(Baonghean) - Để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống có hiệu quả, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, nhất là tại các vùng đặc thù...
Quỳnh Lập là xã vùng biển của thị xã Hoàng Mai, cuộc sống của người dân gắn liền với những chuyến biển. Do vậy xã gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của địa phương đến với người dân.
Xuất phát từ tình hình đó, Đảng ủy, chính quyền xã Quỳnh Lập đã xây dựng chương trình công tác tuyên giáo hàng năm, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả hình thức tuyên truyền miệng theo Chỉ thị 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”.
Ví như từ nhiều năm nay, do đặc thù công việc đi biển cần nhiều lao động và cường độ lao động cao cộng với tập quán của người dân nên số học sinh bỏ học hàng năm ở Quỳnh Lập chiếm tỷ lệ khá lớn (năm học 2012-2013 có 84 em bậc THCS bỏ học).
Trước thực trạng đó, Đảng ủy đã ban hành Chỉ thị vận động các học sinh đến trường. Tuy nhiên để công tác tuyên truyền triển khai có hiệu quả, Đảng ủy đã chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị lồng ghép công tác tuyên giáo với công tác dân vận.
Theo đó, cán bộ xã, xóm đến tận các gia đình giải thích tuyên truyền, vận động gia đình và các em học sinh đến trường trở lại. Công tác này được duy trì hàng năm nên sau 4 năm số học sinh bỏ học trên địa bàn xã chỉ còn 7 trường hợp.
Đồng chí Hồ Sỹ Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập cho biết: “Để làm phong phú hơn công tác tuyên truyền, Đảng ủy đã kết hợp giữa báo cáo viên tuyên truyền miệng với việc thành lập đội tuyên truyền lưu động chuyên đề, sử dụng máy chiếu để có các hình ảnh minh họa sinh động. Đồng thời tổ chức các hoạt động thông qua hình thức sân khấu hóa để truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của địa phương”.
Còn ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) - địa bàn có 51% dân số là đồng bào theo đạo công giáo, Đảng ủy xã Nghi Hoa đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề, quy chế hoạt động của công tác tuyên truyền miệng để lãnh đạo, chỉ đạo.
Trước hết, quan tâm lựa chọn, xây dựng đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền miệng có tâm, có tầm nhằm phát huy lợi thế của phương thức tuyên truyền đặc thù này; tập trung đổi mới nội dung, cách truyền đạt và hình thức tổ chức tuyên truyền phong phú, ngắn gọn, phù hợp từng đối tượng. Việc truyền đạt trực tiếp do đồng chí Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy và đồng chí báo cáo viên chuyên trách chịu trách nhiệm.
Để phát huy lợi thế của công tác tuyên truyền miệng, cấp ủy, chính quyền xã Nghi Hoa chủ trương phân công các đảng viên, cán bộ, công chức về sinh hoạt tại các xóm đặc thù để củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhiều cán bộ xã, xóm đã kiên trì đến từng hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách mới của cấp ủy đảng, chính quyền.
Ví như thực hiện chủ trương chăn nuôi sạch của Đảng bộ xã, lúc đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn do tập quán chăn nuôi và tâm lý ngại thay đổi của người dân. Thế nhưng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, đến nay, ở Nghi Hoa đã có hàng trăm hộ dân đầu tư tiền của để xây bể biogas khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Đồng chí Đặng Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tuyên giáo xã Nghi Hoa cho biết: “Mỗi kỳ sinh hoạt trực tiếp với nhân dân là dịp để nói cho dân hiểu, giải thích những vấn đề người dân quan tâm; đồng thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Qua đó, góp phần định hướng dư luận, tạo niềm tin của đảng viên, quần chúng nhân dân vào các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước”.
Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi cao Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu… đặc thù giao thông cách trở, trình độ dân trí còn hạn chế, việc kịp thời cập nhật, định hướng thông tin tới cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân là rất quan trọng.
Do vậy, công tác tuyên truyền miệng được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, trong đó chú trọng việc phân loại đối tượng và tổ chức tuyên truyền vận động trực tiếp kết hợp hướng dẫn “cầm tay, chỉ việc” để đồng bào dễ nhớ, dễ hiểu.
Tại huyện Quế Phong, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu cho các cấp ủy, hướng dẫn các đảng bộ, chi bộ trực thuộc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng đến tận toàn thể cán bộ đảng viên trong toàn đảng bộ.
Sau khi tiếp thu ở cấp huyện, các chuyên đề được báo cáo viên triển khai lồng ghép vào nội dung giao ban của cấp ủy, sinh hoạt chi bộ mỗi tháng 1 lần với các hình thức như lồng ghép vào các buổi họp, giao ban định kỳ, họp mở rộng... Qua đó, kịp thời phổ biến các chủ trương, chính sách mới đến với người dân.
Theo đồng chí Phạm Văn Sơn - Trưởng phòng Thông tin công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng, thời gian qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
Tuy nhiên thực tiễn đòi hỏi, thời gian tới, các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tiến hành công tác tuyên truyền miệng; khắc phục tình trạng thông tin một chiều từ trên xuống; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; kịp thời tham mưu giúp cấp ủy đảng các cấp lãnh đạo có giải pháp tuyên truyền và định hướng tư tưởng, định hướng dư luận xã hội một cách kịp thời.
Thanh Lê