Dự Hội nghị, tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tại điểm cầu Nghệ An, có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
NHIỀU THÀNH TỰU TO LỚN, TOÀN DIỆN
Ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều chỉ số phát triển đã theo kịp và vượt các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh.
Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nông dân, người dân nông được cải thiện rõ rệt, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn nhiều những hạn chế, yếu kém, như: nông nghiệp phát triển chưa bền vững, năng suất lao động thấp. Nông thôn phát triển chưa đồng đều, kết nối nông thôn - đô thị yếu; Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, văn hóa - xã hội nông thôn còn tồn tại nhiều vấn đề bức xúc. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, bấp bênh, có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW cho rằng, trong bối cảnh mới, phát huy thành quả đạt được sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, rất cần có những chủ trương, chính sách mới của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, các ban, bộ, ngành và các địa phương đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, tập trung vào các nội dung về thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2030; các chính sách, giải pháp về phát triển ngành, nghề nông thôn, chế biến sâu nông sản; đẩy mạnh chương trình xây dựng "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP"...
XÂY DỰNG NÔNG NGHIỆP SINH THÁI, NÔNG DÂN VĂN MINH, NÔNG THÔN HIỆN ĐẠI
Kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước qua nhiều thời kỳ quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thực hiện thành công các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng khác trong từng giai đoạn.
Đánh giá Nghị quyết 26-NQ/TW là nghị quyết hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được cảm hứng của cả hệ thống chính trị. Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bài bản của các cấp đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức và hành động, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên cả 3 lĩnh vực, góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước.
Thường trực Ban Bí thư cho rằng, 15 năm qua, bối cảnh tình hình trong nước có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại mà Đại hội XIII đề ra đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đây là thời điểm chín muồi để tổng kết và ban hành Nghị quyết mới về vấn đề này.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, nguyên tắc xây dựng Nghị quyết mới phải khẳng định được lĩnh vực "tam nông" là vấn đề có vị trí, vai trò, ý nghĩa chiến lược đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước, là yếu tố quan trọng mang tính tiền đề để đất nước đạt được mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII đã đặt ra đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, ban, bộ, ngành về vị trí, vai trò, ý nghĩa chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn với quan điểm phải sâu sắc hơn, thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phải rõ ràng, mạch lạc, khả thi, xác định được các giải pháp đột phá, phù hợp với từng giai đoạn, có lộ trình thực hiện, tránh chung chung. Thành công của Nghị quyết phải tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trên 3 lĩnh vực, phát huy cái hay, khắc phục tối đa các hạn chế, yếu kém. Tạo điều kiện để thực hiện "ly nông nhưng không ly hương"; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; nông sản Việt Nam phải được đặt hàng chứ không phải chờ đợi được giải cứu, nông thôn phải là môi trường để giới trẻ khởi nghiệp...
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư yêu cầu Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo, sớm trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư./.