(Baonghean) - Sinh sống ở những vùng quê khác nhau, hoàn cảnh gia đình cũng không giống nhau, nhưng họ có điểm chung là nhiệt tình, trách nhiệm với cộng đồng. Họ là người uy tín và có sức lan tỏa trong cộng đồng, được bà con thôn, bản quý mến.

Chị Quý "4 trong 1"

“Ai cũng khâm phục nghị lực và sự cống hiến của chị ấy cho cộng đồng, nhìn chị có mấy ai biết cuộc sống của chị cũng nhiều éo le lắm”- đó là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Quyền, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Châu (Hưng Nguyên) khi nói về chị Nguyễn Thị Quý, người phụ nữ được bà con địa phương gọi vui là "4 trong 1".

images1409757_ket_noi.jpgChị Nguyễn Thị Quý (ngoài cùng bên phải) trao đổi về phong trào phát triển kinh tế, những cách làm hay được đăng tải trên báo.

Khi gặp chị, nhìn thấy cái vẻ hồ hởi không ai nghĩ chị đã nhiều năm phải vượt qua nỗi đau cùng cực. Chồng chị mất năm 1995 khi đang làm việc trên cánh đồng. 2 con nhỏ dại, đứa lớn 7 tuổi, nhỏ mới 1 tuổi, khó khăn chất chồng khiến chị tưởng như không thể gượng dậy nổi. Hai đứa trẻ, hơn lúc nào hết, cần đôi tay, cần bờ vai mẹ, gánh thay cho cả người cha đã mất. Chị quyết đứng dậy. Được người dân nể phục, tín nhiệm chị tham gia Chi hội Phụ nữ xóm, sau đó vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng (năm 2001), được giao làm Trưởng ban công tác Mặt trận. Năm 2004, chị Nguyễn Thị Qúy được giao làm Phó bí thư Chi bộ xóm, tiếp đến là cán bộ dân số, đại biểu HĐND xã.

Xóm 8, nơi chị Nguyễn Thị Qúy sinh sống được xem là xóm kiểu mẫu về phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Châu. Xóm có 98 hộ (356 khẩu), trong đó 43 hộ giáo dân, được công nhận danh hiệu Làng văn hóa từ năm 2002. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân xóm 8 còn làm thêm một số nghề phụ và được công nhận làng nghề bánh đa, kẹo lạc. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư thực sự mang lại hiệu quả, tình đoàn kết- lương giáo ngày càng được thắt chặt, bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóm 5 năm liền không có người sinh con thứ 3, hiện tại chỉ còn 6 hộ nghèo, phong trào văn nghệ- thể thao luôn sôi nổi, các đoàn thể phát huy được vai trò của mình. Điều ấy có sự đóng góp tích cực và nhiệt tình của chị Nguyễn Thị Qúy.

 Già Phít ở Tân Tiến

Tên đầy đủ của già là Ngân Văn Phít ở bản Tân Tiến, xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu). Già Phít vốn là một cựu giáo chức, đã có 38 năm đóng góp cho sự nghiệp trồng người ở trường tiểu học ở xã Quỳnh Thắng. Khi nghỉ hưu, trở về bản làng, già nhận thấy bản mình còn nhiều thua kém nên nặng mang nỗi trăn trở.

Già Ngân Văn Phít đọc báo đảng.

Bản có 78 hộ dân, 100% là dân tộc Thái, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, trồng mía, dứa. Với cương vị là Chi hội trưởng Người cao tuổi và Hội Nông dân, già Phít đã chủ động tiếp thu KHKT, vận động nhân dân áp dụng vào việc phát triển kinh tế. “Nếu chỉ mong siêng năng mà thoát nghèo thì cũng khó lắm. Thời đại bây giờ phải biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào làm ăn. Cái đầu phải năng động, phải dám nghĩ, dám sáng tạo”- Già Phít nghĩ vậy và cũng khuyên nhủ bà con như vậy.

Người dân Tân Tiến nói rằng nhờ già Phít mà bản mình không còn tình trạng uống rượu say gây mất trật tự, không di cư tự do, đốt phá rừng. Già còn giúp nhiều người bản khó khăn về cây trồng, con giống, khoa học kỹ thuật để họ biết vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, Tân Tiến có trên 70% gia đình được công nhận danh hiệu văn hóa, tất cả trẻ em đến tuổi đều được tới trường. Đặc biệt, những năm gần đây, bản luôn thực hiện tốt chính sách Dân số KHHGĐ, tình trạng sinh con thứ 3 đã được đẩy lùi. Về phát triển kinh tế, bản Tân Tiến đã có nhiều khởi sắc, tổng giá trị thu nhập hàng năm lên tới trên 6 tỷ đồng.

Trong việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, già làng Ngân Văn Phít đã gương mẫu đi đầu và tuyên truyền, vận động bà con tự nguyện chặt phá 800 cây các loại như cam, nhãn, quế, lát hoa, hiến 2.000 m2đất để làm đường giao thông nông thôn. Đường vào bản nay đã rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho ô tô ra vào vận chuyển sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Người mở đường ở Khe Lạng

Lên huyện miền núi Con Cuông, khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu về một cán bộ mặt trận trẻ tiểu biểu, chẳng cần phải suy nghĩ lâu, ông Nguyễn Lê Lợi, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện cho biết: “Các anh có thể tìm đến cô Giáo, cô ấy là một trong những cán bộ mặt trận tiêu biểu của toàn huyện đấy”.

Chị Vi Thị Giáo - Phó Chủ tịch MTTQ xã Lạng Khê

Người mà ông Lợi vừa nhắc đến là chị Vi Thị Giáo (SN 1985), Phó chủ tịch MTTQ xã Lạng Khê, địa bàn người Thái chiếm đại đa số. Chị Giáo vốn là một cán bộ trưởng thành từ thôn bản với vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, sau đó phụ trách mảng Nông nghiệp của xã. Năm 2010, chị được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận xã Lạng Khê. Chị Giáo kể: Lúc mới nhận nhiệm vụ cũng lo lắm, vì mình còn trẻ thấy, thiếu kinh nghiệm, lại phải nặng gánh gia đình (Một tai nạn khiến mẹ chị mất 2 chân, không còn khả năng đi lại).

Với nhiệt huyết tuổi trẻ, cộng với tấm lòng rộng mở với bà con, dần dần chị Giáo đã trở thành người cán bộ có uy tín với bà con. Bản thân chị đã là tấm gương làm kinh tế giỏi, làm giàu nhờ chăn nuôi và trồng mía.

Chị đã kiên trì vận động bà con mạnh dạn phát triển cây mía. Thuyết phục tại các cuộc họp thôn bản chưa đủ, chị đến từng nhà để vận động. Mới đây, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Lạng Khê chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn. Nhưng việc triển khai gặp nhiều vướng mắc, đó là bà con không chịu nhường đất, chặt cây để mở rộng con đường. Một lần nữa, chị Vi Thị Giáo lại vào cuộc, lại đến từng nhà, gặp từng người để giải thích cái được, cái lợi khi con đường được mở rộng. Từ 1-2 người nghe theo, rồi nhiều nhà khác cũng nghe theo, cuối cùng bà con đã đồng ý chặt cây vướng, hiến hơn 2.300m2 đất để mở rộng đường.

Vào mỗi buổi tối, căn nhà của vợ chồng chị thường có nhiều bà con lối xóm tìm đến để hỏi về chính sách dành cho người nghèo, vay vốn ngân hàng, những quy định về tiền điện, về chính sách đại đoàn kết dân tộc, về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Những thắc mắc được chị giải đáp một cách tận tình, dễ hiểu, đem lại niềm tin cho bà con dân bản.

 Kiên- Hùng -Vi

TIN LIÊN QUAN