường Sông Con hiện có hơn 6.000 ha mía nguyên liệu trải đều ở các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành. Những năm qua, bà con trồng mía ở các huyện gắn kết với nhà máy nhận đầu tư và chung thủy bán mía cho nhà máy đường Sông Con bởi nhiều chính sách hấp dẫn.
Đổi thay nhờ cây mía
Các xã Đức Sơn, Vĩnh Sơn, Bình Sơn... là những xã vùng tả ngạn của huyện Anh Sơn nhiều năm trước chưa có cây trồng hàng hóa, giao thông đi lại cách trở, việc tiêu thụ nông sản của bà con khó khăn, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy sự cần thiết trong việc phát triển cây công nghiệp, được sự phối kết hợp của địa phương và Công ty CP Mía đường Sông Con, các xã này đã trồng mía cho Công ty CP Mía đường Sông Con nhiều năm qua và cho hiệu quả cao.
Về vùng quê Vĩnh Sơn, Anh Sơn ngày nay, không còn nhiều những ngôi nhà xập xệ mà thay vào đó là những ngôi nhà mới đang dần mọc lên, trong đó nhiều gia đình phát triển nhờ cây mía.
Qua trao đổi, ông Phan Bá Khanh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: Công ty CP Mía đường Sông Con gắn bó với xã chúng tôi từ những ngày bắt đầu trồng mía. Diện tích mía tại Vĩnh Sơn không ngừng tăng lên, năm 2011 chỉ có hơn 10 ha thì nay đã có 80ha. 7/9 xóm đều có người dân trồng mía nguyên liệu. Đời sống bà con Vĩnh Sơn từng bước được cải thiện. Nhà máy còn đầu tư sửa chữa đường ngoài bãi hàng năm để thuận lợi cho việc vận chuyển mía. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân hai xóm 8 và 9 chuyển đổi 30ha diện tích ngô kém hiệu quả để chuyển sang trồng mía.
Ngược dòng sông Lam, chúng tôi tìm về xã Đức Sơn, cũng là một trong những địa phương trồng mía lớn để làm nguyên liệu cho Công ty CP Mía đường Sông Con. Toàn xã Đức Sơn có 76ha mía, diện tích mía hầu như được trải dài khắp toàn xã vì có đến 17/18 xóm có người dân trồng mía.
Ông Nguyễn Văn Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Sơn cho biết: Toàn xã có 76ha mía với khoảng 276 hộ dân trồng. Nhờ những cơ chế chính sách hợp lý của nhà máy mà đời sống người dân từng bước được cải thiện với thu nhập bình quân hàng tháng từ 3 - 5 triệu đồng. Hiện xã còn hơn 100ha đất bãi đang trồng ngô nên những năm tới, theo Nghị quyết Đảng bộ xã sẽ tập trung tuyên truyền, động viên bà con chuyển đổi diện tích này sang trồng mía để nâng diện tích mía trên địa bàn xã lên 180ha.
Đồng hành cùng nông dân
Trên các vùng nguyên liệu mía toàn tỉnh, vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sông Con là vùng ngày càng được mở rộng và có chất lượng bởi sự đầu tư chăm sóc của Nhà máy và nông dân. Có thể nói, để bà con yên tâm sản xuất mía là nhờ công ty đã có các cơ chế đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có lợi cho người trồng mía.
Năm nay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng giá thu mua tối thiểu đối với mía nguyên liệu có độ đường từ 100 CCS trở lên (tại ruộng) là 886.000 đồng/tấn, cao hơn năm trước. Công ty luôn cam kết mua hết sản lượng mía của các hộ đã ký hợp đồng tiêu thụ nông sản và thanh toán ngay cho bà con.
Chính sách hỗ trợ đầu tư cho người trồng mía cũng cao hơn. Nông dân được vay vốn mua máy canh tác mía, hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian 24 tháng cho những hộ đủ điều kiện vay vốn để mua máy làm đất và trồng mía. Mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 5 ha; 50 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 3 ha; thời hạn trả nợ tối đa 24 tháng kể từ ngày chuyển tiền.
Chị Đặng Thị Thủy, ở xóm 5, xã Vĩnh Sơn cho biết: “Chúng tôi an tâm chăm sóc mía là do cơ chế chính sách của nhà máy vô cùng hợp lý và cần thiết đối với bà con. Chúng tôi được nhà máy hỗ trợ, cho vay đầy đủ, những hộ trắng tay vẫn làm được kinh tế. Nếu trồng trước ngày 15/11 hàng năm được nhà máy cho vay phân, hỗ trợ tiền cày bừa. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của nhà máy thường xuyên quan tâm, bám đồng, hướng dẫn bà con các phương pháp chăm sóc mía, phòng trừ các loại sâu bệnh. Họ ăn ngủ với bà con nông dân để tiện theo dõi và hướng dẫn chúng tôi cách chăm sóc mía nên ai cũng rất quý mến xem như người nhà.
Ông Lê Văn Kỳ, ở xóm 7, xã Đức Sơn năm nay thầu 3,5 ha đất trồng mía. Ông Kỳ chia sẻ: Trong điều kiện nông sản được mùa, mất giá như hiện nay thì cây mía luôn có đầu ra đảm bảo vì nhà máy thu mua toàn bộ sản phẩm nên đó là điều chúng tôi quý nhất. Bên cạnh đó, bà con còn có việc làm từ việc chăm sóc, thu hoạch mía nên người dân gắn bó, tin tưởng.
Ông Nguyễn Đình Đăng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Anh Sơn cho biết thêm: Toàn huyện Anh Sơn hiện có 8 xã trồng mía cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Mía đường Sông Con, tập trung nhiều tại các xã Bình Sơn, Đức Sơn, Vĩnh Sơn… Diện tích mía trồng làm nguyên liệu cho Công ty CP Mía đường Sông Con không ngừng tăng lên qua các năm, vụ 2010 – 2011, toàn huyện có 91 ha, nay đã tăng lên con số 400 ha. Những năm qua, Công ty CP Mía đường Sông Con đã tạo mọi điều kiện vốn, đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật để bà con yên tâm sản xuất mía, có việc làm ổn định. Những năm tới, chúng tôi sẽ động viên bà con chuyển đổi những diện tích trồng ngô kém hiệu quả, nhất là trên đất cát để chuyển sang trồng mía theo dạng dồn điền đổi thửa.
Từ chỗ chỉ có hơn 2.000 ha mía vào thập niên trước, hiện nay diện tích nguyên liệu mía của Nhà máy đường Sông Con đã lên đến 7.000 ha và đang phấn đấu đạt trên 12.000 ha vào năm 2020. Nhà máy hiện đang nâng công suất lên 5.000 tấn mía/ngày. Đó là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân các huyện yên tâm trồng mía và thâm canh tăng năng suất. |