(Baonghean) -Năm 1994, bộ phim truyền hình dài 297 tập của Nhật Bản có tựa đề "Oshin" được chiếu tại Việt Nam và đã tạo nên một cơn sốt. Đến nỗi, từ ô - sin được thay thế cho cụm từ "người giúp việc gia đình". Tuy nhiên, ở Việt Nam, giúp việc chưa được xem là một nghề. Do đó, “văn hóa giúp việc” vẫn  còn nhiều cái đáng bàn... Tuần qua, bài viết “Văn hóa... giúp việc” của Hải Triều đăng ngày 20/4 nhận được số phiếu bình chọn bài hay cao.
 
images968563_images.jpgẢnh minh họa

Qua bộ phim, ta thấy hình ảnh của một người giúp việc với nghị lực phi thường đã tự thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình. Bình luận này muốn nhắc đến hình ảnh Oshin bởi lẽ, trong bài viết "Văn hóa...giúp việc" của tác giả Hải Triều có đặt vấn đề coi người giúp việc, hay như chúng ta thường gọi là ô - sin cũng là một công việc bình thường, đáng tôn trọng như bất kỳ việc nào khác. "Nhưng vốn dĩ có bao nhiêu người trong xã hội mình xem giúp vệc là một nghề, cũng như công nhân,tài xế, giáo viên, viên chức?".

Khi viết bài này, hẳn tác giả đã có nhiều trải nghiệm cùng ô - sin trong cuộc sống của mình. Mà đúng vậy, với 3 người giúp việc đã được tác giả kể ra thì cũng không phải là một trải nghiệm ít với họ. Bởi vậy, những vui buồn cùng ô - sin trong bài viết này, người ta biết đó là kỷ niệm thực. Cũng như nhưng tâm tư, suy nghĩ của tác giả về nghề giúp việc cũng chính là những tâm sự tự chính trong lòng người viết. Có những sẻ chia, cảm thông bằng sự thấu hiểu như vậy, bài viết mới có sức nặng của ngòi bút người trong cuộc.

 
Nói về công việc này, khi đánh cụm từ "nỗi niềm người giúp việc", ngay trong 0,47 giây, công cụ Google đã cho ra 1, 630 triệu kết quả. Như thế để biết, nghề ô - sin là nghề phần đông nhà nhà, người người đều cần đến, đặc biệt chủ yếu tại các khu đô thị. Một công việc phổ biến, thiết thân như thế nên việc định danh để "vua biết mặt, chúa biết tên", để được hưởng những quyền lợi cơ bản của người lao động là điều cần có. Câu chuyện bắt đầu khi người bạn của tác giả gửi tới bài báo nói về quy định mới của nhà nước đối với chế độ cho người giúp việc và cho rằng đó là sự buồn cười. Và gáo nước lạnh đáp trả của người nhận là "Buồn cười chỗ nào?", bởi tác giả lý giải "Thực ra chỉ những người chưa từng xem  giúp việc là một nghề mới thấy tức cười".
 
Bởi như chúng ta đã biết, ngoài làm những công việc không tên suốt ngày trong nhà chủ, nhiều khi chính người giúp việc lại được con cái gia đình quấn quít hơn so với bố mẹ. Ở ngay chính những mẩu chuyện nhỏ của tác giả kể ra, ta có thể gặp một chị họ hàng xa nhưng cũng phải cho...đi xa luôn vì hay nghỉ sinh, rồi một bà khác lại tự xin về vì bà nội nhà đấy...ngáy to quá. Hay một cô khác cũng phải nghỉ vì... không bình thường. Mới thấy, chọn được một người giúp việc hợp ý thật khó lắm thay. Bởi đó là một nghề, mà là nghề đặc thù nên cũng không dễ để đáp ứng. 
 
Vậy nên, việc Chính phủ ra Nghị định 27/2014 có hiệu lực trong tháng 5 quy định người thuê lao động phải đóng bảo hiểm cho người giúp việc gia đình, cho họ nghỉ hàng tuần và trả lương không thấp hơn lương tối thiểu là 1 bước định danh cho họ. Ngay cả đến bà Nelien Haspels, chuyên gia về giới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng nhận xét “Việc ban hành Nghị định về giúp việc gia đình năm 2014 gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng nghề giúp việc gia đình, khi đảm bảo các yêu cầu quy định, là một nghề chuyên nghiệp, mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội cho các gia đình thuê người giúp việc, cho bản thân người giúp việc và cả xã hội Việt Nam”.
 
Chuyện người giúp việc luôn là câu chuyện dài, và thường xuyên mang tính thời sự tầm...công sở. Bởi đến đây, các bà chủ nhà thường than thở về chuyện ô sin nhà mình, có nhà thì chiều chuộng ra mặt, bởi nếu không có họ, ai sẽ đỡ đần cho những vợ chồng bận rộn khi vắng nhà. Đến nỗi, đã có bộ phim hài "Kính thưa Ô sin" cũng xoay quanh chủ đề chiều chuộng người giúp việc. Nhưng ngẫm cho cùng, việc đó cũng không có gì lạ. Làm sao tìm được môt người phù hợp với gia đình mình là rất khó. Bởi xét cho cùng, họ là một con người. Công việc họ đang làm là hoàn toàn đúng đắn. Những gì họ đang làm cho gia đình bạn, ít nhiều là họ cũng có phần giúp đỡ chính gia đình bạn đấy. Vậy nên, như tác giả viết “Để giúp việc trở thành một nghề nghiệp trên bản đồ xã hội Việt Nam, có lẽ cần có sự chuyên nghiệp, bài bản và tổ chức hơn là chỉ đơn giản đưa ra một vài chính sách”.
 
Và chúng ta cũng cần hiểu rõ rằng, cụm từ "văn hóa giúp việc" không chỉ dành riêng cho người giúp việc. Mà đó còn bao hàm cả văn hóa dành cho người chủ gia đình, người được thụ hưởng sự giúp việc đối với người ô sin yêu mến của gia đình. Đó mới là điều luật của văn hóa, của văn minh mà không có văn bản luật pháp nào định chế được để đảm bảo cho một mối quan hệ thân thiện và lâu bền.  
 
Người xây dựng