(Baonghean) - Trong tuần qua, loạt bài viết “Khám phá đường bay Vinh - Viêng Chăn: Phải thiết kế những sản phẩm du lịch sắc nét” của tác giả Khánh Ly - Đào Tuấn được bình chọn là bài hay của tuần với số phiếu cao thứ 2. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết.
 
Nghệ thuật “giữ bạn”
 
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Câu ca là mời gọi bạn bè cùng đến thưởng lãm vẻ đẹp quê mình nhưng nay không chỉ bằng "đường vô quanh quanh" nữa, mà phải bằng tư duy kinh tế sắc bén, cùng những sản phẩm du lịch mang đầy tính cạnh tranh chân thực. Cách mời gọi không "nôm na" như trước nữa, mà phải là con đường của tư duy "thẳng". Bài viết trên phỏng vấn đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào, ông Nguyễn Mạnh Hùng. Ông đã đề cập đến khá nhiều vấn đề thú vị xung quanh tiềm năng du lịch và cơ hội xúc tiến đầu tư, hợp tác kinh tế giữa Nghệ An với các tỉnh của nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Xin điểm lại một số ý kiến quan trọng, tâm điểm để phát huy những điều Nghệ An sẵn có và khắc phục những chuyện còn cần... khắc phục.
 
images947552_1b.jpgÔng Nguyễn Mạnh Hùng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Lào. Ảnh: Đào Tuấn
 
Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bên cạnh những tuyến đường bộ sẵn có, thì việc kết nối con đường rộng mở đường hàng không Vinh - Viêng Chăn là "tín hiệu" để Nghệ An phát triển và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch. Năm 1997, đoàn công tác của tỉnh thực hiện chương trình phát triển bền vững cho đồng bào Kỳ Sơn để thoát khỏi bóng ám ảnh của cây anh túc. Lúc đó, một ý kiến trong đoàn cho rằng: Chúng ta cứ nói rằng quan trọng nhất là mô hình: điện - đường - trường - trạm, nhưng phải đảo lại một chút ít, phải là đường - điện - trường - trạm. Ý kiến này sau đó đã được đoàn chấp nhận để tham mưu lên UBND tỉnh. Bởi không có giao thông thì chưa thể nói về bất cứ chuyện gì, dẫu là một con gà, bắp ngô, quả mận... của đồng bào ra với thị trấn để bán kịp thời và lít dầu, kg muối của chính quyền vào kịp với dân. Nói vậy, để biết giá trị của giao thông trong việc phát triển cơ cấu kinh tế của một vùng miền.
 
Như thế, trở lại với ý kiến của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Mạnh Hùng, ông đã nhận định hoàn toàn chính xác về việc giao thông là huyết mạch có tính quyết định. Như ý kiến tiếp theo, ông cũng đã nói "Sự hợp tác ở đây không chỉ đơn thuần là người ta đến Nghệ An đầu tư làm ăn buôn bán mà cái chính là Nghệ An đưa được những sản phẩm của mình đến thị trường Lào". Từ đó, đến Thái Lan, Myanmar hay Tây Nam Trung Quốc đã không còn xa nữa. Quan trọng nhất vẫn là các tuyến giao thông trên bộ lẫn đường không. Với tần suất 4 chuyến/1 tuần nối Vinh - Viêng Chăn như hiện nay, bạn có thể tưởng tượng ra những đặc sản cua, ghẹ, mực hay con cá thu còn tươi rói mới cách đó hơn 1 tiếng ở Cửa Lò nay đã nằm chễm chệ trên bàn ăn ở nhà hàng Khopchaydeu tại Nam Pheu hoặc nhà hàng Kualao trên đường Samsenthai của Thủ đô Viêng Chăn cổ kính. Và đó, mới chỉ là ẩm thực. Còn rất nhiều những mối quan hệ giao thương làm ăn cũng được kết nối chỉ sau hơn 1 giờ bay...
 
Ý kiến thứ 2, Đại sứ cho rằng: "Du lịch Nghệ An cần làm rõ hơn, sắc nét hơn những sản phẩm du lịch của mình, không nên làm theo kiểu ăn đong, khách đến có nhu cầu gì thì đáp ứng nhu cầu đó". Cách làm ăn thụ động, như chúng ta đã biết, chính là một kiểu "bóc ngắn cắn dài", tự mình làm mất đi những gì đã có mà không lấy lại được, không bao giờ hoặc rất khó, rất nhọc nhằn, "lao tâm khổ tứ" để lấy lại. Đó là cách làm ăn của anh tiểu nông. Mà đối với lĩnh vực du lịch, ngành công nghiệp "không khói" này khá nhạy cảm bởi bên cạnh chuyện kinh doanh còn là chuyện quảng bá về văn hóa, về vùng đất, con người, sâu xa hơn còn là quan hệ, so sánh giữa bạn và ta. Bạn sẽ xem cách ta làm để đánh giá ta, định lượng ta. Nên du lịch cũng là một cách tiếp thị hình ảnh đất nước. Bởi vậy, làm du lịch, đôi khi cũng mang một trọng trách lớn là thế. Vì thế không nên, mà đúng ra là không thể để đáp ứng nhu cầu theo kiểu ăn đong đối với khách. Bạn ở Nha Trang, ta không thể đưa đồ biển ra đãi bạn. Bạn ở Lào, ta cũng chẳng nên mang xôi và đồ nướng ra để mời chào. Muốn tiếp và giữ bạn, mong bạn đến với mình lần 1, lần 2, nhiều lần nữa... ta phải hiểu bạn. Đó là cả một nghệ thuật, nghệ thuật giữ bạn. 
 
Thêm một chuyện mà Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhắc tới, là câu chuyện an ninh cho khách du lịch và câu chuyện cho khách ngoại tỉnh, nước ngoài bị áp giá cao hơn. Thường đi du lịch, khách thường rất ngại chuyện an ninh và giá cả. Đó là nỗi lo thường xuyên không của riêng bất cứ du khách nào. Bản thân người viết đã chứng kiến hoặc chính mình sa vào "thảm cảnh" đó. Cũng "dở khóc dở cười" và ấn tượng về vùng đất dẫu đẹp nhưng lại bị phai nhạt đi khá nhiều, thậm chí là không muốn quay lại nữa khi bị “chặt chém”. Giữ được an ninh và đảm bảo mức giá dịch vụ là văn minh du lịch mà các nhà quản lý nên nghĩ đến ngay sau khi đã có lời mời gọi và đầu tư mở rộng những địa chỉ du lịch của mình. 
 
Phải thật sự đồng bộ 
 
Ở khía cạnh khác, một bạn đọc nhận xét: Đây là bài phỏng vấn nhằm gợi mở khám phá tiềm năng đường bay Vinh – Viêng Chăn qua các tour du lịch và để tăng lượng khách duy trì tuyến bay cũng như nhằm tăng kích cầu cho tỉnh thì có nhiều vấn đề cần đặt ra, trong đó, sản phẩm du lịch là một yếu tố quyết định.
 
Các câu hỏi mà tác giả đặt ra và phần trả lời để làm rõ tiềm năng du lịch của tỉnh, là phải làm gì, làm như thế nào để tăng lượng khách du lịch đến Nghệ An, để khai thác đường bay một cách hiệu quả? Nghệ An có tiềm năng du lịch lớn, không chỉ là du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mà còn có du lịch về nguồn gắn với truyền thống lịch sử cách mạng…Tuy nhiên, điều mà chúng ta ai cũng biết và Đại sứ Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã chỉ ra đó là Nghệ An phải thiết kế ra những sản phẩm du lịch sắc nét dưới dạng các tour, trong đó xác định du lịch biển thế nào, du lịch về nguồn ra sao… để từ đó xây dựng các hoạt động quảng bá cho phù hợp nhiều loại hình, đối tượng khác nhau, và theo tôi thì nếu cần chúng ta có thể tham khảo các mô hình của các tỉnh bạn, xa hơn là một số nước.
 
Ngoài ra khâu quảng bá giới thiệu sản phẩm cũng rất quan trọng và chúng ta cũng phải học bởi vì tại sao chúng ta đi du lịch một số nước, người đi trước nhắc người đi sau nên hạn chế mua sắm bởi vì những mặt hàng, sản phẩm đó ở nước ta không thiếu, thậm chí còn rẻ hơn, vậy mà hầu như không có người nào là không mua. Ngoài việc hoạt động quản lý xuất nhập cảnh phải làm tốt đúng quy trình và đảm bảo quản lý tốt thì vấn đề làm thủ tục cho khách qua cửa khẩu hay sân bay cũng rất quan trọng bởi vì nếu mình làm nhanh, lịch sự, văn minh thì khách sẽ đến đông hơn, những vấn đề này thì một số sân bay của một số nước thì họ làm rất tốt… Ngoài ra, nạn chèo kéo khách du lịch, chặt chém ở nước ngoài hầu như không có, trên mỗi sản phẩm đều có niêm yết giá, dễ dàng trong việc quản lý giá cả. 
 
Thiết nghĩ, để khám phá đường bay Vinh – Viêng Chăn nói riêng cũng như thu hút du khách trong và ngoài nước đến Nghệ An ngày một đông hơn thì các cơ quan chức năng liên quan cho đến người dân phải thật sự vào cuộc, xây dựng đồng bộ sản phẩm du lịch để tạo sự bứt phá.
 
Người xây dựng