(Baonghean) - “Nghề nuôi giun hiện đang được xem là nghề “độc” và ăn nên, làm ra ở Vinh đấy!”- một thợ câu lão luyện khẳng định khi dẫn tôi dẫn về thăm nhà của vợ chồng ông Trần Đình Hợp - địa chỉ bán giun đất uy tín trong làng cần thủ.
Nằm ở cuối con phố Cao Xuân Huy, khuất sau những dãy nhà tầng cao sầm uất và vẻ như có phần cách biệt với không khí ồn ã khu vực chợ Vinh, ngôi nhà của ông Hợp giản dị với lối kiến trúc từ những năm đầu thập niên 90. Lúc chúng tôi đến, vợ chồng ông đang cặm cụi sau nhà với những thùng xốp, những bể xi măng. Ngó vào trong, giữa nâu thẫm màu đất tơi xốp là nhung nhúc hàng vạn con giun và xộc lên thứ mùi đặc trưng của loài nhuyễn thể.
Vẻ như “đọc” được muôn vàn biểu cảm trên khuôn mặt người khách lạ là tôi, bà Nguyễn Thị Liên - vợ ông Trần Đình Hợp cười vang, chia sẻ: “Người chưa quen thì thấy ghê ghê, còn như tui đây, tiếp xúc hàng ngày rồi thì thậm chí còn thấy thú vị. Ngày nào không chạm tay vào mớ giun này còn thấy thiếu thiếu!”. Và bà mặn chuyện về cái duyên nghề những ngày chưa xa… Vốn, bà Nguyễn Thị Liên là giáo viên nghỉ hưu, còn chồng bà là ông Trần Đình Hợp là bộ đội xuất ngũ, sau làm công nhân cho HTX Mộc Thống Nhất, rồi về nghỉ chế độ 176. Nhiều năm liền, ông là một cần thủ “sát cá” có tiếng. Ông rất chăm chút cho thú chơi của mình, mỗi lần trước buổi câu là phải đi đào giun làm mồi, thậm chí phải đặt mua mà cũng khi có, khi không vì nguồn cung khan hiếm. “Nhiều khi đang dở buổi câu thì hết mồi, mất hết hứng thú. Dần dà, tôi nghĩ, nếu mình làm được mô hình săn giun, nuôi giun để cung cấp mồi câu cho các cần thủ thì hay quá. Nhu cầu thị trường rất lớn, vì càng ngày càng nhiều người tìm đến thú câu cá để giải trí, thư giãn, chỉ cần mình chịu khó, tâm huyết và làm ăn uy tín thì chắc chắn thành công”- ông Trần Đình Hợp tiếp lời.
Và ông bà hiện thực hóa ý định rất nhanh. Cùng với đó, nhiều khó khăn dần hiện ra trước mắt. Khó khăn nhất là dẫu ông Hợp đã sử dụng loài nhuyễn thể này làm mồi câu thời gian dài, nhưng để hiểu về đặc tính sinh trưởng, phát triển và môi trường sống của nó thì chưa đầy đủ. Thời gian đầu, hai ông bà phải dò hỏi trong giới câu cá, rồi tìm hiểu trên các sách, báo, dần dà mới biết đặc tính của loài động vật thân mềm này. Thế là cứ 4, 5 giờ sáng, hai ông bà lỉnh kỉnh dụng cụ gồm nào bàn cào, nào bai, cuốc, xô… ra tận bãi rác Hưng Đông đào xới. Có khi phải đi xa tận mạn Nghi Thái, Nghi Hoa (huyện Nghi Lộc) - là những vùng đất có nhiều giun sinh sống.
Giun có hai loại là giun quế và giun sữa. Giun quế là loại thân nhỏ thích hợp với chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Còn giun sữa mới là loại dùng để làm mồi câu hiệu quả, bởi từ thân giun sữa tiết ra “dung dịch” tanh nồng đặc biệt hấp dẫn các loài cá. Không chỉ nắm rõ về chủng loại giun mà hai ông bà còn thông thuộc thời gian sinh trưởng cũng như độ sâu mà giun hay sống. Kinh nghiệm cho thấy, vào mùa hè, giun thường khan hiếm hơn vì thời tiết nóng bức, giun chui xuống tầng sâu tránh nóng, còn mùa thu đông mát mẻ lại thích sống ở tầng đất nông rất thuận lợi cho việc đào bắt. Giun sữa là loài khó nuôi trong môi trường nhà ở, vì vậy mỗi khi đi đào bắt, phải lấy luôn đất tại chính nơi đào về, để ở nơi mát mẻ, gặp lúc tiết trời oi nồng phải rải lá chè xanh tươi cho giun “giải nhiệt”. Thức ăn ưa thích của chúng lại là chất thải của động vật như trâu, bò, lợn… Công việc nghe qua tưởng chừng đơn giản thế thôi mà thực cũng rất công phu, đòi hỏi sự cần cù, chịu khó và cả lòng yêu nghề mới thành công. Bà Nguyễn Thị Liên nhớ lại: “Đầu tiên chỉ làm cho vui, cho khuây khỏa tuổi già, nhưng rồi “bén” nghề lúc nào không biết. Thời gian đầu thức khuya dậy sớm mệt lắm, rồi quen dần, bây giờ thậm chí, cũng nhờ đi đào thế này mà sức khỏe ông nhà tôi khá lên đấy. Dậy sớm giờ đó cũng như đi tập thể dục ấy mà!”.
Thời gian gần đây, do tuổi đã cao nên hai ông bà mới thuê người đi đào rồi nhập lại với giá từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/kg, thu nhập vì thế cũng có phần giảm sút nhưng bù lại tạo được việc làm cho một số người dân nhàn rỗi xung quanh. Hiện nay, công việc bán mồi giun câu cá của hai ông bà đang ngày càng phát triển, khẳng định được “thương hiệu” với giới câu cá Thành Vinh bởi giá cả rất hợp lý và được ông bà vui vẻ tư vấn từ phương pháp câu đến các địa chỉ hồ câu trong thành phố. Ngoài tạo công ăn việc làm thời vụ cho hàng chục lao động, gia đình ông bà còn là “tổng đại lý” giun cho các huyện lân cận như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương… với lượng “hàng” xuất bán đi hàng tháng rất lớn. Ông Trần Đình Hợp cho biết: “Không dừng lại ở con giun, mà chúng tôi đang nghiên cứu làm các loại mồi khác như mồi xả, mồi nhử cá, nuôi nhái… để đa dạng hóa chủng loại nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng”.
Hoàng Vũ
(TP. Vinh)