(Baonghean) - Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân dọc hai bên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An đã bàn giao 100% mặt bằng trên tổng chiều dài 73,8 km cho chủ đầu tư vào ngày 15/4/2014. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ để đảm bảo tiến độ cam kết, nhất là khi mùa mưa bão đang  đến rất gần…
 
 
Vướng do nhiều nguyên nhân
 
Những ngày này, đi dọc Quốc  lộ 1A, chúng tôi chứng kiến không khí thi công khẩn trương của các nhà thầu, đơn vị thi công với đủ loại xe, máy, lu lèn. Nhiều đoạn đường gần như hoàn thành mang dáng vẻ  của tuyến Quốc lộ 1 khang trang, rộng rãi, thông thoáng tạo thuận lợi cho giao thương, đi lại của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có nhiều tuyến việc thi công được triển khai với tiến độ chậm, ì ạch kéo dài, với những công trình dang dở,  thêm vào đó công tác vệ sinh môi trường khi thi công không đảm bảo khiến người dân bức xúc khi hàng tháng trời phải sống trong cảnh nắng bụi, mưa bùn, ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt, nhất là đối với các hộ kinh doanh buôn bán dọc hai bên quốc lộ ở khu vực thị trấn, thị tứ.  
 
Ở Quỳnh Lưu, một số nơi, người dân phản ánh “đơn vị thi công đào đường sâu gần cả mét ngang qua nhà dân rồi để đó hàng tháng trời, gặp trận mưa thì như ao nước nhỏ, nắng thì bụi bay mù trời khiến việc kinh doanh, buôn bán, đi lại gặp nhiều khó khăn…”.  Như ở xã Quỳnh Giang, nơi mà PMU85 là chủ đầu tư, UBND xã đã có công văn phản ánh: “Năng lực nhà thầu thi công quá chậm, yếu, gây khó khăn cho việc kinh doanh, sinh hoạt, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân dẫn đến người dân tái lấn chiếm”. Ở một số địa phương, việc thi công gặp khó, thi công “xôi đỗ” do gặp phải sự cản trở, gây khó dễ của một số hộ dân. Nếu như không được tháo gỡ kịp thời sẽ dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ khi mà mùa mưa bão đang đến rất gần. 
 
Tại huyện Nghi Lộc trên tuyến chiều dài 13,96km do Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư hiện còn vướng cục bộ 600m đoạn qua xã Nghi Long (chủ yếu ở xóm 2) và một số hộ ở Nghi Thuận. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài những thắc mắc liên quan đến việc đòi bồi thường hỗ trợ về đất trong phạm vi PMU1, việc một số kiến nghị của người dân chậm được giải quyết cũng là nguyên nhân khiến nhiều người vin vào cớ đó để ngăn cản tiến độ thi công. Chẳng hạn như bức xúc của người dân xung quanh việc thời tiết nắng nóng, nhà thầu không tưới nước bụi bay đầy gây ô nhiễm môi trường; yêu cầu cam kết đền bù nếu quá trình lu rung làm nứt nhà hay thi công làm ách tắc giao thông đi lại của nhân dân, nhất là trong quá trình sản xuất, thu hoạch mùa màng, ách tắc mương máng thủy lợi phục vụ sản xuất.
 
Bà Nguyễn Thị Bích ở xóm 2, xã Nghi Long, bức xúc: “Các cô thấy đó, trời nắng nóng, bụi bay mù mịt, che chắn mà vẫn đóng thành lớp. Chúng tôi phải chịu cảnh này mấy tháng nay rồi. Dân kêu nhiều, kiến nghị họ mới tưới nước, nhưng chỉ được vài ba lần cho qua chuyện…”. Về vấn đề này, theo lãnh đạo xã Nghi Long, UBND xã nhiều lần kiến nghị  cả trực tiếp và bằng văn bản nhưng nhà thầu và các đơn vị thi công chậm giải quyết. 
 
Ông Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: “Chúng tôi kiến nghị thì chủ đầu tư (Sở GTVT-PV) trả lời là thi công đến đâu tưới nước đến đó. Nói như thế là vô trách nhiệm với dân, trách nhiệm của nhà thầu là phải đảm bảo môi trường trong quá trình thi công... Nhà thầu và đơn vị thi công vẫn làm theo kiểu đối phó, có tuyến mương trước đây xã xây dựng dài khoảng 400m đi qua quốc lộ, nhưng quá trình lu lèn làm đổ sập, bây giờ cho xây lại nhưng xây toàn gạch hư, ban đầu chúng tôi không biết, sau đó dân phát hiện phản ánh, chúng tôi cho đập ra kiểm tra và đình chỉ xây dựng. Rồi việc Quốc lộ 1 nâng cao quá, đường dân sinh thấp, người dân đi lại sản xuất ko được, dân kêu mãi mà vẫn không giải quyết. Dân họ bức xúc cũng có cái đúng vì trên giải quyết không kịp thời nhưng cũng có người lợi dụng, cố tình chống để đòi những quyền lợi ngoài quy định. Ví dụ như đền bù đất trong phạm vi PMU1, mặc dù đã giải thích nhiều lần nhưng họ vẫn không chịu hiểu”. Hiện tại gây cản trở thi công tại địa bàn xã Nghi Long có khoảng 20 hộ, trong đó có 16 hộ xóm 2, một số hộ ở xóm 3, xóm 6.
 
 Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Điệp - Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện Nghi Lộc cho biết: “Sau cuộc họp giải quyết vướng mắc trong quá trình thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A tại UBND huyện Nghi Lộc ngày 26/6/2014, vấn đề môi trường đã được nhà thầu quan tâm hơn, một ngày tưới nước 3 lần nhưng cũng không giải quyết được dứt điểm, bụi dày từng lớp. Còn về cam kết lu rung làm nứt nhà, chủ đầu tư đã làm cam kết gửi tới từng hộ dân, quá trình thi công nếu đơn vị thi công làm nứt nẻ, hư hỏng nhà cửa, chủ đầu tư sẽ chỉ đạo khắc phục sửa chữa. Đối với các vết nứt hiện tại, quan sát trực quan bằng mắt thường không xác định được thì họ đề xuất thuê đơn vị độc lập tiến hành giám định để xác định nguyên nhân do đâu, nếu nguyên nhân do thi công gây nên thì đơn vị thi công sẽ có phương án giải quyết. Tuy nhiên, người dân không chấp nhận, họ nói không tin đơn vị độc lập vì đó là do nhà thầu thuê nhưng cơ bản nguyên nhân sâu xa vì họ không được đền bù đất PMU1 nên mới sinh chuyện”. 
 
Theo quan sát của chúng tôi, phần lớn các nhà dân dọc xóm 2 - Nghi Long có kiến nghị về lu rung làm nứt, hư hỏng nhà cửa như nhà bà Đinh Thị Điền, bà Nguyễn Thị Nhàn… là nhà cấp 4 đã xây dựng cách đây hơn 20 năm, nên rất khó để xác định nguyên nhân rạn nứt, nhiều vết nứt nhỏ rạn như sợi chỉ.  Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như nhà thầu và đơn vị thi công chủ động tiến hành cam kết về hiện trạng như đề nghị của dân trước khi triển khai lu lèn thì sẽ tránh được sự tranh cãi về vết nứt cũ, nứt mới như hiện nay và một số người cũng không thể lấy đó làm cớ để tái lấn chiếm, ngăn cản tiến độ thi công nhằm đòi đền bù, hỗ trợ về đất trong phạm vi PMU1…
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho rằng: “Nhà thầu làm chậm quá khiến ô nhiễm môi trường kéo dài, dân không chịu nổi. Thực tế chỉ có một số hộ không cho làm, ví dụ cả tuyến xóm 6 bên đường sắt, khu vực xóm 1 dân có cản đâu, chỉ có một số hộ xóm 2 nhưng họ cứ vin cớ bên kia không làm được họ bỏ đó…”.
 
Cùng với Nghi Lộc, hiện tại huyện Quỳnh Lưu còn vướng 350m phải tuyến và 250m trái tuyến, cụ thể Thị trấn Cầu Giát còn 7 hộ, xã Quỳnh Giang có 22 hộ cản trở không cho thi công, yêu cầu bồi thường đất ở trước ngày 18/12/1980 (đất PMU1 trong phạm vi 13,5m). Ở Diễn Châu còn 6 hộ ở Diễn Ngọc yêu cầu xác nhận nguồn gốc đất trước 1980, Hoàng Mai còn 3 hộ đòi đất trong phạm vi PMU1. 
 
Theo ông Đinh Đăng Khánh - Phó Giám đốc Ban quản lý công trình giao thông, Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng QL1A thì những vướng mắc trong tiến độ thi công có phần do công tác phối hợp giữa Ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công và địa phương chưa chặt chẽ. Có những nơi năng lực của đơn vị thi công yếu cộng với việc chủ đầu tư chỉ đạo, điều hành kém dẫn đến tình trạng đào dở dang chưa lấp, dân buôn bán họ bức xúc, họ kêu. Đành rằng có những đoạn khó khăn nhưng nếu quyết tâm làm vẫn ổn….
 
Cần đẩy nhanh tiến độ 
 
Nghệ An có tổng chiều dài tuyến chính Quốc lộ 1A đi qua là 73,8km, trong đó qua Thị xã Hoàng Mai (14km); huyện Quỳnh Lưu (12,25 km); huyện Diễn Châu (28,05km); huyện Nghi Lộc (13,96km); Thành phố Vinh (5,54km), được chia thành 6 dự án và giao cho 5 chủ đầu tư.
- Liên danh Tổng công ty 4 và 319 là nhà đầu tư dự án theo hình thức BOT đoạn km382+500 - km420+330 dài 19,83km qua Thị xã Hoàng Mai và Quỳnh Lưu.
- PMU85 làm chủ đầu tư đoạn km 420+330 - km470+000 dài 4,67 km đi qua Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu.
- PMU1 làm chủ đầu tư đoạn km470+000 - km425+900 dài 18,9km đi qua huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu.
- Sở GTVT Nghệ An làm chủ đầu tư đoạn Diễn Châu - Quán Hành (km425+900 - km 449+300) dài 23,4 km và đoạn Quán Hành - Quán  Bánh (km 451 - km 456 và km457+100 - km458) dài 5,9km.
- Ban Quản lý dự án An toàn giao thông - Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án cầu vượt đường sắt km 456+00 - km457+100, dài 1,1km đi qua địa bàn Thành phố Vinh.

Trước những vướng mắc trong quá trình triển khai thi công Quốc  lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An, ngày 4 tháng 7 năm 2014, UBND tỉnh có Công văn số 4667 yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã có tuyến Quốc lộ 1 đi qua huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung mọi biện pháp tuyên truyền vận động nhân dân cũng như giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao mặt bằng các vị trí còn vướng cho các nhà thầu (hoàn thành trước ngày 30/7) nhằm đảm bảo thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đúng tiến độ.

Tỉnh cũng yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải làm việc với các chủ đầu tư dự án để chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị thi công quyết liệt với tinh thần mặt bằng bàn giao đến đâu thi công đến đó, cũng như đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công. Đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh giải quyết kịp thời đối với những kiến nghị của công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh với nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho nhân dân và đúng quy định của pháp luật.

 
Chiều 21/7, UBND Thị xã Hoàng Mai tổ chức Hội nghị đánh giá công tác giải phóng mặt bằng Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn Thị xã Hoàng Mai. 
Bên cạnh đánh giá cao kết quả đạt được, hội nghị lưu ý trong thời gian tới UBND thị xã, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và Tái định cư Quốc lộ 1A thị xã cần tiếp tục giải quyết những vướng mắc nhỏ ở một số hộ dân trên tuyến đường thi công; quan tâm giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân trong quá trình thi công và hậu giải phóng mặt bằng; giải quyết tốt đơn thư khiếu nại của dân; đồng thời đề nghị Công ty trách nhiệm hữu hạn BOT đẩy nhanh tiến độ thi công, giải quyết tốt các vướng mắc trong quá trình thi công với nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường... 
Quách Hữu Quyết(Thị ủy Hoàng Mai)

Hiện tại, các chủ đầu tư, đơn vị thi công đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ các vướng mắc. Tại huyện Nghi Lộc, cùng với việc phối hợp tích cực giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của dân như vấn đề ô nhiễm môi trường hay cam kết về trách nhiệm nếu quá trình lu rung làm nứt, hư hại nhà cửa của dân... huyện đã tiến hành  xong kiểm kê xác định hiện trạng của 16 hộ dân xã Nghi Long có nhà ở, công trình nằm sát với Quốc lộ 1A mới ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt để hỗ trợ cải tạo (nếu đã hết phần đất đằng sau) hoặc hỗ trợ di chuyển tại chỗ.

Như hộ ông Lưu Văn Chuẩn - xóm 2 nhà ở cách chân đường 3m, cách mốc GPMB 2m, Quốc lộ 1A mới chênh cao hơn nền nhà 1,45m - ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của gia đình, thống nhất cho phép hỗ trợ di chuyển ra khỏi hành lang theo quy định; hộ bà Nguyễn Thị Nhàn, nhà ở cách chân đường 0,8m, cách mốc GPMB 0,4m, quốc lộ mới cao hơn nền nhà 1,45m được hỗ trợ cải tạo tại chỗ vì gia đình không có đất để di chuyển ra khỏi hành lang Quốc lộ 1A mới. Hộ ông Trần Minh Phương ở xóm 3, nhà cách chân đường 2,2m, cách mốc GPMB 1m, Quốc lộ 1A mới mặt nhựa chênh cao hơn nền nhà 1,1m ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng được hỗ trợ di chuyển ra khỏi hành lang theo quy định… Tuy nhiên, một số hộ vẫn chưa đồng thuận để đơn vị thi công triển khai thi công. Ông Lưu Văn Chuẩn ở xóm 2, cho biết “Họ đến ghi hồ sơ cho di chuyển nhà ngang ra đằng sau nhưng tôi không đồng ý  vì nghĩ không thể làm được, vì còn liên quan đến giếng khoan, bể nước, nhà tắm… dỡ nhà ngang thì nhà chính trơ trọi.  Dù có chấp thuận gì thì cũng phải đền bù về đất”. Ông cũng đề cập đến việc thi công gây “ô nhiễm môi trường, bụi bặm”.

image_5820843.jpgĐoạn đường đang thi công bị ô nhiễm môi trường, mất ATGT. (Ảnh chụp tại QL1A đoạn qua huyện Nghi Lộc)
 
Nhưng nói đi thì nói lại, nếu như người dân cứ cố tình gây khó dễ, ngăn cản không cho thi công làm thì làm sao đơn vị thi công có thể đưa xe vào tưới nước? Làm sao có thể đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo môi trường và giao thương, đi lại, ổn định cuộc sống, sinh hoạt người dân và đảm bảo an toàn giao thông dọc tuyến? Theo ông Nguyễn Bá Điệp - Phó Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Nghi Lộc thì: “Sau khi đã giải quyết các kiến nghị chính đáng mà người dân vẫn cố tình chống đối, ngăn cản tiến độ thi công, chúng tôi sẽ tiến hành bảo vệ thi công”. 
 
Đứng trước những khó khăn khi mùa mưa bão đang đến gần, các địa phương cần có sự phối hợp tốt với nhà thầu, đơn vị thi công để nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết các kiến nghị của nhân dân, có phương án bảo vệ thi công đối với những hộ cố tình chống đối để trục lợi.  Các nhà thầu cần phải tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động phối hợp với địa phương để giải quyết những kiến nghị, những vướng mắc của dân, đừng để một số người vin vào cớ nhà thầu thi công chậm, gây mất vệ sinh môi trường và an toàn giao thông để ngăn cản, tái lấn chiếm mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công toàn tuyến.
 
Về phía người dân cũng cần vì lợi ích chung, chia sẻ khó khăn với chính quyền địa phương và nhà thầu. Đành rằng chính quyền qua các thời kỳ còn nơi nọ, nơi kia có chỗ giải quyết chưa đúng, nhà thầu trong quá trình triển khai thi công chưa kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh của dân nhưng không thể lấy cái sai này bắt bẻ, lấn át cái sai kia hoặc lợi dụng cái sai do lịch sử để lại để đòi hỏi quyền lợi. Bởi hậu quả của việc chậm tiến độ thi công không chỉ  khiến Nghệ An không thực hiện đúng cam kết 30/10/2014 là thông tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An, 31/12/2014 hoàn thành bàn giao dự án Mở rộng và nâng cấp QL1A, mà còn làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của những hộ dân sống trong khu vực thi công, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn cho người và phương tiện khi lưu thông trên quốc lộ… 
 
Theo đánh giá của Hội đồng giải phóng mặt bằng tỉnh thì về cơ bản, các vướng mắc cục bộ tại các địa phương hiện nay đang dần được tháo gỡ nhưng khó khăn nhất vẫn là đoạn qua xã Quỳnh Giang (huyện Quỳnh Lưu) do vấp phải sự tái lấn chiếm, cản trở thi công của một số hộ giáo dân Yên Lưu xứ Thuận Nghĩa…
 
(Còn nữa) 
 
Nhóm phóng viên