(Baonghean) - Đang loay hoay mở ví để trả tiền xăng thì đột nhiên tôi thấy có một bàn tay nhăn nheo, run run chìa ra trước mặt mình 2 tờ vé số cùng giọng nói thều thào: “Bác còn hai tờ cuối cùng, cháu mua giùm bác”.

Giọng nói miền Trung vẫn còn đặc sệt, nó vừa nặng trịch lại có phần lạc lõng giữa thành phố ồn ào. Mới nghe đã thấy thương rồi! Tôi nhìn kỹ, đó là một cụ ông hơn 70 tuổi, mái tóc bạc trắng, nước da đồi mồi. Nhìn cụ ông, ai cũng nhận ra sự tiều tụy, khắc khổ. Và thương! Thương cho một số phận long đong lận đận vì lẽ ra đến tuổi này, cụ phải được ở nhà để con cháu săn sóc. Hoặc không có được may mắn đó, cụ cũng phải được ngơi nghỉ trong những ngày tháng xế chiều. Đằng này…

“Bác còn hai tờ cuối cùng”, nghĩa là nếu bán hết hai tờ vé số này, cụ ông sẽ không còn phải đi lang thang khắp phố để tiếp tục bán cho đến hết. Trường hợp không bán được, có thể cụ sẽ trả lại “hai tờ cuối cùng” cho đại lý, nhưng hôm đó chắc chắn cụ sẽ bị hụt tiền lời. Bởi vậy, tôi rất mong hôm nay cụ ông được về sớm. Vì biết đâu cụ bà hoặc một mái ấm nghèo nhưng ấm áp đang chờ đón cụ ông ở nhà. Không một chút lấn cấn, tôi móc tiền rồi mua hai tờ vé số còn lại cho cụ.

Cho chìa khóa vào ổ, đang định đề máy thì tôi nghe sau lưng, giọng nói quen quen: “Bác còn hai tờ cuối cùng, cháu mua giùm bác”. Tôi quay lại, bắt gặp hình ảnh cụ ông ban nãy, bàn tay nhăn nheo, run run chìa ra trước mặt cô gái vừa vào đổ xăng. Tôi cho xe chạy, lòng đầy hẫng hụt, như thể mình vừa đánh mất một cái gì đó rất quý giá.

Bạn tôi kể, có lần đang đi trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bạn bắt gặp một cậu thanh niên khoảng ngoài 20 tuổi, đang lết đi trên đường, trên tay cầm xấp vé số. Lúc đó là đầu giờ chiều, trời Sài Gòn vẫn nắng chang chang nhưng tuyệt nhiên cậu thanh niên đó không hề đội mũ, mà cứ dang nắng lết đi như vậy. Bạn tôi bức xúc: “Tại sao họ lại phải làm khổ mình như thế? Đâu phải cứ lết giữa trời nắng như vậy, thì mọi người mới biết mình khuyết tật. Lúc ấy, tớ chỉ thấy giận hơn là thương, dù biết rõ mười mươi cậu ta đang làm vậy là để đánh vào lòng thương của mọi người”.

Biết là người ta khổ và cùng đường như thế nào mới phải làm như vậy, mà sao vẫn thấy buồn. Buồn vì lòng trắc ẩn đang bị lợi dụng một cách ngang nhiên. Như khi người phụ nữ chủ động làm đổ gánh chè giữa đường rồi khóc lu loa để người đi đường thả vào chiếc nón số tiền lớn hơn rất nhiều giá trị thực của gánh chè. Như khi người thanh niên ngày thì đi xin với dáng hình khổ hạnh, hai chân lở loét, tối đến lại phóng xe Nouvo khắp phố… Càng biết nhiều, càng thấy buồn! Người ta có thể làm tổn thương thịt da, còn lòng trắc ẩn một khi đã tổn thương rồi, làm sao mà chữa lành được?

Câu chuyện về hai người bán vé số khiến tôi liên tưởng tới câu chuyện chú bé chăn cừu được học trong sách giáo khoa hồi nhỏ. Đàn cừu của chú bị sói ăn thịt chỉ vì chú đã trót lừa dân làng trước đó. Đến lần thứ hai thì không một ai tin và giúp đỡ chú cả.

Câu chuyện của chú bé chăn cừu với hai người bán vé số, dù mục đích khác nhau nhưng lại mang tới cùng một hệ quả: lòng tin và lòng trắc ẩn cùng bị tổn thương. Một khi lòng tin bị tổn thương, người ta có thể không tin tưởng nhau. Nhưng sẽ ra sao nếu lòng trắc ẩn bị thương tổn và trong cuộc sống thường ngày, lòng trắc ẩn không còn nữa? Rất có thể khi đó, người với người vẫn chạm mặt nhau nhưng hoàn toàn vô cảm. Con người sẽ không còn những đau khổ, xót thương, buồn vui, mừng rỡ… Người ta sống với nhau và cứ trơ trơ ra như vậy. Như thế thì nguy hiểm quá!

Cho nên, bạn ạ! Dù cuộc sống với đầy rẫy lọc lừa và thủ đoạn, bạn vẫn cứ giữ lòng trắc ẩn bên mình, thật son sắt bạn nhé! Bởi vì một lý do vô cùng đơn giản: Con Người thì phải có lòng trắc ẩn. Một khi trong mình còn có lòng trắc ẩn, nghĩa là mình đang tận hưởng niềm hạnh phúc của Con Người!


Huy Sơn