(Baonghean) - Có thể nói, chưa lúc nào mà có những quy định trong một số nghị định, thông tư lại bị dư luận phản ứng và bị rút lại, “chết yểu” như hiện nay.
Đúng ra, đó không là điều lạ trong một xã hội dân chủ, khi mà những ý kiến phản biện của người dân, của báo chí được các nhà lãnh đạo, các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe. Nhưng, lại “khá” lạ, thậm chí thấy không ổn, khi các cơ quan chức năng hoặc người có thẩm quyền có vẻ dễ dàng ban hành và cũng dễ dàng thuận theo những ý kiến trái chiều đó. Không phải một lần mà nhiều lần, với nhiều quy định chỉ trong một thời gian ngắn. Sự dễ dãi đó cũng làm không ít người băn khăn.
Còn nhớ, hồi giữa năm ngoái, Thông tư 33 của Bộ NN&PTNT quy định “Thịt sống và các phụ phẩm chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ đồng kể từ khi giết mổ” mới ban hành được vài ngày phải rút lại vì không sát thực tế, bị người dân và báo chí phản ứng dữ dội. Mới đây, ngày 13/3/2013, tin từ Văn phong Bộ Tư pháp cho báo giới hay, 4 bộ (Khoa học và Công nghệ, Công thương, Công an, Giao thông Vận tải) vừa thống nhất dừng ban hành Thông tư 06. Đây là thông tư liên tịch về quy định phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm kém chất lượng mà 4 bộ này vừa “đồng tình” ký “chưa ráo mực”. Cũng thời gian này, trong lúc Bộ Giao thông Vận tải công bố tạm rút khỏi quy định phạt xe không chính chủ thì Bộ Công an lại ban hành Thông tư 11. Theo đó, từ ngày 15/4/2013 xe máy, ô tô mua bán mà không sang tên đổi chủ vẫn xử phạt theo mức phạt đã quy định tại Nghị định 71 (cao gấp 6 lần so với trước đây). Cùng một sự việc mà các ngành chức năng cứ “vênh” nhau đến lạ!
Những quy định của các nghị định, thông tư đã ban hành mà còn “rút” như thế huống hồ là các quy định đang trong dự thảo, dự kiến. Ví như cuối tháng trước, sau khi có nhiều ý kiến phản ứng, Bộ Công an quyết định rút khỏi dự thảo quy định xóa đăng ký thường trú đối với người đi tù hoặc xuất cảnh 2 năm trở lên trong dư thảo sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Cư trú.
Việc các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận “rút” những quy định ký chưa ráo mực khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Vì sao lại có những chủ trương chính sách vừa thiếu tính khả thi, vừa thiếu tính khoa học lại không phù hợp với thực tế, thậm chí gây dư luận không hay trong xã hội mà vẫn được các cơ quan có thẩm quyền ban hành? Điều gì đang xảy ra sau đó? Phải chăng có vấn đề “đầu vào” khi tuyển và bố trí các công chức làm nhiệm vụ tham mưu văn bản, liệu họ có ngồi nhầm vị trí? Các vị lãnh đạo quá tin vào đội ngũ tham mưu hay thiếu thực tiễn, không sát với người dân mà đến nỗi ban hành những quy định như “trên trời rơi xuống”? Và, trước khi ban hành sao các cơ quan không lắng nghe phản ánh của người dân, của báo chí?
Điều gì đang xảy ra đằng sau việc dừng, rút các quy định vừa mới ban hành?
Việt Long