(Baonghean.vn) - Lần lữa mãi cuối cùng chúng tôi cũng gặp nhau. Cô bước vào quán cà phê, những người có mặt lúc đó đều dõi mắt nhìn như chợt nhận ra gương mặt quen. Cô đưa mắt nhìn và chào tôi bằng nụ cười rạng rỡ...
Muốn được như các o, các chú
Cô gái có nụ cười tỏa sáng ấy là Thiên Huế, nghệ sỹ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Không hề nhận thấy có một sự điệu đàng nào từ cô gái thuộc về ánh đèn sân khấu. Cho dù ở cô luôn tỏa ra những nét lôi cuốn. Sự lôi cuốn ấy đến từ nét đằm thắm, ấm áp và mộc mạc. Ngay trong cung cách ứng xử, giao tiếp, Thiên Huế vẫn giữ được cho mình “cái chất” của vùng đất Thanh Chương “mặn nhút, chua cà”. Có lẽ chính điều này đã làm nên một Thiên Huế của những làn điệu dân ca mê hoặc lòng người.
“Có lẽ do nguồn nước quê em. Cả làng ai cũng yêu thích, cũng hát dân ca ví, giặm” - ấy là Thiên Huế nói về “điểm xuất phát” của mình ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Văn (Thanh Chương). Rằng, cả ngôi làng ấy từ trẻ đến già, từ đàn bà đến đàn ông ai cũng có thể sáng tác và hát các làn điệu dân ca ví, giặm. Người Đông Thượng hát dân ca xứ Nghệ như một nhu cầu tinh thần tự thân. Hát vào mỗi đêm trăng, hát trên cánh đồng vào mùa giáp hạt, hát khi bông lúa ruộm vàng mùa thu hoạch... Những phường cấy, phường gặt, phường nón đều mượn khúc hát dân ca để làm tròn đầy cuộc sống chốn thôn dã. Và như Thiên Huế nói, cuộc sống ấy, không gian ấy ngấm vào cô từ khi còn nằm trong bụng mẹ. 4, 5 tuổi đã biết cất tiếng à ơi.
Cho đến một ngày, ở làng Đông Thượng có đoàn dân ca của tỉnh về biểu diễn. Trong suy nghĩ của cô bé vừa lên 9 luôn tự hỏi: “Răng mà các o, các chú nớ giỏi rứa! Lại mặc áo đẹp có kim tuyến lấp lánh”. Đêm nào Thiên Huế cũng trốn cha mẹ đi xem văn công. Cô ước ao giá như mình một lần được bước lên đó, dưới ánh đèn lung linh của sân khấu với hằng trăm ánh mắt dõi theo.
“Biết em mong muốn đi theo con đường ca hát mẹ không vui. Đã đành câu dân ca của đồng bãi quê hương” - là Thiên Huế nói về cái dự cảm của mẹ mình đối với sự lựa chọn con đường lập thân của đứa con gái bé nhỏ. Nhưng dường như tất cả là tiền định đã được “an bài” từ khi cô sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có dòng sông Lam vắt qua làng ấy.
Năm 2001, từ đồng đất làng Thượng, Thiên Huế ngập ngừng tìm đến Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Hành trang của cô gái 17 tuổi giữa phố xá chật chội chẳng có gì nhiều. Chỉ là những làn điệu ví, giặm mà cô trót đa mang. Thiên Huế cười: “Không hiểu vì răng mà trong những ngày đầu đặt chân đến Vinh, thoắt ẩn, thoắt hiện trong đầu em vẫn những câu trong làn điệu Đông Xuân. Rồi cô hát khẽ: “Ơi là bạn mình ơi!/ Đồng thẳng cánh cò bay, cánh diều xưa chao liệng/ Em mặc áo nâu sòng/ Gió thổi nón nghiêng/Nước từ đồng dưới đến đồng trên/ Hai vai nặng gánh/ Nặng gánh nghĩa tình...”
Như cách nói của Thiên Huế thì ngày đó cô đến Vinh để “học lỏm” các nghệ sỹ, diễn viên của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trước khi thi vào Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Trời không phụ lòng người, năm 2002 Thiên Huế thi đỗ vào ngôi trường này. Cũng chính từ đây cuộc đời của cô bước sang trang mới - trở thành nghệ sỹ chuyên nghiệp. Năm 2005 Thiên Huế chính thức trở thành nghệ sỹ của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Và câu dân ca quê hương đã chắp cánh cho Thiên Huế thỏa niềm mong ước.
Thành công nhờ những lần bị đuổi khỏi sân khấu
Được Trung tâm tiếp nhận vào năm 2005, nhưng mãi đến năm 2010 Thiên Huế mới được vào vai “gần chính”. Theo như Huế nói, hát cho đúng, cho hay đối với những người có năng khiếu thì không khó, nhưng hát cho màu, cho mượt mà hoàn toàn không dễ. Rất nhiều lần Thiên Huế bị đuổi khỏi sân khấu vì sai nhịp, vì quên lời, quên động tác. Nghệ thuật sân khấu không cho phép bất cứ ai nuôi dưỡng sự tự mãn, lười biếng. Đặc biệt, với dân ca xứ Nghệ, người nghệ sỹ chỉ với kỹ thuật thanh nhạc thôi là chưa đủ.
Phải hát bằng trải nghiệm, bằng tình cảm và phải sống trọn với câu dân ca thì mới “thành”. Thiên Huế đã tự học điều này sau những lần bị buộc rời khỏi những tiết mục mà cô được giao đảm nhận trước đó. Sau nhiều tháng ngày khổ luyện bằng những vai phụ, vai quần chúng, đến năm 2010 Thiên Huế chính thức được Đoàn ghi nhận. Và ngay trong năm này, Huế giành được Huy chương Bạc Hội diễn sân khấu toàn quốc. Đến năm 2013, cô được vinh danh với Huy chương Vàng cho tiết mục cá nhân. Đây là niềm cổ vũ, nguồn động viên vô cùng lớn để Thiên Huế bước tiếp trên con đường mình đã chọn.
Cần "chất Nghệ" để hát dân ca người Nghệ
Tôi đã hỏi Thiên Huế, liệu cô có hối tiếc với sự lựa chọn con đường đi cho mình. Nhất là trong thời đại mà dòng nhạc nhẹ, nhạc thị trường đầy ắp không gian, tràn ngập trên mạng xã hội. Thậm chí có những “đoản khúc” nhận được cả triệu lượt “lai” chỉ sau vài giờ đăng tải. Thiên Huế cười và khẳng định rằng, không phủ nhận được tầm ảnh hưởng của mạng xã hội, của nhạc thị trường nhưng dân ca ví, giặm xứ Nghệ luôn tìm thấy chỗ đứng riêng. Theo cô “tuổi thọ” của nhạc thị trường rất kém, cho dù trong một thời điểm nhất định nó tạo ra làn sóng trong giới trẻ.
Trong khi đó, làn điệu dân ca đi vào tâm hồn, cốt cách của con người và có sức sống bền bỉ trong lòng công chúng. Như để chứng minh, Thiên Huế cho biết cô và anh chị em ở trung tâm đã đi biểu diễn rất nhiều nơi, ở đâu cũng nhận được tình cảm nồng ấm của khán giả. Rất nhiều người đã khóc sau khi nghe làn điệu ví, giặm và nói rằng muốn được trở về quê để tìm lại mạch nguồn xứ sở. “Thế mới biết câu hò, điệu ví xứ Nghệ ta có sức sống như thế nào” - Huế nói và cô cũng không giấu diếm là mình không biết hát bất cứ loại nhạc nào ngoài dân ca ví, giặm. Điều này chẳng lạ, cũng chẳng quan trọng. Bởi lẽ cần có những người “chất Nghệ” để hát câu dân ca của người Nghệ.
Thiên Huế bước ra sân khấu và ẩn sâu trong ánh mắt, nụ cười thắm thiết ấy là một tình cảm trong sáng và vững vàng dành cho câu hát quê hương. Và khi cô cất tiếng hát mọi người đều bị cuốn vào những cung, những bậc chan chứa ân tình. Tôi đã nói với Thiên Huế, dường như cô là một hình ảnh khác của Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu trước đây. Huế cười và nói rằng còn lâu cô mới được như Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu. “Dù vậy em vẫn rất vui vì anh đã so sánh em với người thầy, người chị mà em vô cùng yêu quý” - Thiên Huế cười rạng rỡ.
Đào Tuấn