(Baonghean) - Về Nghi Tân (TX.Cửa Lò), xe chở cá từ muôn nơi tấp nập đổ về những kho cấp đông trên địa bàn phường. Xe vào - ra cứ thế rậm rịch suốt ngày. Mỗi ngày có hàng trăm tấn cá các loại được thu gom đưa về làng nghề chế biến, bảo quản, và ngược lại cũng có chừng ấy tấn cá từ hệ thống kho đông nơi đây xuất đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
 
images1016064_3a.jpgNgười dân làng nghề Nghi Tân chuyển cá đi tiêu thụ
 
Trời vừa hửng sáng, hơn vài chục tấn cá nục thu gom từ Quỳnh Lưu, Thanh Hoá, Quảng Bình được chở về kho đông của ông Trần Văn Hường (khối 6, phường Nghi Tân). Khoảng 30 lao động nhanh chóng bốc xếp, rửa sạch cá xếp vào từng khay, ai cũng nhanh tay thoăn thoắt phần việc của mình để cá được đưa vào kho đông sớm nhất. Là người làm kho đông lâu năm ở làng nghề này, đến nay gia đình ông Trần Văn Hường là một trong những hộ tốp đầu về quy mô sản xuất lớn của làng. Với tổng mức đầu tư xây dựng kho cấp đông 5 tỷ đồng, và luôn có trữ lượng cá trong kho trị giá 4 - 5 tỷ đồng. 
 
Năm 1991, phục viên về địa phương, ông Hường làm nghề buôn cá, thường xuyên ra tận Hải Phòng và vào các tỉnh phía Nam mua cá đem về bán cho các huyện miền núi trong tỉnh và các tỉnh miền núi phía Bắc. Quá trình thu gom cá nhiều khi có trữ lượng cá lớn tiêu thụ không kịp thường bị hư hỏng, giảm lợi nhuận, ông Hường nhận thấy mình cần làm kho đông để bảo quản cá, dự trữ cá quanh năm, khi biển động hay bão gió tàu thuyền không đi biển được thì vẫn có cá bán ra thị trường. Năm 2000, ông Hường quyết định đầu tư vốn xây dựng kho cấp đông. Cứ độ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm là vụ cá nam, tháng 9 - 12 là vụ cá bắc, ngư dân đánh bắt được nhiều cá không thể tiêu thụ hết lượng cá tươi trong thời gian ngắn, ông Hường mua về cấp đông dự trữ bán dần, vừa giảm tổn thất cho ngư dân, vừa đảm bảo lợi nhuận kinh doanh cho gia đình.
 
Ngoài thu mua cá tại các bến trong tỉnh, gia đình ông thường xuyên ra Thanh Hoá, vào Quảng Bình, Quảng Ngãi… thu gom cá đem về cấp đông. Hiện tại gia đình ông Hường có 3 máy cấp đông, mỗi ngày cấp 20 - 30 tấn cá, mỗi năm dự trữ trong kho bảo quản 400 tấn cá các loaị, cung cấp thị trường nội địa tiêu thụ khắp cả nước. Mỗi lần đưa cá ra các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai… xe cấp đông của gia đình ông luôn chở 4 - 5 tấn cá/chuyến. Nhờ có mối làm ăn lâu năm, nguồn cá chủ yếu nhập sỉ cho các đầu mối lớn, đầu vào, đầu ra thuận lợi, giúp cho công việc kinh doanh hải sản của gia đình ông Hường ngày càng phát triển thuận lợi, tạo việc làm cho 10 công nhân làm việc thường xuyên với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. 
 
Làng nghề chế biến và bảo quản hải sản khối 6 - phường Nghi Tân có 31 kho đông lạnh, chuyên sản xuất và kinh doanh đông lạnh khoảng 8.000 tấn hải sản. Những hộ làm nghề đều có bề dày kinh nghiệm lâu năm, cùng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau và có nhiều sáng tạo trong sản xuất kinh doanh để thúc đẩy nghề ngày càng phát triển. Ngược thời gian trở về những năm 1990, thời đó người dân phường Nghi Tân chủ yếu làm nghề đánh bắt, khai thác hải sản, chế biến nước mắm, phơi sấy hấp nướng các loại cá đưa đi bán ở các chợ trong tỉnh. Từ năm 1992 đến năm 2000, nhiều hộ khai thác cá biển và kinh doanh hải sản đã chuyển sang nghề kinh doanh cá ướp đá lạnh, vận chuyển bằng xe đông lạnh và xe tải ghép xốp. Nguồn hàng được thu mua từ các tỉnh phía Bắc như Thanh Hoá, Hải Phòng, Quảng Ninh, và các tỉnh phía Nam gồm: Quảng Bình, Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau. Bước đầu chuyển sang nghề kinh doanh hải sản ướp đá lạnh, người dân gặp nhiều khó khăn, do đường vận chuyển xa, thiếu phương tiện vận chuyển, đối tác, bạn hàng còn hạn chế… Trong quá trình kinh doanh hải sản ướp đá lạnh có nhiều bị động giữa người dân đi khai thác cá biển và người kinh doanh. Ngư dân khai thác về nhiều nhưng tiêu thụ quá chậm, có những lúc tàu cập bến 2 - 3 ngày sau mới tiêu thụ được hàng. Từ thực tế này, những hộ kinh doanh hải sản của làng nghề đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu ngành nghề làm nghề chế biến bảo quản hải sản bằng máy cấp đông và kho bảo quản đông lạnh.
 
Thời kỳ đầu chỉ có 2 - 3 kho cấp đông do ông Hoàng Hữu Sum và ông Võ Văn Sơn khởi xướng kinh doanh, sản xuất. Từ đó thấy được hiệu quả của mô hình kho đông có lợi nhuận, người dân địa phương bắt đầu nhân rộng cách làm này. Nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng kho xưởng và địa điểm kinh doanh thuận tiện cho việc chế biến và bảo quản hải sản. Các kho đông lạnh luôn có nguồn dự trữ dồi dào, giúp cho giá cả ổn định không gây biến động thị trường. Đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương và các địa bàn lân cận; đưa kinh tế hộ của những người làm nghề tăng trưởng vượt bậc. Nhiều hộ nghèo, trung bình vươn lên khá giàu, xây dựng nhà cao tầng, mua sắm ô tô, làm cho bộ mặt hạ tầng của phường ngày càng khang trang.
 
Đến nay có 119 hộ tham gia làm nghề với tổng giá trị đầu tư xây dựng cơ bản, trang thiết bị khoảng 100 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất của làng nghề đạt trên 183 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị sản xuất theo nghề của làng hơn 175 tỷ đồng/năm. Làng nghề tạo việc làm thường xuyên cho 300 người và hơn 1.000 lao động thời vụ; đồng thời góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương. Điều quan trọng nhất là sự ra đời của Làng nghề bảo quản và chế biến hải sản khối 6 - phường Nghi Tân đã làm nơi bao tiêu đầu ra cho sản phẩm của ngư dân khai thác từ biển về, có bao nhiêu cá cũng được những kho đông này “ngốn” sạch, hạn chế tình trạng ép giá gây thiệt thòi cho ngư dân, tạo động lực cho bà con yên tâm bám biển dài ngày khai thác nhiều hải sản, nâng cao giá trị thu nhập. 
 
Ông Lê Văn Phú - Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Tân phấn khởi cho biết: Làng nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, mỗi năm nạp ngân sách xấp xỉ 200 triệu đồng, chiếm 20% trong tổng thu ngân sách của phường. Để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề, địa phương đã tạo hành lang pháp lý cho làng nghề phát triển, đồng thời xây dựng quy chế hoạt động của làng nghề, trong đó có việc đảm bảo vệ sinh môi trường, thống nhất giá cả đầu vào, đầu ra, giá thuê nhân công, nhằm tránh tình trạng tranh mua tranh bán. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo điều kiện cho nhân dân có tài sản thế chấp vay vốn. Đồng thời tạo điều kiện cho người làm nghề được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH. Để làng nghề ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo, phường Nghi Tân đã có phương án giành quỹ đất quy hoạch chuyển toàn bộ kho đông ra nơi sản xuất tập trung, tách khỏi khu dân cư nhằm đảm bảo môi trường và đảm bảo giao thông.
 
Với những cơ chế tạo điều kiện thuận lợi của phường Nghi Tân và sự nỗ lực, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của những hộ làm nghề, chắc chắn trong tương lai làng nghề chế biến và bảo quản hải sản nơi đây còn phát triển mạnh mẽ, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
 
Quỳnh Lan