Tăng cường đảng viên
Nằm xa trung tâm huyện Nghĩa Đàn, xã Nghĩa Lộc có 36,6% dân số theo đạo công giáo. Đảng bộ xã triển khai thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy trong điều kiện có 3 xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên tại chỗ. Tại xóm Tân Lập là xóm giáo toàn tòng có 231 hộ với 1.051 nhân khẩu, để thành lập chi bộ, Đảng ủy xã thành lập Tổ công tác Đảng tại xóm với nhiệm vụ giúp đỡ ban cán sự, các tổ chức, đoàn thể của xóm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, giúp nhân dân phát triển kinh tế. Đến khi nhận thấy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác Đảng, người dân trong xóm có nguyện vọng thành lập chi bộ để lãnh đạo các phong trào của xóm. Theo cách làm này, Đảng bộ xã Nghĩa Lộc đã tăng cường đảng viên về thành lập chi bộ tại 2 xóm khác cũng chưa có chi bộ, chưa có đảng viên tại chỗ là xóm Hùng Lập và xóm Trại.
Đối với Chi bộ Tân Xuân có 1 đảng viên tại chỗ, Đảng ủy xã Nghĩa Lộc tăng cường thêm 2 đảng viên để thành lập chi bộ tại xóm. Ở các chi bộ có nhiều đảng viên già yếu, đảng viên trẻ đi làm ăn xa, Đảng ủy xã tập trung chỉ đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ. Cùng đó, Đảng ủy chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội tham gia thực hiện Đề án 01 trên từng lĩnh vực, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động ở các xóm.
"Trước khi triển khai Đề án 01, toàn huyện Nghĩa Đàn có 16 xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên, hoặc có nguy cơ không còn chi bộ, thì riêng xã Nghĩa Lộc đã có 8/16 xóm thuộc diện này. Đảng ủy xã xác định chọn khâu khó làm trước, đó là phải thành lập chi bộ tại các xóm còn trắng chi bộ".
Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lộc cũng cho biết, trong quá trình triển khai, địa phương gặp rất nhiều khó khăn nảy sinh, bởi đây là những xóm giáo toàn tòng, công tác tuyên truyền, vận động rất khó khăn. Cách làm của Đảng ủy xã Nghĩa Lộc là trước khi thành lập chi bộ, Đảng ủy thành lập các Tổ công tác Đảng ở các xóm này, tăng cường những cán bộ có kinh nghiệm, có năng lực cũng như sự hiểu biết, có sự gắn bó thân quen với nhân dân để thành lập chi bộ. Đến nay 3 xóm này đều có chi bộ và hoạt động có hiệu quả, bước đầu cán bộ nhân dân tin tưởng và đồng thuận cao với sự lãnh đạo của chi bộ.
Còn tại Chi bộ khối Tân Tiến (thị trấn Nghĩa Đàn), khối có 50% dân số là giáo dân. Chi bộ có 5 đảng viên, đa phần tuổi đã cao, trong đó 1 đồng chí miễn sinh hoạt. Khối đứng trước nguy cơ không còn chi bộ, rất khó tạo nguồn kế cận. Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Nhỏ chia sẻ: Mỗi kỳ đại hội, chi bộ đều có Nghị quyết phát triển từ 1 - 2 đảng viên để có sự kế thừa vai trò lãnh đạo của chi bộ ở các giai đoạn tiếp theo; nhất là khi có Đề án 01 của Tỉnh ủy, chi bộ càng quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo phát triển đảng viên mới. Cụ thể, chi bộ đã giao cho chi hội phụ nữ xóm giới thiệu hội viên có tuổi đời còn trẻ, có trình độ năng lực để chi bộ giới thiệu đi học lớp cảm tình Đảng. Ngoài ra, chi bộ còn phân công 2 đảng viên trực tiếp theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng.
“Mặc dù triển khai rất quyết liệt, nhưng công tác phát triển Đảng ở chi bộ vẫn chưa đạt với yêu cầu đề ra, vì người thì chưa thực sự tâm huyết, người thì trình độ học vấn chưa đạt tiêu chuẩn”.
Tạo nguồn tại chỗ
Thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy, huyện Nghĩa Đàn có 16 chi bộ thuộc đề án, trong đó có 3 xóm “trắng” chi bộ, “trắng” đảng viên tại chỗ. Việc tạo nguồn phát triển Đảng, phát triển đảng viên mới ở các xóm này gặp rất nhiều khó khăn. Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghĩa Đàn Nguyễn Thị Hoài Vân nhận định: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc khó khăn trong tạo nguồn phát triển Đảng là một số người chưa nhận thức được ý nghĩa khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Một số cấp ủy chưa vào cuộc quyết liệt, các tổ chức, đoàn thể hoạt động cầm chừng, chưa đồng đều, chưa tạo sự đột phá.
Xác định được hạn chế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn đã ban hành đề án về xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đặc thù gắn với thực hiện Đề án 01 của BCH Đảng bộ tỉnh, đến nay đã thành lập được 3 chi bộ bằng cách tăng cường 100% đảng viên nơi khác về ở 3 xóm “trắng” đảng viên để nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân kịp thời. Đồng thời cũng tạo điều kiện để chi bộ tăng cường phát hiện, tạo nguồn để bồi dưỡng phát triển đảng viên tại chỗ.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn Phan Tiến Hải cho biết, huyện xác định yếu tố quan trọng nhất đó là việc bồi dưỡng, phát triển đảng viên tại chỗ ở những xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối xóm nguy cơ không còn chi bộ. Để thực hiện được nội dung đó, trước hết cấp ủy, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tập trung rà soát, phát hiện tìm nguồn có đủ điều kiện trong số đoàn viên, hội viên tích cực, gương mẫu, có uy tín trong quần chúng nhân dân để có kế hoạch bồi dưỡng, giáo dục và tạo điều kiện cho họ phấn đấu để kết nạp vào Đảng.
"Trong công tác phát triển đảng viên không nên chạy theo số lượng mà phải coi trọng chất lượng, đảm bảo tính bền vững, không để trường hợp sau khi kết nạp bỏ sinh hoạt Đảng dẫn đến tình trạng chi bộ tái “trắng” đảng viên và có nguy cơ không còn chi bộ”.