(Baonghean) - Nhắc đến Nghệ sỹ Tiến Hợi- diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội - khán giả nhớ ngay tới vai diễn Bác Hồ trong vở kịch "Đêm trắng", phim truyện nhựa "Hẹn gặp lại Sài Gòn" và "Hà Nội mùa Đông năm 1946". Tính đến nay, anh là người có số lần hóa thân vào vai lãnh tụ Hồ Chí Minh nhiều và thành công nhất, trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.
NSƯT Tiến Hợi sinh năm 1957, vốn là diễn viên đoàn Nghệ thuật Quân khu II, sau về Nhà hát kịch Hà Nội. Năm 1987, đoàn dựng vở "Đêm trắng", một vài diễn viên được thử vai nhưng cuối cùng Tiến Hợi được chọn vì có diện mạo giống Bác. Lúc đó, anh thực sự thấy áp lực trước một "vai diễn lớn" như vậy. Anh vạch ra kế hoạch sưu tầm các tài liệu, phim ảnh, thu băng đĩa các bài nói chuyện của Bác với nông dân, bộ đội, thiếu nhi... qua đó đi sâu khai thác tác phong, thần thái, cách nói chuyện của Người. Suốt hai tháng rưỡi, sáng tập vở, chiều xem phim, nghe băng. Thật bất ngờ là hơn 300 suất diễn vở "Đêm trắng", không đêm nào không có những giọt nước mắt xúc động của khán giả trước hình tượng Bác. Đó là một may mắn, hạnh phúc lớn đối với người nghệ sỹ.
Năm 1988, đạo diễn Long Vân mời anh đóng vai Nguyễn Tất Thành trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" - phim truyện nhựa đầu tiên về Bác kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người (năm 1990). Ngoài việc nghiên cứu kỹ tư liệu về thời niên thiếu, tuổi trẻ của Bác, anh còn tìm gặp các cụ già tìm hiểu phong tục, thời phong kiến để thể hiện sâu sắc tình cảm dâng trào nhưng phải dồn nén của nhân vật. Lúc đó, Người phải gạt bỏ hạnh phúc cá nhân, vì việc lớn đi tìm đường cứu nước: Cảnh trên bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành nhìn xa xăm, lưu luyến nói lời tạm biệt "Hẹn gặp lại Sài Gòn"! được mọi người trong đoàn làm phim đánh giá là cảnh quay đạt nhất.
Đến phim "Hà Nội mùa Đông năm 46" của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Tiến Hợi vào vai Bác Hồ với cương vị là Chủ tịch nước ở tuổi 56. Nhận vai, anh tập trung đầu tư thời gian, công sức luyện tập từng bước đi, cử chỉ giao tiếp, nhất là luyện giọng nói sao cho thật giống tiếng trực tiếp của Bác theo âm sắc người Nghệ xa quê để khỏi phải dùng đến kỹ thuật lồng tiếng. Hàng tháng trời, anh ăn ít, ngủ ít, nghiền càfé và tập hút thuốc lá cho người gầy đi, trọng lượng giảm hơn 10kg để nhập vai Bác.
Hơn 30 năm trong nghề với 30 lần hóa thân vào hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, cả trên sân khấu, truyền hình và điện ảnh là vinh dự lớn không dễ gì các nghệ sỹ khác có được. Khi được hỏi những kỷ niệm nào sâu sắc mà khán giả dành cho mình, anh nhớ lại: "Đó là lần vở kịch "Đêm trắng" dựa trên câu chuyện có thật về Bác, về thái độ của Người trước vấn nạn tham nhũng, diễn ra mắt ở Thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Khi kịch kết thúc, một cụ già bước lên sân khấu vừa khóc, vừa quỳ xuống chân tôi bày tỏ lòng cảm phục trước thái độ kiên quyết xử lý kẻ phạm tội của Bác. Mọi người luống cuống giải thích rằng tôi chỉ là người đóng vai Bác. Cụ ngước lên nói "Anh giống Bác quá!". Sau này tôi mới biết cụ là người chứng kiến câu chuyện có thật đó. Hay tại LHP Việt Nam lần thứ XIII tổ chức ở Thành phố Vinh, Nghệ An năm 2001, đoàn làm phim "Hẹn gặp lại Sài gòn" và "Hà Nội mùa đông năm 46" về giao lưu với bà con Làng Sen, Kim Liên. Mọi người yêu cầu thể hiện một đoạn tiếng nói của Bác, tôi đã trích đoạn lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại Ba Đình. Đến câu "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" thì cả hội trường đồng thanh hô to: "Có ạ"! rồi ùa cả lên sân khấu tặng hoa, ôm hôn nghệ sỹ, ai nấy đều xúc động như nhớ lại ngày nào Bác về thăm quê hơn 50 năm trước. Đó là những kỷ niệm tôi không thể nào quên!". Quả thật, ngoài yếu tố ngoại hình thì anh là người duy nhất trong các nghệ sỹ, thể hiện giọng nói giống tiếng Bác đến thế.
Có điều ít ai biết đến người chuyên hóa trang cho anh không ai khác ngoài người vợ yêu quý - Nghệ sỹ Vương Đàm Thủy Anh- cũng là đồng nghiệp cùng đoàn. Chị sắm đầy đủ phục trang như râu tóc, quần áo nâu, dép cao su... để phục vụ cho vai diễn của chồng, luôn biết chăm chút, hy sinh và giữ lửa cho tổ ấm gia đình để anh yên tâm làm nghệ thuật.